Nhân kỷ niệm 150 ngày sinh của đại văn hào M.Gorky (1868-2018) Maksim Gorky trong hồi ức của những người đương thời

Xét về số lượng in, sách của Maksim Gorky chỉ thua sách của Aleksandr Pushkin và Lev Tolstoy. Nhà văn đã 5 lần được đề cử Giải Nobel Văn học, đã thành lập 3 nhà xuất bản lớn (Tri thức, Cánh buồm và Văn học thế giới) và đã phục hồi tủ sách huyền thoại Cuộc đời những con người vĩ đại.

Tên ông được đặt cho những con tàu thủy, máy bay, thành phố. Lời nói của ông quyết định một tác giả trẻ sẽ được công bố tác phẩm hay trở nên vô danh. Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Gorky (1868-2018), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến của một số nhà văn Nga đương thời về ông.

Evfeny Zamyatin: Nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà chính luận, nhà biên kịch Nga (1884-1937)

Gorky không bao giờ làm một khán giả bình thường, ông bao giờ cũng thâm nhập trung tâm các sự kiện, ông khát khao hành động. Ông được nạp nhiều năng lượng đến mức nó trở nên chật chội trên trang sách và tràn ra cuộc đời.

Ông đã lớn lên bên bờ Volga, dòng sông huyền thoại sản sinh ra hai lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Nga vĩ đại Razin và Pugachyov. Ông bắt đầu cuộc đời bằng nghề kéo thuyền và kết thúc là chủ nhân của 3 nhà máy gạch và một số ngôi nhà. Năm 8 tuổi cậu bé bắt đầu phụ việc cho một thợ đóng giày, cậu bị ném vào dòng sông cuộc đời ngầu đục, ở đó cậu phải tự bơi lấy một mình. Đó là cách giáo dục do người ông lựa chọn.

Tiếp theo là sự thay đổi chóng mặt địa điểm hoạt động, những cuộc lãng du, nghề nghiệp, nó xích Gorky gần lại với Jack London, thậm chí với François Villon, nhà thơ Pháp (1431-1463), đặt trong bối cảnh nước Nga thế kỷ XX. Gorky làm phụ bếp trên tàu thủy, Gorky bán tượng Thánh (thật hài hước), Gorky mua bán quần áo cũ, Gorky bán bánh mỳ, Gorky thợ khuân vác, Gorky ngư dân. Sông Volga, biển Kaspia, Astrakhan, núi Zhiguli, thảo nguyên Mozdok, Kazan. Và tiếp theo: sông Đông, Ukraina. Bessarabia, sông Danube, biển Đen, Krym, núi Kavkaz. Tất cả đều in dấu chân của Gorky cùng với những kẻ lãng du không nhà, ngủ đêm trên thảo nguyên, bên đống lửa, trong các ngôi nhà bỏ hoang, dưới những con thuyền lật úp. Biết bao nhiêu sự kiện, cuộc gặp gỡ, tình bạn, cuộc ẩu đả, những lời tự vấn trong đêm. Một vốn sống hết sức phong phú cho nhà văn tương lai và trường học vô giá đối với nhà cách mạng tương lai.

Đại văn hào M. Gorky.

Dmitry Merezhkovsky: Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà hoạt động xã hội Nga (1865-1941)

Tất cả những dòng thổ lộ tâm tình của tác giả, sự mô tả thiên nhiên, những cảnh yêu đương, chỉ là thứ văn học trung bình. Nhưng những kẻ không nhìn thấy phía sau chất thơ đáng ngờ này một hiện tượng xã hội và đời sống lớn lao, trọng đại, còn sai lầm hơn nhiều so với những kẻ nhìn thấy ở Gorky nhà thơ lớn. Các tác phẩm của Gorky không có nghệ thuật, nhưng trong đó có cái không kém phần giá trị hơn thứ nghệ thuật cao siêu nhất: đó là đời sống, nguyên sơ và chân thực, nó như một mảnh đời được cắt ra còn tươi nguyên máu thịt... “Chứng thực là đúng với nguyên bản tâm hồn tôi”, Gorky đã ký như vậy dưới một trong những tác phẩm của mình, và tôi nghĩ, ông có thể ký như vậy dưới tất cả các tác phẩm.

Mark Aldanov: Nhà văn, nhà chính luận Nga (1886-1957)

Cả trước và sau cách mạng, Gorky đều sống rất “tư sản”, thậm chí vương giả. Và nếu tôi không nhầm thì hầu như hàng ngày bạn bè gần gũi nhất của ông đều tập trung ăn uống ở nhà ông. Đôi khi ông tổ chức những bữa tiệc thực sự, với khoảng 10 hay 15 thực khách. Trước năm 1917, tôi rất thích thú và hân hạnh được đến thăm căn hộ mến khách của ông trên đại lộ Kronversky. Sau một vài ly ông trở nên rất dễ thương và vui vẻ. Sẵn lòng nghe người khác nói, môi mỉm cười (ông có nụ cười trẻ thơ và cực kỳ hấp dẫn).

Bản thân Gorky cũng rất thích trò chuyện. Trong đời mình ông nhìn thấy rất nhiều và kể rất hay về những gì mình đã trải. Quả thật, đáng tiếc là như phần lớn những người kể chuyện giỏi, ông hay lặp lại. Chẳng hạn, câu chuyện ông yêu thích về một người Tác-ta nào đó mà ông muốn cứu thoát khỏi nhà tù, tôi đã nghe hai, ba lần.

Vladislav Khodasevich: Nhà phê bình văn học, chuyên gia về Pushkin (1886-1939)

Ngày mới của ông bắt đầu sớm: ông thức dậy khoảng 8 giờ sáng và sau khi uống xong cà phê và nuốt 2 quả trứng sống, ông làm việc một mạch đến 1 giờ chiều. Bữa trưa bắt đầu lúc 1 giờ và kéo dài 1 tiếng rưỡi cùng với các câu chuyện sau khi ăn. Sau đó, Gorky bắt đầu đi dạo.

Sau khi đi dạo, ông lại ngồi vào bàn viết đến khoảng 7 giờ tối. Bàn viết bao giờ cũng to, rộng, trên đó các đồ dùng văn phòng được sắp xếp rất ngăn nắp. Aleksey Maksimovich thích loại giấy tốt, bút chì nhiều màu, ngòi và bút mới, ông không bao giờ dùng bút máy. Bên cạnh đó là hộp đựng thuốc lá và một bộ tẩu đủ màu: đỏ, vàng, xanh. Ông hút nhiều thuốc lá.

Khoảng thời gian từ lúc đi dạo đến bữa ăn tối ông chủ yếu dành cho thư từ, đọc các bản thảo. Ông trả lời những bức thư ngay lập tức. Ông đọc hết sức chăm chú những bản thảo và sách (đôi khi nhiều tập) và viết các ý kiến của mình rất tỉ mỉ trong các bức thư gửi cho tác giả. Ông không chỉ ghi các nhận xét vào bản thảo mà còn sửa các lỗi chính tả. Với các cuốn sách ông cũng làm như vậy: ông sửa tất cả các lỗi in sai với sự cần mẫn của một cán bộ chữa mo-rát. Đôi lúc ông cũng làm như vậy với các tờ báo và sau đó ông ném ngay vào sọt rác.

Aleksandr Serafimovich: Nhà văn Liên Xô (1863-1949)

Gorky không chỉ là nhà văn vô sản thiên tài mà còn là một nhà tổ chức tuyệt vời. Hai đặc điểm này làm nên tính cách nổi bật của ông. Sức mạnh sục sôi trong lồng ngực ông lan tỏa ra xung quanh. Khát khao mãnh liệt, năng lượng tràn trề trong lồng ngực Aleksey Maksimovich thể hiện khắp nơi, trong các cuộc gặp gỡ với mọi người, trong các nhận xét về con người, trong việc lựa chọn tác phẩm của các nhà văn trẻ, trong những lời hướng dẫn về cách viết văn, phản ánh các hiện tượng của đời sống, dư luận xã hội, trong tất cả mọi thứ xung quanh.

Trần Hậu

((Theo Eskimo.ru))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhan-ky-niem-150-ngay-sinh-cua-dai-van-hao-mgorky-1868-2018-maksim-gorky-trong-hoi-uc-cua-nhung-nguoi-duong-thoi-n142394.html