NHÂN LÊN NHỮNG 'CỘT MỐC SỐNG' NƠI BIÊN CƯƠNG

Từ nhiều năm nay, Binh đoàn 15 đã giúp rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên tổ chức sản xuất, xây dựng làng bản, ổn định cuộc sống.

Không còn sinh sống theo hình thức du canh, du cư, đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên được tạo việc làm ngay trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, con em được đến trường. Nhiều vụ việc chặt phá rừng, vượt biên trái phép, di cư tự do... được đồng bào phát hiện và thông báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn. Bà con chính là những người xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đường biên, cột mốc biên giới quốc gia không chỉ là trách nhiệm của riêng LLVT. Đây là trách nhiệm của toàn dân, đồng bào sinh sống trên khu vực biên giới, những người hằng ngày, hằng giờ trực tiếp tham gia bảo vệ biên cương. Thông qua các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, họ trở thành “tai mắt” của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nơi biên giới. Mỗi cụm, điểm dân cư là những làng, xã chiến đấu, mỗi người dân là một chiến sĩ cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các LLVT tạo thành thế trận phòng thủ liên hoàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

 Cán bộ Binh đoàn 15 trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người lao động. Ảnh: QUANG HỒI.

Cán bộ Binh đoàn 15 trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người lao động. Ảnh: QUANG HỒI.

Đồng bào DTTS nước ta nhìn chung có tinh thần cố kết cộng đồng rất cao. Họ thường gắn bó, “ăn đời ở kiếp” với bản làng, nương rẫy nơi tổ tiên, cha ông mình đã sinh sống. Nhưng cũng vẫn còn một bộ phận đồng bào do phong tục, tập quán du canh, du cư; do thiếu đất sản xuất nên di cư tự do, gây mất ổn định trật tự an ninh xã hội. Bài toán đặt ra với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng các tỉnh có đường biên giới là làm sao để có nhiều hơn những "cột mốc sống" nơi biên cương gian khó.

Từ kinh nghiệm, cách làm của Binh đoàn 15 và nhiều đơn vị quân đội, để nhân lên, có nhiều hơn nữa những cột mốc chủ quyền sống vững chắc nơi biên cương thì phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề an cư cho đồng bào trên khu vực biên giới. Khi người dân có điều kiện phát triển kinh tế, con em được đến trường và có thể trưởng thành, làm giàu trên dải đất biên cương thì chắc chắn bà con sẽ gắn bó và tích cực góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Đây là bài toán khó, cần có nhiều nguồn lực và sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị các cấp. Cùng với việc Trung ương từng bước tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và khu vực biên giới thì cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn biên giới cần phát huy nội lực, đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình giúp bà con ổn định cuộc sống. Việc nhân rộng, đẩy mạnh triển khai các mô hình liên kết hộ, liên kết thôn-bản, mô hình kết nghĩa giữa quân nhân với hộ đồng bào... như cách làm hiệu quả của Binh đoàn 15 là rất cần thiết để xây dựng cộng đồng dân cư khu vực biên giới đoàn kết, nghĩa tình, qua đó giữ vững ổn định địa bàn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thiết thực góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nhan-len-nhung-cot-moc-song-noi-bien-cuong-645171