Nhận diện tội phạm lừa đảo mới làm giả giấy tờ

Băng nhóm tội phạm có tổ chức, bằng các thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ để làm giả, chỉnh sửa, mua bán hàng trăm cuốn sổ hộ khẩu, CMND, lập hồ sơ 'ma' lừa đảo tài sản của các tổ chức tín dụng. Nhận diện loại tội phạm mới mà Trung tâm An ninh Fe Credit (Công ty Tài chính của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) vừa mới phát hiện, cũng cố tài liệu để phối hợp với cơ quan chức năng bóc gỡ!

Từ những bộ hồ sơ... ma!

Trong tháng 1-2018, qua công tác điều tra ban đầu, Trung tâm An ninh của Fe Credit phát hiện ở một số tỉnh thành phía Bắc như Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng xuất hiện nhiều bộ hồ sơ tín dụng có dấu hiệu không bình thường. Đây đều là những bộ hồ sơ tín dụng hợp lệ theo quy định, đã được phía ngân hàng giải ngân, tuy nhiên đến kỳ đóng lãi thì không thực hiện nghĩa vụ, số điện thoại của khách hàng, của người tham chiếu đã bị hủy, không liên lạc được.

Nhân viên điều tra của Fe Credit được chỉ đạo tỏa đi nhiều mũi để xác minh làm rõ. Qua nhiều ngày xác minh tại các địa phương khác nhau, phát hiện địa chỉ khách hàng trên hồ sơ tín dụng không có thực, sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân sử dụng để làm hồ sơ tín dụng là giả hoặc bị lắp ghép, chỉnh sửa thông tin. Sau khi có xác nhận từ chính quyền địa phương, thông tin ban đầu từ các tỉnh thành phía Bắc được báo về cho lãnh đạo Trung tâm An ninh Fe Credit ở Sài Gòn.

Hàng trăm sổ hộ khẩu, CMND giả được đối tượng sử dụng để phạm tội.

Hàng trăm sổ hộ khẩu, CMND giả được đối tượng sử dụng để phạm tội.

Rà soát trên hệ thống, bộ phận Điều phối phát hiện các bộ hồ sơ “ma” này chủ yếu được rút tiền ở một số bưu cục trên địa bàn tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.

Nhân viên An ninh Fe Credit tiếp tục được cử đi sàng lọc, trinh sát các đối tượng nghi vấn trên địa bàn, đã phát hiện ra phương thức hoạt động của đối tượng đứng sau những bộ hồ sơ “ma” này là dùng sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân giả để lập hồ sơ tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tiền của Fe Credit nhiều tỉ đồng.

Nhằm qua mặt trung tâm an ninh và các cơ quan chức năng, hồ sơ tín dụng được các đối tượng sử dụng địa chỉ ảo ở hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc, nhưng tiền lại được rút ở một nơi khác; cũng qua công tác trinh sát, phát hiện ra “trung tâm đầu não” điều hành đường dây lừa đảo này được đóng ở địa bàn tỉnh Hải Dương!

Hồ sơ ban đầu được cũng cố vững chắc, dấu hiệu tội phạm đã rõ, Giám đốc Trung tâm An ninh Fe Credit quyết định làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng để tiến hành xử lý!

Bóc gỡ đường dây lừa đảo

Lãnh đạo Phòng An ninh Điều tra (PA92) Công an tỉnh Hải Dương nhận được đơn tố cáo kèm theo tập hồ sơ, tài liệu ban đầu của Trung tâm An ninh Fe Credit. Bằng giác quan nghề nghiệp nhạy bén, PA92 Công an tỉnh Hải Dương ngay lập tức hình dung ra được cả một đường dây lừa đảo tinh vi nằm trong các hồ sơ tín dụng. Một cuộc họp khẩn được triệu tập, lãnh đạo và điều tra viên phòng PA92 đã nghe phía Trung tâm An ninh Fe Credit phân tích về quy trình tín dụng cũng như các mối quan hệ, liên kết tội phạm thể hiện ở hồ sơ ban đầu.

Đại tá Trần Kim Xuyến, Trưởng phòng PA92 Công an tỉnh Hải Dương đề nghị phía An ninh Fe Credit cùng phối hợp, giúp đỡ trong quá trình xử lý vụ án. Trung tâm An ninh Fe Credit cử các nhân viên điều tra có nhiều kinh nghiệm lập ra tổ phục vụ chuyên án, có mặt 24/24 ở PA 92 Công an tỉnh Hải Dương, sẵn sàng phối hợp công tác.

Song song với việc hoàn thiện hồ sơ tố tụng, Giám đốc Trung tâm An ninh Fe Credit đã chỉ đạo phương án gom những hồ sơ “ma” chưa được giải ngân về chi trả ở bưu cục nhất định để bắt quả tang khi đối tượng đến rút tiền. Một số nhân viên điều tra của An ninh Fe Credit được phân công đóng vai nhân viên bưu cục Hải Dương (TP Hải Dương) và bưu cục Quán Trữ (Hải Phòng) để đón lõng các đối tượng.

Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng.

Vòng ngoài nhân viên an ninh đã cùng với các chiến sỹ PA92 Công an tỉnh Hải Dương mai phục sẵn sàng bắt giữ.

Vào lúc 9g ngày 17-03-2018 tổ trinh sát phát hiện 02 đối tượng đi xe máy đến bưu cục Hải Dương ở địa chỉ 35 Đại lộ Hồ Chí Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương để thực hiện hành vi rút tiền. Tại đây đối tượng Phạm Đình Quyền đã sử dụng CMND mang tên Nguyễn Viết An, mạo danh khách hàng qua mặt Nhân viên Bưu cục rút tiền. Đối tượng còn lại là Phạm Đức Nguyên đứng ngoài chờ sẵn chở đồng bọn tẩu thoát khi đã thực hiện xong hành vi.

Nhận được mật lệnh, trinh sát An ninh Fe Credit cùng với các chiến sỹ phòng PA92 Công an tỉnh Hải Dương tiến hành bắt giữ Phạm Đình Quyền và Phạm Đức Nguyên di lý về trụ sở Công an Hải Dương để tiến hành lấy lời khai.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Quyền và Nguyên đã thừa nhận mình nằm trong đường dây lừa đảo, được phân công đi rút tiền sau khi đã dùng sổ hộ khẩu và CMND giả để lập hồ sơ tín dụng. Sau nhiều ngày đấu tranh, đối tượng Nguyễn Thị Hiển, “con chốt chủ bài” trong vụ án đã được khai ra. Ngày 21-03-2018, đối tượng Nguyễn Thị Hiển (trú tại số nhà 30, Ngõ 234, đường Nguyễn Lương Bằng, Tp Hải Dương) đã bị bắt giữ. Đặc biệt tại nhà Hiển, nhân viên An ninh và chiến sỹ phòng PA 92 Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện thêm 02 đối tượng khác có vai trò cầm đầu trong đường dây là Vũ Điều Thuận và Bùi Thị Nguyệt Nga cũng đã bị bắt giữ.

Căn nhà số 30, Ngõ 234, đường Nguyễn Lương Bằng, Tp Hải Dương chính là “bản doanh” của đường dây tội phạm này. Tại đây cơ quan chức năng đã thu giữ 146 sổ hộ khẩu giả, 247 thẻ căn cước, CMND và bằng lái xe giả, hơn 200 sim điện thoại và nhiều máy tính, là tang vật của vụ án.

Nhận diện loại tội phạm mới

Đại tá Trần Kim Xuyến, Trưởng phòng PA 92 Công an tỉnh Hải Dương nhận định: “Đây là vụ án đầu tiên liên quan đến hành vi sử dụng hàng trăm sổ hộ khẩu, CMND giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tài chính mà chúng tôi thụ lý, điều tra bóc gỡ. Các đối tượng này cấu kết chặt chẽ với nhau, có tổ chức, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân cụ thể, sử dụng cả công nghệ cao để phạm tội.”.

Đại tá Xuyến cho biết thêm bước đầu đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với 04 đối tượng để mở rộng điều tra xử lý. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận lên mạng xã hội để mua sổ hộ khẩu và CMND giả, sử dụng hàng ngàn chiếc sim điện thoại, phân công nhiều đối tượng đóng giả là khách hàng và người thân của khách hàng để trả lời thẩm định của tổ chức tín dụng. Cũng có rất nhiều hồ sơ đối tượng đã sử dụng máy tính để chỉnh sửa, lắp ghép ảnh và thông tin trên sổ hộ khẩu, trên CMND một cách tinh vi, bằng mắt thường không thể phát hiện được.

Với thủ đoạn như trên, các đối tượng đã khai nhận lừa đảo chiếm đoạt của Fe Credit số tiền gần 1 tỷ đồng. “Chúng tôi sẽ kết thúc điều tra theo đúng thời hạn luật định, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố để sớm đưa các đối tượng ra xét xử, nhằm cảnh báo một loại tội phạm mới liên quan đến an ninh tiền tệ, giữ vững trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, Đại tá Trần Kim Xuyến nói.

Ông Lý Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm An ninh Fe Credit chia sẻ: “Với chức năng phòng ngừa, dự báo và ngăn chặn các rủi ro về tài chính nội bộ; qua đó góp phần cùng với các cơ quan chức năng giữ vững an ninh trật tự chung, nhất là an ninh trong lĩnh vực tiền tệ, Trung tâm An ninh chúng tôi đã phát hiện rất nhiều vụ việc các đối tượng sử dụng sổ hộ khẩu và CMND giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Những vụ việc đã phát hiện đều được Trung tâm An ninh phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để điều tra, bắt giữ, xử lý.”

Mạc Thạch

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhan-dien-toi-pham-lua-dao-moi-lam-gia-giay-to-115815.html