Nhận định nhóm cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt dòng tiền

Vượt qua ngưỡng 1.000 điểm ngày 12/3/2019, chỉ số VN-Index có diễn biến tăng giảm theo hướng tăng nhẹ, thể hiện tình trạng giao dịch giằng co rõ nét. Nhiều chuyên gia nhận định, khả năng tăng trưởng tiếp theo của chỉ số vẫn cao.

Khả năng chinh phục các ngưỡng kháng cự mới

Mỗi cột mốc quan trọng của chỉ số VN-Index có tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường cũng như nhà đầu tư. Theo nhiều chuyên gia, vượt qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, thị trường đối diện với ngưỡng kháng cự mới là 1.010 điểm, 1.020 điểm và 1.040 điểm, nếu vượt qua, thị trường sẽ tiếp tục chinh phục các ngưỡng điểm cao mới.

Điểm tích cực của thị trường hiện tại được ghi nhận đó là thanh khoản duy trì ở mức khá cao và thị trường chung có diễn biến tăng là chủ đạo. Các hoạt động kinh tế quốc tế có chiều hướng tích cực hơn, cùng với tình hình tỷ giá, lãi suất ổn định trong thời gian gần đây giúp thị trường chứng khoán tránh được những biến động thất thường và dòng tiền dễ dàng lướt sóng hơn.

Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ giúp thị trường nhanh chóng hồi phục, VN-Index chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mới 1.010 điểm vào ngày 18/3. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ khó có thể bứt phá trong giai đoạn hiện tại.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, TTCK Việt Nam đang nằm trong tốp các thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu trong vòng 1 tháng qua, chỉ sau thị trường Trung Quốc, Hy Lạp và Ấn Độ. VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.000 điểm với sự dẫn dắt của nhóm bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, giúp thị trường “tằng tằng” đi lên, bất chấp khối nhà đầu tư nước ngoài gần đây có động thái bán ròng.

Theo MBS, những khó khăn của thị trường gần như đã ở lại phía sau, VN-Index có triển vọng tăng mở rộng để hướng đến khu vực 1.024 - 1.043 điểm. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh của thị trường trước khi chinh phục các ngưỡng kháng cự mới là khó tránh khỏi, bởi để thị trường có thể đột phá thì cần sự luân phiên của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Trong trường hợp các nhóm này không bứt phá được thì thị trường hoặc sẽ tích lũy, hoặc kiểm tra lại ngưỡng 1.000 điểm.

Hiện tại, chỉ số đo lường tâm lý tham lam - sợ hãi của nhà đầu tư đã tăng lên mức 65 điểm, từ mức 55 điểm cuối tuần trước, tức tâm lý lạc quan được cải thiện, dù có dấu hiệu bấp bênh về thương mại toàn cầu và khả năng chững lại của tăng trưởng kinh tế thế giới.

Giá trị giao dịch trung bình 8 ngày gần đây đạt 5.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với giai đoạn tháng 1 và đầu tháng 2. Dòng tiền tham gia vào các nhóm cổ phiếu lớn, đóng vai trò lực đỡ cho toàn thị trường, nhưng không phải tất cả các cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá.

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khóa Dầu khí (PSI), dòng tiền hiện phân hóa vào các nhóm cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác nhau, khiến thị trường chung tăng điểm trong nghi ngờ, sự thận trọng vẫn bao trùm, nhà đầu tư không thực sự tự tin tham gia vào thị trường trong giai đoạn hiện tại.

“Mặc dù vậy, tôi vẫn đánh giá VN-Index sẽ tiếp tục leo dốc lên các mốc kháng cự mới trong thời gian tới, mặc dù các phiên tăng giảm điểm đan xen trong thời gian này là hoàn toàn dễ hiểu”, ông Khánh nói.

Sau 1.000 điểm và đạt được ngưỡng 1.010 điểm ở phiên 18/3, VN-Index đang đối diện với ngưỡng kháng cự 1.020 điểm và 1.040 điểm.

 Vượt qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, VN-Index đối diện với các ngưỡng kháng cự mới là 1.010 điểm, 1.020 điểm và 1.040 điểm.

Vượt qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, VN-Index đối diện với các ngưỡng kháng cự mới là 1.010 điểm, 1.020 điểm và 1.040 điểm.

Những nhóm cổ phiếu hút dòng tiền

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt dòng tiền, dẫn đầu là VCB và CTG, sau đó lan tỏa sang nhiều nhóm khác như TDH, LCG, GTN, IJC, HDG.

Nhìn nhận về nhóm ngành hấp dẫn trong năm 2019, anh Nguyễn Bình, một nhà đầu tư lớn tại Hà Nội cho rằng, hầu hết cổ phiếu đều đã tăng giá tương đối trong thời gian gần đây nên động lực tăng trưởng của thị trường đang phụ thuộc vào nhóm bluechips, trong đó, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn dắt chính của thị trường và thu hút dòng tiền tốt nhất. Dù vậy, dòng tiền ngắn hạn có xu hướng lan tỏa sang các nhóm ngành khác.

Anh Bình cho rằng, ở thời điểm hiện tại, những nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng cổ phiếu khoảng 60 - 70% sẽ thuận lợi trong việc nắm giữ và tận dụng các nhịp rung lắc của thị trường để “lướt sóng”. Đối với các nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, không nên nóng vội, tốt hơn là bình tĩnh chờ đợi nhịp chùng của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Các nhà đầu tư đang hướng đến mùa đại hội đồng cổ đông để nắm bắt tình hình hoạt động doanh nghiệp năm nay được dự báo là sẽ một số khó khăn như giá nhiên liệu, điện, lãi suất đều có dấu hiệu tăng. Do đó, thông tin vĩ mô chuẩn bị công bố trong một vài tuần tới sẽ phần nào tác động đến quyết định của nhà đầu tư, trong đó có số liệu xuất nhập khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế quý I/2019.

Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt là 3,8% và 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, tăng trưởng thương mại quý I/2019 sẽ ở mức thấp, yếu tố này khiến cho tăng trưởng kinh tế quý này ước tính đạt khoảng 6,6%, thấp hơn mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2018.

Đà tăng của TTCK Việt Nam vẫn thuận lợi vì bức tranh chung của thị trường quốc tế đang có “sắc xanh”. Theo VNDIRECT, thị trường cổ phiếu luôn cho nhà đầu tư lý do để lạc quan trước khi giá cổ phiếu đi ngược lại kỳ vọng. Xét trên góc độ phần thưởng so với rủi ro thì giá càng lên cao và giao dịch càng sôi động thì cổ phiếu càng kém hấp dẫn. Do đó, chiến lược giao dịch ngắn hạn cho giai đoạn hiện tại là rút lui ở những cổ phiếu giao dịch sôi động quá mức so với lịch sử của chính cổ phiếu đó.

Thị trường đang phải đối mặt với một cuộc giằng co giữa đà suy yếu của các chỉ báo chu kỳ và sự cải thiện trong các điều kiện chính sách tiền tệ. Do vậy, chiến lược mua các vị thế theo cấu trúc hình chuông, vừa gia tăng các tài sản rủi ro trong danh mục, song song đó bổ sung các biện pháp phòng ngừa rủi ro mới. Với sự luân chuyển của dòng tiền hiện nay, nhà đầu tư không nên mua đuổi trong phiên, đồng thời tiếp tục giữ các vị thế cổ phiếu đối với các nhóm dẫn dắt.

“Tôi vẫn cho rằng, nhóm ngân hàng, xây dựng, dầu khí vẫn là những nhóm cổ phiếu điển hình thu hút dòng tiền. Các nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đóng vai trò nhóm dẫn dắt thị trường khi thị trường bước vào giai đoạn bùng nổ về thanh khoản”, ông Lê Đức Khánh dự báo.

Hoàng Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dinh/nhan-dinh-nhom-co-phieu-giu-vai-tro-dan-dat-dong-tien-260645.html