Nhận định chứng khoán tuần này: Rủi ro ngắn hạn vẫn đang ở mức cao

Hiện 1.200 điểm là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho VN-Index. Nếu mốc này bị xuyên thủng, chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng đáy tháng 7/2022 là 1.149 điểm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong tuần vừa qua, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp đã có tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sau quyết định tăng lãi suất của Fed, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tiêu cực với tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp. Rất may lực cầu bắt đáy đã xuất hiện quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm vẫn khá tốt nên đã hãm bớt được đà giảm. Thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục dưới mức trung bình 20 tuần gần nhất.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 30,75 điểm xuống 1.203,28 điểm, HNX-Index giảm 8,44 điểm xuống 264,44 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 6,3% so với tuần trước đó xuống 60.535 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch xấp xỉ tuần trước với 2.406 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,5% so với tuần trước đó xuống 6.579 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 5,5% xuống 317 triệu cổ phiếu.

Nguyên nhân chính khiến VN-Index lao dốc tiếp tục đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, có đến một nửa số mã bank nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, bao gồm VCB, VPB, TCB, CTG và BID. Trong đó, VCB kéo giảm hơn 4,8 điểm, cao nhất nhóm cũng như cả sàn HoSE.

Xét về nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất thì nhóm dầu khí đứng đầu với mức giảm 4,1% giá trị vốn hóa với PLX (-4,9%), PVD (-2,6%), BSR (-3%), PVS (-1,9%)... Nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm.

Cổ phiếu nguyên vật liệu cũng giảm khá mạnh với 3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm của ngành con hóa chất với DGC (-3,6%), DCM (-0,9%), DPM (-4,2%), GVR (- 4,9%), PHR (-4,3%)... Các ngành còn lại đều giảm tương đối như tài chính (- 2,3%), công nghiệp (-1,6%), dược phẩm và y tế (-1%), hàng tiêu dùng (-0,8%), công nghệ thông tin (-0,5%)...

Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư 5 tuần gần nhất (tỷ đồng). Nguồn: SHS

Khối ngoại đã bán ròng hơn 34 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 341,26 tỷ đồng, giảm 83,35% về lượng và 64,13% về giá trị so với tuần trước đó (bán ròng 951,36 tỷ đồng). Đây là tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.

Ở chiều bán, KDH bị bán ròng mạnh nhất tuần qua với giá trị bán ròng đạt 166,8 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt gần 5,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cổ phiếu chứng khoán VND lại dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh về khối lượng, đạt gần 6,5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 120,5 tỷ đồng. Ngoài KDH, nhiều mã khác trong nhóm bất động sản và xây dựng bị bán ròng mạnh như NLG đạt 117,9 tỷ đồng, CII đạt 81,8 tỷ đồng, BCM đạt 79,8 tỷ đồng…

Ngược lại, khối ngoại đã mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG trong tuần qua với tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 11,81 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 270,2 tỷ đồng. Còn lại các cổ phiếu khác chỉ được mua ròng dưới 100 tỷ đồng như DGC đạt 98,6 tỷ đồng, VNM đạt 93,3 tỷ đồng, VIC đạt 73,9 tỷ đồng…

1.200 là ngưỡng hỗ trợ quan trọng

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index trải qua 1 tuần giảm điểm mạnh lui về vùng hỗ trợ 1.200 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, tại khung đồ thị tuần, các chỉ báo quan trọng như MACD và RSI đồng loạt hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy. Thêm vào đó, chỉ báo ADX ở khung đồ thị ngày đã hướng lên 28 cho thấy rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn đang ở mức cao.

Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ giữ vững vùng điểm 1.200 để tích lũy ở biên độ hẹp với sự tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì việc VN-Index giảm dưới 1.200 để xuống khu vực hỗ trợ phía dưới quanh 1.180 – 1.190 là hoàn toàn có thể xảy ra.

VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng, hạn chế việc bắt đáy sớm khi thị trường chưa có tín hiệu tạo đáy và chưa rõ xu hướng mới. Nhà đầu tư nên chủ động cơ cấu lại danh mục, nâng cao tỷ trọng tiền mặt, bán giảm những cổ phiếu suy yếu, giảm mạnh dưới hỗ trợ, chỉ giữ tối đa 30% cổ phiếu trong tài khoản để quản trị rủi ro.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục kết phiên cuối tuần dưới các ngưỡng kỹ thuật quan trọng, lần lượt là vùng 1.235-1.240 điểm (MA50-100 ngày), 1.245 điểm (MA20 ngày) và 1.350 điểm (MA200 ngày).

Điều này khiến xu hướng của thị trường tiếp tục ở trong trạng thái tiêu cực trong cả ngắn, trung và dài hạn nếu xét theo tiêu chuẩn các đường trung bình di động. Do đó, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong tuần giao dịch tiếp theo nếu như hỗ trợ tâm lý quanh 1.200 điểm bị xuyên thủng.

Đồ thị kỹ thuật của VN-Index. Nguồn: SHS

SHS cho biết, quý 3/2022 sẽ khép lại trong tuần tới, qua đó tổng kết đánh giá tương quan diễn biến giá cổ phiếu và tình hình doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư, cũng như những kỳ vọng mới, tiềm năng mới trong quý 4/2022. Với Việt Nam đồng giữ giá khá tốt khi nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng thì các công ty có tỷ trọng tiền mặt lớn, nợ vay thấp sẽ có lợi thế trong tình hình hiện nay.

Chứng khoán SSI nhận định, lực cung gia tăng quanh trung bình động 5 ngày của VN-Index khiến chỉ số mở rộng biên độ điều chỉnh vào phiên chiều thứ Sáu và đóng cửa tại 1.203,3 điểm cùng với nền thanh khoản ở mức thấp.

VN-Index hiện đang nỗ lực xây nền trên vùng hỗ trợ 1.200 – 1.190 điểm. Nếu duy trì tốt trên khu vực hỗ trợ 1.200 - 1.190 điểm, chỉ số có thể sẽ tạo đà để kiểm định các vùng kháng cự phía trên (1.220 - 1.228 điểm). Ngược lại, nhiều khả năng VN-Index có thể sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng đáy tháng 7/2022 (1.149 điểm).

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, đà phục hồi của thị trường bị chắn ngang sau thông tin tăng lãi suất điều hành từ NHNN khiến tâm lý thận trọng của nhà đầu tư gia tăng. Thanh khoản tuần này tiếp tục giảm, thậm chí có phiên mức thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE xuống mức thấp nhất 2 năm.

Trong bối cảnh thị trường chịu tác động bất lợi cả trong và ngoài nước, chỉ số VN-Index giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp nhưng vẫn trụ vững trên ngưỡng 1.200 điểm. Đây được xem là tín hiệu tích cực lúc này.

Từ tuần sau, thị trường trong nước sẽ đón nhận các thông tin vĩ mô và báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá hết sức tích cực khi nền so sánh cùng kỳ thấp. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động xung quanh ngưỡng 1.200 điểm trước khi hồi phục sau loạt dữ liệu vĩ mô quý 3.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhan-dinh-chung-khoan-tuan-nay-rui-ro-ngan-han-van-dang-o-muc-cao-post11799.html