Nhân lên nghĩa cử cao đẹp

Số liệu thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho thấy, tình trạng thiếu máu nhóm O đang diễn ra khá trầm trọng. Thiếu máu đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cấp cứu, điều trị bệnh của khoảng 180 bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Ðáng chú ý, tình trạng khan hiếm máu nhóm O không chỉ xảy ra ở phía bắc mà còn diễn ra ở cả các tỉnh phía nam, miền trung - Tây Nguyên... Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã phát đi thông điệp SOS và kêu gọi những người có nhóm máu O tham gia hiến máu để có nguồn cấp cứu và điều trị cho người bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều người dân và hơn 100 cán bộ, nhân viên của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư có nhóm máu O đã tham gia hiến máu, đồng thời tích cực chia sẻ thông tin, kêu gọi, vận động người thân và bạn bè cùng hiến máu. Cộng đồng xã hội, những người có nhóm máu O cũng tích cực tham gia. Họ là công nhân, giảng viên đại học, nhân viên ngân hàng... và phóng viên báo chí. Với họ, đơn giản đây là sự sẻ chia và yêu thương. Tuy nhiên theo dự báo, tình trạng thiếu máu nhóm O sẽ còn diễn ra trong thời gian tới (có thể kéo dài đến sau ngày 2-9).

Tại Việt Nam, gần 50% số dân có máu nhóm O, cho nên số lượng người bệnh cần truyền máu nhóm O luôn cao hơn so với các nhóm khác. Trong một năm có hai dịp thường xảy ra tình trạng thiếu máu là Tết Nguyên đán và hè, do hiện nay người hiến chủ yếu là học sinh, sinh viên. Dịp Tết và hè học sinh, sinh viên thường nghỉ.

Máu là chế phẩm đặc biệt rất cần cho công tác cấp cứu và điều trị. Với nhiều người bệnh, máu là sự sống, suốt đời cần truyền máu. Nhưng máu lại không thể sản xuất được, mà chỉ có được khi người khác hiến tặng. Hy vọng, nghĩa cử cao đẹp của sự sẻ chia sẽ được nhân lên trong cộng đồng.

Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) đã phát triển nhanh chóng ở nước ta trong hơn mười năm qua. Ðiều này không chỉ thể hiện qua lượng máu tiếp nhận được tăng cao qua từng năm mà còn thể hiện ở sự thay đổi trong nhận thức: từ hiến máu lấy tiền sang hiến máu tình nguyện... Tuy nhiên, đến nay phong trào này phát triển chưa rộng khắp, chưa có sự tham gia của đông đảo người dân (những người đủ điều kiện hiến máu), cho nên vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu vào những thời gian nhất định. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích của hiến máu cứu người; nhất là tăng dần số lượng người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu (cần đạt tỷ lệ ít nhất 2% dân số tham gia hiến máu).

Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền, vận động nhiều người tham gia HMTN và hiến máu nhắc lại, nhằm bảo đảm đầy đủ, thường xuyên và ổn định lượng máu an toàn phục vụ nhu cầu điều trị, cấp cứu và dự phòng. Khơi dậy ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người để huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp... tích cực tham gia. Duy trì, phát triển nguồn người HMTN đông đảo và bền vững trên phạm vi toàn quốc, thông qua việc xây dựng các câu lạc bộ hiến máu dự bị, câu lạc bộ nhóm máu hiếm, câu lạc bộ vận động hiến máu tại các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và tại cộng đồng...

MINH HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37406702-nhan-len-nghia-cu-cao-dep.html