Nhận hối lộ tình dục sẽ bị xử lý tội danh về tham nhũng

Hối lộ tình dục, hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng, nâng điểm thi, cho đi học, thi đấu, biểu diễn ở nước ngoài…thì sẽ coi là lợi ích phi vật chất và người nhận hối lộ sẽ bị xét xử theo tội danh về tham nhũng.

Đó là một trong các nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán tối cao vừa thông qua, có hiệu lực từ 15/2/2021, đang nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận.

Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành Nghị quyết 03 (có hiệu lực từ 15/2) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.

Theo Nghị quyết này, việc xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ phải nghiêm khắc. Quá trình tố tụng, người phạm tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.

Trong Nghị quyết cũng đã giải thích nhiều cụm từ còn gây tranh cãi như "chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ" là khi người phạm tội đã chủ động hoặc tác động người thân trong gia đình nộp lại ít nhất 3/4 tài sản đã tham ô hoặc nhận hối lộ.

"Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng" là việc người phạm tội chủ động cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến hành vi mà họ bị buộc tội.

TAND Tối cao liệt kê một số hành vi để đánh giá thái độ hợp tác tích cực như chỉ ra nơi cất giấu vật chứng, khai báo nơi đồng phạm đang trốn hoặc khai ra người phạm tội mới.

Còn "lập công lớn" là khi người phạm tội giúp cơ quan tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm liên quan vụ án; cứu người trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản từ 100 triệu trở lên trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh... Ngoài ra, người phạm tội có phát minh, sáng chế có giá trị lớn cũng được áp dụng tình tiết lập công lớn.

Khái niệm "Lợi ích vật chất khác" quy định tại các điều 354, 358, 364 và 366 của Bộ luật Hình sự là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự. Ví dụ: Hối lộ bằng việc tài trợ kinh phí đi du lịch, đi du học…

Thế nào là lợi ích phi vật chất?

Tại Nghị quyết 03, TAND Tối cao cũng giải thích khái niệm "lợi ích phi vật chất" thường xuất hiện trong các vụ án về tham nhũng. Cụ thể, đó là những lợi ích không phải vật chất, như hối lộ bằng đề xuất tặng thưởng danh hiệu hay giải thưởng, bổ nhiệm chức vụ, hứa hẹn cho tốt nghiệp, đi học, đi nước ngoài hoặc hối lộ tình dục.

"Lợi ích phi vật chất" quy định tại điểm b khoản 1 các điều 354, 358, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất.

Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục...", Nghị quyết 03 nêu.

Hà Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhan-hoi-lo-tinh-duc-se-bi-xu-ly-toi-danh-ve-tham-nhung-20210121102539014.htm