Nhãn hàng riêng - lợi ích cả '3 nhà'

Nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ đang trở thành mối đe dọa đối với nhà sản xuất khi họ buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh với chính các nhà phân phối, bên cạnh cuộc đua với các đối thủ khác. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, nhãn hàng riêng sẽ là phép thử, buộc các nhà sản xuất phải đổi mới sản phẩm, mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với những sản phẩm do chính mình làm ra nhưng mang nhãn hiệu của nhà bán lẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia về bán lẻ, phát triển hàng nhãn riêng đang là xu hướng chung của cạnh tranh bán lẻ trên thế giới. Tại các nước phát triển, tỷ lệ hàng nhãn riêng trong cơ cấu hàng hóa của doanh nghiệp bán lẻ đang gia tăng. Ở Việt Nam, ngoài BigC rút khỏi cuộc chơi, các nhà bán lẻ hiện tại như Saigon Co.op, Lotte Mart, Aeon,… đang tiếp tục mở rộng kênh sản phẩm này. Lotte Mart đã phát triển hơn 1.100 sản phẩm hàng nhãn riêng thương hiệu Choice L, Choice L Save và Choice L Prime nhập khẩu từ Hàn Quốc. Không chỉ tiêu thụ ở Việt Nam, gần đây Lotte Mart đã xuất lô hàng thực phẩm, nước giặt, dụng cụ nhà bếp mang thương hiệu Choice L trị giá 1 tỷ đồng sang Myanmar. Nhà bán lẻ hàng đầu trong nước là Saigon Co.op cũng đầu tư hơn 300 mặt hàng với gần 3.000 mã hàng nhãn riêng, trải đều ở các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ đến hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng, may mặc.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hàng nhãn riêng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các nhà bán lẻ. Bên cạnh đó, làm hàng nhãn riêng, nhà phân phối cũng chính là nhà cung cấp nên tiết giảm được các chi phí quảng cáo, phân phối, đầu tư tiếp thị cho sản phẩm… Trên cơ sở thông tin thu thập được về thị hiếu khách hàng, xu hướng tiêu dùng, mức chi tiêu… nhà bán lẻ biết rõ nên đầu tư mặt hàng nào để thu hút sự quan tâm và giữ chân khách hàng.

Bà Nguyễn Mai Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Thành (Hà Nội) - một trong những doanh nghiệp đang gia công hàng nhãn riêng cho hệ thống bán lẻ cho biết, cái được lớn nhất của việc gia công hàng nhãn riêng là doanh nghiệp tối ưu hóa được công suất máy móc, thiết bị, nhà xưởng và không phải lo khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được chủ động trong việc điều chỉnh giá khi có biến động chi phí đầu vào, giá bán phải thấp hơn sản phẩm cùng loại mang thương hiệu công ty và ít nhiều ảnh hưởng đến thị phần của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải có chiến lược riêng, phát triển dòng sản phẩm không “đụng hàng” với sản phẩm gia công để tránh tình trạng tự mình cạnh tranh với chính mình.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, phần lớn hàng nhãn riêng của siêu thị tập trung ở nhóm hàng phổ thông, phân khúc trung bình hoặc thấp nên các mặt hàng này chủ yếu cạnh tranh với các dòng sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ. Và cách duy nhất mà các nhà sản xuất có thể duy trì sự cạnh tranh là phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng và bổ sung tính năng mới cho sản phẩm để hấp dẫn người tiêu dùng.

Có thể thấy, các nhà bán lẻ Việt Nam đang khai thác tốt thị trường hàng nhãn riêng, mang lại lợi ích cho cả nhà bán lẻ, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi xây dựng hàng nhãn riêng, nhà bán lẻ cũng cần xác định phân khúc thị trường để không phá giá, cạnh tranh trực tiếp với nhà cung cấp.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/905143/nhan-hang-rieng---loi-ich-ca-3-nha