Nhận diện tham nhũng dưới hình thức nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau

Sáng 13-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Một số kết quả cụ thể được nêu ra như các bộ, ngành, địa phương đã ban hành mới 4.128 văn bản, hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.135 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.441 cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 443 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 382 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 92,9 tỷ đồng (đã thu hồi 74,08 tỷ đồng, đạt 79,7%).

Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm một trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật một trường hợp.

Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 97 người.

Cũng trong năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Báo cáo đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Đồng tình với nhận định trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến; bộ máy nhà nước ngày càng được củng cố, kiện toàn. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường.

Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhiều vụ vi phạm, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng nêu bật một số hạn chế, tồn tại mà công tác phòng chống vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để như tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ hoặc có vi phạm, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, vẫn còn diễn ra nhưng một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận; bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách còn nhiều; còn tình trạng bổ nhiệm nhiều cán bộ lãnh đạo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, người có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ ngay trước thời điểm nghỉ hưu…

Năm 2018, số lượng bản kê khai tài sản là rất lớn. Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017), cho thấy biện pháp này chưa phát huy hiệu quả. Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ là: “Tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp", Ủy ban Tư pháp cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay; bên cạnh “tham nhũng vặt” thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.

Đây cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu nêu kiến nghị tại phiên thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Triệu Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/918405/nhan-dien-tham-nhung-duoi-hinh-thuc-nhom-loi-ich-doanh-nghiep-san-sau