Nhân dịp kỷ niệm 73 năm thành lập TTXVN (15-9-1945 -15-9-2018): Nhà báo Nguyễn Văn Trường viết hay - sống khiêm nhường (Tiếp theo)

Chẳng những gắn bó với những cán bộ lãnh đạo trên, anh Văn Trường còn gắn bó với những bạn bè đồng nghiệp thời xa xưa, như nhóm chị em được mệnh danh là 'Tứ quý một thời'. Đó là các chị Huỳnh Thị Hường, Tuệ Oanh, Tô Kim Nhâm và Tường Vân, trong đó, ba chị đã là người thiên cổ, còn chị Tuệ Oanh thì đã ngoài 80, nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn và còn minh mẫn.

Bài 3
Vũng Tàu, 13-9-2018 3/Những ngày làm việc tại SPK
Đầu tháng 9-1987, anh được cử sang làm Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN tại Thông tấn xã Campuchia (SPK). Anh nhận thức rằng: giờ đây, đã qua rồi thời kỳ giúp Bạn bằng cách “cầm tay chỉ việc” mà phải giúp Bạn nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ nghiệp vụ. Nhờ mối quen thân với một số đồng chí Trưởng, phó Đoàn chuyên gia Việt Nam và Đại sử VN tại CPC, nên anh có thể tiếp cận với các đồng chí bất cứ lúc nào để tìm hiểu phuc vụ công tác của mình. Có lần, đồng chí En Sam An, Tổng giám đốc SPK hỏi ý kiến về nhân sự, đề bạt cán bộ, anh đã trao đổi thẳng thắn là do Ban lãnh đạo các bạn quyết định và trao đổi một số kinh nghiệm để các bạn tham khảo. Sau một năm công tác ở đây, các anh đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp vẻ vang, vun đắp tình hữu nghị giữa VN với CPC và TTXVN với SPK.

III/ NGƯỜI HIỂU VÀ CÓ QUAN HỆ CHẶT CHẼ VỚI CÁC CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN VÀ BAN BIÊN TẬP TIN TRONG NƯỚC

1/ Đối với các cán bộ lãnh đạo cơ quan
Có thể nói rằng hiện nay, anh Văn Trường là một trong số những cán bộ kỳ cựu và cao tuổi trong cơ quan ta quen biết, làm việc và nhớ nhiều nhất các cán bộ lãnh đạo trước đây của cơ quan.,
Qua các bài viết của mình, anh cho biết: ông Trần Kim Xuyến là Giám đốc đầu tiên của VNTTX, nhưng ông đạ sớm hy sinh (ngày 3-3-1947) mà hiện nay, nhiều nơi đã lấy tên ông đặt cho những con đường.
Tiếp theo ông Xuyến, ông Hoàng Tuấn được Đảng giao gánh vác xây dựng và phát triển VNTTX (nay là TTXVN). Ông là người anh – người thầy đầu tiên trong cuộc đời làm báo của anh, khi ông vừa là người chỉ đạo vừa là giảng viên chính lớp phóng viên VNTTX khóa 1 các anh học. Ông là một trong những người lãnh đạo cơ quan lâu năm nhất (1947-1966), để lại dấu ấn và những kỷ niệm không phai mờ trong đội ngũ cán bộ lão thành của ngành. Anh kể: khi giao nhiệm vụ cho anh về Hưng Yên viết tin, bài phỏng vấn đồng chí Lê Quý Quỳnh, Bí thư Tỉnh ủy, mặc dù ông bảo tôi phải tự lo, nhưng ông vẫn tạo điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ bằng cách bảo ông Lê Bá Thuyên (lúc đó là Trưởng phòng tin Trong nước) cung cấp cho tôi tư liệu trong chuyến đi công tác Hưng Yên trước đó để tôi đọc, nên tôi đã rút ngắn được thời gian chuẩn bị phỏng vấn. Ông là một cán bộ rất “chuyên”, là một trong những cây bút viết phóng sự giỏi nhất thời kháng chiến chống Pháp. Bài “Giải phóng Điện Biên Phủ” của ông còn lưu lại trong giáo trình đào tạo của TTXVN. Ông thường nhắc mọi người trong tin lễ tân: “Phải ngắn gọn, tránh viết dài mà dại”! Đó là “phong cách Hoàng Tuấn”.
Thật cảm động khi anh viết: “Anh Hoàng Tuấn ơi! Anh xa cơ quan ta đã lâu rồi; xa cuộc đời này đã lâu rồi. Ở nơi vĩnh hằng, anh có biết mỗi độ thu về, có một người em nhớ anh, thắp nén hương lòng bằng mấy trang tâm sự…”!
Ông Trần Thanh Xuân (Năm Xuân) nguyên là Phó Tổng giám đốc TTXVN, Giám đốc TTXGP cũng là người được anh nhắc đến nhiều. Ông từng sang Pháp du học, trở thành trí thức, luôn hướng về quê hương, đất nước. Ông sinh ra trong gia đình nghèo, bán bánh mứt ở thị trấn Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Bình, Gò Công. Ở quê, không có trường tiểu học, ông phải đi trọ học và khi học trung học ở Sài Gòn, nhờ học giỏi ông được cấp học bổng, nhưng ông vẫn phải dạy học thêm kiếm sống! Khi thi tú tài, năm 1939, ông đậu Đầu bảng, được cấp học bổng Toàn phần sang du học ở Pháp. Học bổng không đủ sống, trong khi, học nhiều, ông bị bệnh lao phổi. Năm 1946, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Sau đó, ông được Chính phủ kháng chiến Việt Nam bố trí làm Tổng thư ký Phái đoàn Chính phủ. Ba năm sau (1949), ông chuyển sang hoạt động phong trào sinh viên VN ở Pháp, làm cầu nối liên lạc giữa Đảng CS Pháp và Đảng ta.
Trong khi đó, bà Mai Thị Trình vợ của ông sau này, vốn sinh trưởng trong một gia đình cả hai bên nội, ngoại đều là đại điền chủ ở ở Hậu Giang. Bà cũng học Trung học ở Sài Gòn rồi sang du học ở Pháp. Năm 1947, đất nước ta đang kháng chiến chống Pháp, lưu học sinh Việt Nam không còn được hưởng quyền lợi giống như sinh viên Pháp nữa, nên bà phải vừa học vừa làm đủ mọi việc từ giúp việc trong nhà đến phiên dịch để kiếm tiền ăn học ...Trong những ngày du học ở Pháp, bà hăng hái tham gia các công tác của Tổng hội sinh viên VN, là Phó Chủ tịch Hội và là nữ duy nhất trong Ban chấp hành Hội. Bà thường gặp ông Năm, một trong những người lãnh đạo phong trào và rất yêu quý, cảm phục ông. Tháng 9/1951, bà đã xin gia nhập Đảng cộng sản Pháp và đầu năm sau, 1952, hai ông bà tổ chức lễ cưới tại tòa Thị chính Paris. Khoảng cuối 1953 đầu 1954, ông Năm được tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp giúp vượt biên về Việt Bắc. Lúc đầu, ông được Tổ chức phân công về Phó Giám đốc Đài Phát thanh TNVN. Do nhu cầu công tác đối ngoại, nên đầu năm 1955, ông được thuyên chuyển ông về VNTTX, để trở lại Paris làm phóng viên thường trú của VNTTX. Bà Trình được tổ chức đưa đi học phóng viên khóa 1 cũng để trở lại Paris công tác với ông. Ở Paris, ông vẫn bị Nhà nước Pháp theo dõi và cuối năm 1960, họ bắt và trục xuất ông khỏi nước Pháp. Về nước, ông được Đảng và Nhà nước tăng cường cho Ban lãnh đạo VNTTX , tiếp tục với cương vị Phó Giám đốc. Tháng 3/1973, sau Hiệp định Paris hai tháng, ông lên đường đi B, làm Giám đốc TTXGP. Sau giải phóng, ông đã cùng với lãnh đạo cơ quan và cán bộ từ R về tiếp quản cơ ngơi Việt Tấn xã của chính quyền cũ. Ông là Phó Tổng giám đốc TTXVN phụ trách khu vực B2. Năm 1987, ông đã qua đời do bệnh cũ tái phát, thọ 68 tuổi.

2/ Đối với các cán bộ Ban biên tập tin Trong nước trước đây
Khi đọc sách”Chuyện chúng tôi – Lính xung kích thông tấn, NXB Thông tấn xuất bản mới đây, người ta không thể không đọc bài: “Những gương mặt khả kính”. Đó được coi là bài Đinh của sách, một bài viết khá hay, rất sâu sắc về các cán bộ từng lãnh đạo, “đi qua” Ban Trong nước. Sau đó, anh có nhiều bài viết với những tư liệu sâu sắc, quý giá về các cán bộ, phóng viên Ban biên tập tin Trong nước. Sau ông Hoàng Tuấn (như đã nhắc ở trên), ông Đào Tùng tiền thân cũng là phóng viên tin Trong nước - người từng dẫn đầu tổ phóng viên biệt phái, đưa tin Hội nghị Liên hiệp đình chiến Việt-Pháp tại Trung Giã, rồi về Hà Nội viết tin, bài phản ánh về không khí tiếp quản Thủ đô.

Ông Lê Chân, Phó Tổng Giám đốc cơ quan, một người rất giỏi ngoại ngữ, từng là Trưởng Phân xã đầu tiên của TTXVN tại Liên khu 3 và Trưởng các Phân xã nước ngoài như Niu-đê-li (Ấn-độ), Luân-đôn (Anh). Trong điều hành giao ban Bộ Biên tập, ông rất nghiêm túc, nếu Trưởng ban báo cáo tình hình không rõ, ông truy đến cùng, nhưng ngoài công việc, ông lại là người tếu- táo rất vui!
Năm 1956, ông Lê Bá Thuyên phụ trách Phòng Tin trong nước. Ông là tấm gương sáng về tính cần cù, cẩn thận trong nghề nghiệp. Sau đó, ông Nguyễn Phố thay, rồi ông Mai Hữu Phúc được đề bạt Trưởng phòng. Ông được cử đi B rất sớm. Vào chiến trường, ông lấy tên là Mười Minh, rồi Khả Minh. Sau giải phóng, ông về làm Phó Tổng Biên tập Báo SGGP do ông Bảy Lý - Vũ Linh (nguyên Giám đốc TTXGP 1965 -1970) là Tổng Biên tập. Với bút danh Bến Nghé, ông chuyên viết mục tiểu phẩm trên báo. Ông ốm yếu, bệnh tật trầm kha và đã về cõi Vĩnh hằng trong lòng "thương nhớ chú Mười Minh" của đồng nghiệp, bạn bè ở Báo SGGP.
Sau này, khi phòng Tin trong nước nâng cấp lên Ban, thì anh Trần Hữu Năng là Trưởng Ban đầu tiên và lâu nhất. Anh nghiêm khắc và sát sao với công việc. Thu xếp được công việc văn phòng là anh cùng đi cơ sở với phóng viên. Khi là trưởng Phân xã Hải Phòng, anh đã có công tham gia phất cờ thi đua "Sóng Duyên Hải" - một trong 3 phong trào thi đua lớn "Sóng Duyên Hải", "Gió Đại Phong", "Cờ Ba nhất" trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước - bằng tin mở đầu "Nguyễn Thị Lỵ , sáng kiến nhỏ, hiệu quả cao" ở nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng. Anh Trần Hữu Năng từng trải qua các Trưởng Phân xã ở trong nước và ngoài nước (Bắc Kinh, Paris ). Sau khi từ Phân xã Paris trở về, anh được điều động lên Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương. Anh Võ Thế Ái lên quyền Trưởng ban và khi sáp nhập hai Ban Biên tập Tin- Ảnh là một, thì anh Lê Châu làm Trưởng Ban.
Chẳng những gắn bó với những cán bộ lãnh đạo trên, anh Văn Trường còn gắn bó với những bạn bè đồng nghiệp thời xa xưa, như nhóm chị em được mệnh danh là “Tứ quý một thời”. Đó là các chị Huỳnh Thị Hường, Tuệ Oanh, Tô Kim Nhâm và Tường Vân, trong đó, ba chị đã là người thiên cổ, còn chị Tuệ Oanh thì đã ngoài 80, nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn và còn minh mẫn. Anh kể rất hay với tình cảm yêu thương nòng nàn, dí dỏm về các chị:
Chị Huỳnh Thị Hường rời Hà-Nội lên đường theo kháng chiến khi tuổi mới “lên hương”. Đầu kháng chiến chống Pháp, khi anh học ở Trại Trường Thiếu nhi Nghệ thuật Kháng chiến, anh đã gặp chị trong đêm liên hoan văn nghệ ở ATK, chị đàn piano một bản nhạc cuốn hút cử tọa. Rồi không biết duyên cớ nào, chị về công tác ở VNTTX... trong khi, sau khi học xong khóa đào tạo phóng viên, anh cũng được phân công về TTX, học việc ở Phòng tin Đối ngoại –VNA. Họ đã gặp lại nhau ở đây. Sau đó, cả hai cùng được chuyển xuống Phòng tin Trong nước. Anh về tổ Nông nghiệp, chị về tổ Văn xã. Chị có kinh nghiệm viết về văn hóa nghệ thuật, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa và là một trong hai người có công đầu trong phát hiện điển hình “Gia đình văn hóa” ở Hưng Yên thời chống Mỹ cứu nước. Chị còn là một trong hai nữ đầu tiên trong cơ quan được bổ nhiệm là Trưởng Phân xã. Ngày đất nước thống nhất, chị được vào Sài Gòn, làm việc ở Phòng Tư liệu phân xã. Cuối đời chị bị bại liệt do xuất huyết não. Thương tiếc một đồng nhiệp hồng nhan, anh viết: "Chị Hường ơi, văng vẳng đâu đây tiếng đàn của “Bản nhạc cha tôi để lại” vẫn còn thánh thót trong tôi!"...
Viết về chị Tường Vân, anh khen chị là một người xuân sắc một thời, trẻ lâu vì nước da đẹp, đôi mắt “động”, nét cười trẻ trung. Chính vì thế mà cánh mày râu bảo chị là… kiêu sa! Chị là phóng viên có năng lực, đa năng; từng qua các tiểu ban Nội chính, Ngoại giao, Trưởng Tiểu ban Văn xã, và Trưởng Phân xã Hà-Nội. Chị sống sởi lởi, vui tính. Do công việc, chị có mối quan hệ giao tiếp rộng rãi. Nhiều việc khó của Ban đều đến tay chị. Chị đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo!

Đoàn Việt |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhan-dip-ky-niem-73-nam-thanh-lap-ttxvn-15-9-1945-15-9-2018--nha-bao-nguyen-van-truong-viet-hay--song-khiem-nhuong-tiep-theo-63951