Nhận diện tham nhũng, tiêu cực

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Vì sao chúng ta phải kiên quyết đấu tranh, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm và làm "chậm" sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân.

Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm", không phải là cuộc đấu giữa các "phe cánh" hay "đấu đá nội bộ", như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu.

Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta vẫn còn không ít những khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những hạn chế, thách thức đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội trước nhưng đến nay vẫn tồn tại và có mặt còn diễn biến phức tạp hơn, trong đó có tệ tham nhũng, tiêu cực.

Để làm rõ thêm một số vấn đề đúc kết có tính lý luận và thực tiễn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ tập trung phân tích đánh giá một số nội dung, đó là: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn? Đặc biệt là phải làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới?

Nhận diện đúng về tham nhũng, tiêu cực

Chúng ta đều biết, tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003: "Tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng". Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam đã xác định: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Như vậy, về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi "ăn cắp của công làm của tư".

So với "tham nhũng" thì "tiêu cực" có nghĩa rộng hơn, do đó, phải xác định phạm vi của tiêu cực mà chúng ta cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực.

Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tệ tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ là "giặc ở trong lòng", "giặc nội xâm".

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn không sao nhãng công tác đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng, tiêu cực.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng "làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước" (Đại hội 6); "đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước" (Đại hội 11); "là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước" (Đại hội 12).

Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội 7 (tháng 1/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội 9 đã trở thành "một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta" và đến nay "vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ" (Đại hội 13).

Điều đó cho thấy chúng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-dien-tham-nhung-tieu-cuc-post1398178.html