Nhận diện và phòng chống tà đạo ở Việt Nam
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Thế nhưng, thời gian qua vẫn có các tổ chức tuyên truyền tôn giáo lạ, hay còn gọi là tà đạo gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Nhận diện tôn giáo lạ (tà đạo) để đấu tranh bài trừ ra khỏi đời sống xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc là vấn để được đặt ra đối với các các cấp chính quyền địa phương.
Việt Nam là nước đa tôn giáo, có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà La Môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương).
Thời gian qua, về cơ bản, tình hình tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và đại bộ phận chức sắc hoạt động đúng quy định pháp luật, ổn định, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, do mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống tôn giáo chịu tác động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; trong đó nổi lên những vấn đề như: Lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống Đảng và Nhà nước; vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ; tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội..
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Tôn giáo Chính phủ, cả nước có 85 “đạo lạ”, thường xuất hiện và phát triển mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là địa bàn Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc.
Trong số các đạo lạ, có một số hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thậm chí mang màu sắc chính trị, hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự, được gọi chung là “tà đạo”.
Đặc điểm chung của các tà đạo là luôn tự coi mình là một tổ chức tôn giáo, nhưng giáo lý của họ chỉ là sự vay mượn hay chính xác hơn là xuyên tạc, bóp méo giáo lý của các tôn giáo khác theo hướng mê tín dị đoan để phục vụ cho ý đồ của những kẻ cầm đầu; giáo lý, lễ nghi của các “đạo lạ”, “tà đạo” thường đơn giản, không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, hàm chứa yếu tố mê tín, có màu sắc chính trị.
Mục đích chính của việc hình thành và phát triển “đạo lạ”, “tà đạo” là nhằm trục lợi cá nhân thông qua sự giúp đỡ, đóng góp tiền của, công sức của những người tin theo. Số đối tượng cầm đầu thường triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc, khó khăn mà người dân không tự giải quyết được để tác động, lôi kéo họ dựa vào niềm tin tâm linh nhằm giải thoát những vướng mắc về tâm lý và tư tưởng đang nảy sinh.
Các tổ chức này đã thu hút được một số lượng người tin theo, trong đó có tổ chức “đạo lạ”, “tà đạo” đã lôi kéo hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương, như: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn… và đặc biệt gần đây là Hội thánh Đức chúa trời, dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, song, đã phát triển mạnh và hoạt động bất hợp pháp ở hơn 20 tỉnh, thành phố với hàng nghìn người tham gia, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa…
Việc tuyên truyền, phát triển “đạo lạ”, “tà đạo” đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng và tín đồ các tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Người tin theo các “đạo lạ”, “tà đạo” thuộc nhiều thành phần như trí thức, cán bộ, viên chức và công nhân, nông dân, nhưng chủ yếu là người nghèo, có trình độ dân trí thấp; họ bị một số đối tượng cầm đầu lợi dụng, lừa mị, lôi kéo tham gia. Các đối tượng sáng lập, cầm đầu và cốt cán thường là những chức sắc, chức việc và tín đồ có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, thậm chí cả số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị.
Việc đi theo tà đạo thường là cả gia đình, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Khi đi theo tà đạo, những người phụ nữ và trẻ em thường có điểm chung là "tự tách mình" ra khỏi cộng đồng. Một gia đình theo tà đạo sẽ không muốn quan hệ với các gia đình không theo đạo. Những phụ nữ và trẻ em cũng tách mình khỏi cộng đồng làng bản và xã hội.
Trong xã hội của người dân tộc Mông vẫn sống theo kiểu phụ hệ, trong đó, vai trò người đàn ông trong gia đình vẫn được đề cao hơn. Nên khi người đàn ông trụ cột trong gia đình đi theo tà đạo, thì các thành viên khác như phụ nữ và trẻ em sẽ khó có thể lựa chọn không theo.
Chị Lầu Thị Già ở xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Khi người chồng theo đạo, thì người vợ và các con trong gia đình cũng theo. Khi theo rồi thì họ không thích những người không theo đạo của họ. Có công việc gì của làng bản hay họ hàng, họ cũng không còn tham gia nhiệt tình như trước nữa".
Ông Đào Duy Trình, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho biết: "Khi họ theo đạo, là họ bỏ đi nhiều nét văn hóa truyền thống trong đời sống hàng ngày. Nhiều chị em phụ nữ tách mình ra khỏi những sinh hoạt văn hóa trong đời sống cộng đồng. Cho đến khi họ từ bỏ tà đạo, trở về với lối sống như trước, thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tâm lý".
Ở Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nhà nước ta còn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo;... thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc...”. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24). Đồng thời, “nghiêm cấm xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Hoạt động của các “đạo lạ”, “tà đạo” chủ yếu nhằm thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, thực hành tín ngưỡng phản khoa học, phi đạo đức và văn hóa nhằm thu lợi bất chính, như yêu cầu người tin theo phải đóng góp tiền của, công sức xây dựng mới hay tu sửa nơi thờ tự, phục vụ hoạt động duy trì và phát triển tổ chức của các đối tượng cầm đầu, cốt cán.
Riêng đối với một số “đạo lạ”, “tà đạo” như: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Bà Cô Dợ, Giê Sùa …, các đối tượng cầm đầu, cốt cán thu hút, lôi kéo người tham gia tổ chức nhằm chống phá chính quyền, cản trở việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xâm phạm an ninh trật tự tại địa phương.
Để nắm giữ niềm tin của những người tham gia, đồng thời ép buộc hoặc tiếp tục thu hút những người khác trong gia đình họ phải đi theo tổ chức “đạo lạ”, “tà đạo”, số cầm đầu, cốt cán của các tổ chức “đạo lạ”, “tà đạo” thường yêu cầu và buộc số người tin theo không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin; không tham gia các sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc; không chấp hành pháp luật hay tham gia các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Ông Sùng A Chu, cán bộ phòng Nội vụ, huyện Điện Biên Đông, cho hay: Hiện nay, những người theo đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ cũng không thống nhất, mà mỗi nơi lại có một nhóm hoặc một nhánh đạo khác nhau. Do không có giáo lý, giáo luật, nên ngay trong chính những nhóm theo tà đạo này cũng nảy sinh mẫu thuẫn với nhau.
Thậm chí, có những gia đình là anh em ruột, cùng đi theo đạo lạ, nhưng mỗi người lại theo một nhánh đạo lạ khác nhau. Ví dụ có nhóm thì theo đạo Giê Sùa, có nhóm theo đạo Bà Cô Dợ, có lúc những nhóm theo đạo khác nhau đã nảy sinh mâu thuẫn vì những quan điểm khác nhau từ đạo mình theo”.
Nhưng điểm chung của các loại tà đạo này là thường xuyên có những tuyên truyền giao giảng sai sự thật, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, làm ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa phương.
Có thể khẳng định, các “đạo lạ”, “tà đạo” đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tuyên truyền mê tín dị đoan, kích động tâm lý hoang mang, dao động trong quần chúng Nhân dân, làm phức tạp tình hình chính trị tại địa phương, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống.
Đặc biệt, thông qua hoạt động của các “đạo lạ”, “tà đạo”, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân.