Nhận diện và kiểm soát nguy cơ ô nhiễm các hồ chứa nước sinh hoạt

Bảo vệ nguồn nước là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững. Ngành TN-MT đã có đánh giá, nhận diện các nguy cơ đe dọa an toàn nguồn nước, từ đó đưa ra các giải pháp bảo vệ. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện nay chất lượng môi trường nước nói chung và hồ cấp nước sinh hoạt nói riêng của tỉnh vẫn được kiểm soát, đáp ứng các mục đích sử dụng, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nhân viên Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN-MT) kiểm tra các chỉ số quan trắc tự động tại hồ Đá Đen.

Nhân viên Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở TN-MT) kiểm tra các chỉ số quan trắc tự động tại hồ Đá Đen.

NHẬN DIỆN CÁC NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM

Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện nay nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt chính và chủ yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh được lấy từ 8 hồ chứa gồm: Hồ sông Ray, hồ Đá Đen, hồ Đá Bàng, hồ Suối Cát, hồ Châu Pha, hồ Kim Long, hồ Sông Hỏa và hồi núi Nhan. Tổng dung tích của 8 hồ là 243 triệu m3 trong đó hồ sông Ray và hồ Đá Đen đóng góp đến 90%. Theo PGS-TS Phạm Hồng Nhật, Viện Nhiệt đới môi trường, các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh BR-VT được xây dựng trên các khu vực có địa hình cao (đồi, núi) nên chất lượng nước khá tốt, không bị ảnh hưởng chua, phèn, mặn, có độ khoáng hóa trung bình, phù hợp cho các nhu cầu cấp nước như sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp…

Ngành TN-MT nhận diện, có 3 nguy cơ chính gây ô nhiễm các hồ chứa nước sinh hoạt gồm: phát thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; phát thải trong hoạt động sản xuất công nghiệp và chất thải sinh hoạt. Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp có nguy cơ cao nhất, bởi hầu hết các hồ chứa nước đều ở khu vực nông thôn, tập trung nhiều cơ sở chăn nuôi nên nếu không kiểm soát đúng quy định xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, dẫn đến ô nhiễm nước hồ chứa. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón trong trồng trọt còn tương đối phổ biến, bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom triệt để nên các hợp chất chứa ni tơ và các chất thải nguy hại đi vào nguồn thải phân tán và cuối cùng là đi vào hồ chứa.

Về hoạt động công nghiệp, nước thải công nghiệp từ các nhà máy riêng lẻ hoặc các KCN chưa xử lý đạt chuẩn có thể theo dòng nước mặt đi vào hồ chứa. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp phát sinh chất thải nguy hại trong nước thải là rủi ro lớn cho nguồn nước tiếp nhận. Điển hình là trường hợp nước thải dệt nhuộm của Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam đe dọa ô nhiễm nước hồ Đá Đen năm 2016.

Trong khi đó, các nguồn thải khác như nước thải sinh hoạt, rác sinh hoạt phát sinh từ đô thị và từ khu vực nông thôn vẫn chưa được thu gom và xử lý triệt để cũng là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa an toàn các hồ chứa nước sinh hoạt.

Ngoài 3 nguyên nhân chính nêu trên, ngành TN-MT cũng nhận định các nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng các hồ chứa nước sinh hoạt như: Nước mưa chảy tràn làm đục lòng sông hồ; hoạt động khoan giếng trái phép có thể làm sụt mực nước ngầm; khai thác cát đáy hồ làm xáo trộn lớp đáy, tăng độ đục, khuếch tán một số hợp chất từ bùn đáy hồ vào nước…

GIẢI PHÁP BỀN VỮNG

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, để quản lý chất lượng nước tại các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cần thực hiện các nhóm giải pháp quản lý cơ bản như: Quản lý bằng quy hoạch; quản lý bằng luật pháp; quản lý bằng cách kiểm soát – theo dõi hoạt động xả thải; quản lý bằng cách kiểm soát về xây dựng, kỹ thuật trong chăn nuôi; truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ các hồ chứa nước sinh hoạt… Trong đó, nhóm quy hoạch sử dụng đất cần thực hiện các biện pháp như: Di dời các nguồn thải có nguy cơ cao ra khỏi thượng nguồn các hồ chứa nước; hạn chế đầu tư các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Song song đó, tỉnh cũng cần xem xét trồng và phục hồi rừng đầu nguồn; bảo vệ nghiêm ngặt các đồi cát xung quanh hồ.

Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, thời gian qua, để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp thực hiện quản lý tài nguyên nước, thực thi chính sách pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động nạo vét, tận thu cát tại các hồ chứa nước; tăng cường công tác quan trắc tự động tại các hồ. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo đó, nghiêm cấm các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước như: xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, tỉnh còn nghiêm cấm các hành vi gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước...

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202009/nhan-dien-va-kiem-soat-nguy-co-o-nhiem-cac-ho-chua-nuoc-sinh-hoat-909020/