Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19-7) Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật

Thi hành án dân sự (THADS) là quá trình hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án trong thực tiễn của cuộc sống, góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo cơ sở nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội… Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển của ngành THADS, những năm qua, hệ thống THADS trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Hội đồng tiêu hủy vật chứng do Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì tổ chức tiêu hủy vật chứng là vật liệu nổ thu giữ được trong các vụ án đã được Tòa án tuyên tịch thu, tiêu hủy trước đó (ngày 9/7/2021). Ảnh: T.L

Hội đồng tiêu hủy vật chứng do Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì tổ chức tiêu hủy vật chứng là vật liệu nổ thu giữ được trong các vụ án đã được Tòa án tuyên tịch thu, tiêu hủy trước đó (ngày 9/7/2021). Ảnh: T.L

Cách đây tròn 75 năm, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành các bản án của Tòa án. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của ngành THADS. Ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 19-7 hằng năm là “Ngày truyền thống THADS”. Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành THADS của cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã từng bước lớn mạnh, khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của mình trong hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật. Từ một bộ phận thuộc cơ quan Tòa án Nhân dân được chuyển sang các cơ quan do Chính phủ quản lý và từng bước được tổ chức tập trung, thống nhất, theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương (Pháp lệnh THADS năm 2004). Đến năm 2008, lần đầu tiên một đạo luật về THADS được Quốc hội thông qua, theo đó, hệ thống THADS đã được nâng lên một vị thế mới, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh phát biểu tại Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh (ngày 15/7/2021). Ảnh: Q.T

Trải qua các thời kỳ, ngành THADS tỉnh đã không ngừng phấn đấu, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, Cục THADS tỉnh có 4 phòng chuyên môn và 9 chi cục THADS cấp huyện trực thuộc với 115 biên chế. Công tác THADS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả THADS về việc và tiền năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2016-2020, THADS tỉnh đã thụ lý gần 61.000 việc, tương đương với số tiền khoảng 3.672 tỷ đồng, trung bình mỗi năm phải giải quyết hơn 12.000 việc, tương đương số tiền khoảng 734 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2020 thụ lý 11.323 việc, tương đương 980 tỷ đồng, thi hành xong 87,29% về việc, 52,37% về tiền tính trên số việc và tiền có điều kiện thi hành.

Tính từ đầu năm đến 1/7/2021, đã thụ lý 10.323 việc, tương đương hơn 729 tỷ, thi hành xong 71,15% về việc, 37% về tiền tính trên số việc và tiền có điều kiện thi hành. Trong đó, nổi bật nhất là công tác thi hành các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; thu hồi ngày càng hiệu quả khoản nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng theo Nghị quyết số 42/2019/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu…

Bên cạnh đó, Cục THADS tỉnh đã phát huy trí tuệ, tâm huyết của toàn Ngành làm tốt vai trò đầu mối tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS. Ngày 25/9/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS trên địa bàn tỉnh. Về đội ngũ công chức, chấp hành viên của tỉnh, tiếp tục được kiện toàn; vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động THADS, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Thêm vào đó, trong những năm qua, Cục THADS còn tích cực ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thi hành án, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên tryền, phổ biến giáo dục pháp luật… Nhờ vậy, công tác THADS trên địa bàn tỉnh ngày càng nền nếp, hiệu quả, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đất nước. Những đóng góp đó đã được các bộ, ngành và Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương…

Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp trong suốt 75 năm qua mà các thế hệ cán bộ của Ngành đã dày công vun đắp, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành THADS tỉnh Thái Nguyên quyết đồng tâm nhất trí, tâm huyết, yêu nghề, tận tụy trong công việc, nỗ lực vượt khó để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng. Ngành đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống. Tiếp tục nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh…

Trần Bình (Phó Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/phap-luat/bao-dam-tinh-nghiem-minh-cua-phap-luat-288694-101.html