Nhận diện tội phạm nước ngoài vào Việt Nam

Nhóm tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam thường là đối tượng nhập cảnh lưu trú trong 3 tháng.

Đó là thông tin được Đại tá Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đưa ra trong buổi làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước về những điểm mới của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua.

Ông Dự cho biết, cơ quan công an cũng đã nhận diện ra nhóm đối tượng người nước ngoài nào vào thường có vi phạm. Hiện nay, thị thực du lịch có thời hạn lên tới 3 tháng và khi vào Việt Nam sẽ được ở tới 90 ngày.

“Chính nhóm này là nhóm hoạt động tội phạm công nghệ, lao động chui. Giờ thì giờ ta chỉ cho tạm trú 1 tháng”, ông Dự nói.

Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bàn giao 28 đối tượng cho Cục Công an TP.Đông Hưng (Trung Quốc) xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại TP.Móng Cái, Quảng Ninh.

Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bàn giao 28 đối tượng cho Cục Công an TP.Đông Hưng (Trung Quốc) xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại TP.Móng Cái, Quảng Ninh.

Giữa tháng 9/2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phản ánh trước Quốc hội về tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) có chiều hướng gia tăng.

Tính riêng trong năm 2019, cơ quan công an phát hiện, xử lý nhiều nhóm người Trung Quốc sang Việt Nam với một điểm chung là sử dụng “vỏ bọc” dưới hình thức khách du lịch hay doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Bộ Công an, trong vụ án đường dây đánh bạc bắt giữ hơn 380 người Trung Quốc tại Hải Phòng được đánh giá là có số lượng người nước ngoài và số tiền đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất từ trước đến nay.

Thủ đoạn hoạt động của nhóm người này được đánh giá là mới, tinh vi và thực hiện trên không gian mạng. Đặc biệt, đường dây đánh bạc này được tổ chức trong “vỏ bọc” của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sau đó chia thành nhiều nhóm nhỏ hoạt động và gần như không tiếp xúc với người ngoài.

Về nguyên nhân, ông Lâm thừa nhận, công tác quản lý cư trú - nhất là quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam - còn sơ hở, thiếu sót và nói “sẽ làm tốt hơn”.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhan-dien-toi-pham-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-3393456/