Nhận diện tha hóa quyền lực

Trò chuyện với Tiền Phong về câu chuyện tha hóa quyền lực và kiểm soát quyền lực, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, có người khi chưa được trao quyền lực là người rất tốt, nhưng khi được trao quyền lực thì thay đổi bản chất rất nhanh, thậm chí chỉ sau một lần bỏ phiếu, sau một lần được bổ nhiệm…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng - Ảnh: Nhân dân

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng - Ảnh: Nhân dân

Thưa ông, một thực tế cho thấy, có không ít trường hợp cán bộ, quan chức hiện nay có biểu hiện biến quyền lực nhân dân giao cho, ủy quyền cho thành quyền lực cá nhân để phục vụ cho lợi ích cá nhân, gia đình, nhóm mình, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

Quyền lực thì luôn có xu hướng tha hóa quyền lực. Có người khi chưa được trao quyền lực là người rất tốt, nhưng khi được trao quyền lực, có người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, sau một lần được bổ nhiệm… người đó đã ra dáng “quan cách mạng”. Họ dần trở nên tha hóa, hư hỏng, trở thành người xấu vì lợi ích thấp hèn của cá nhân, của “nhóm lợi ích”. Khi được trao quyền lực cũng là lúc họ bắt đầu đánh mất dần chính bản thân mình, đánh mất bản chất tốt đẹp, chân chính trước đó. Trên đỉnh cao quyền lực, ít người để ý, nhìn thấy tai họa ẩn chứa từ bên trong quyền lực ấy. Nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết, uyên thâm, suốt đời vì dân vì nước.

Phải chăng do chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả nên mới để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực, thưa ông?

PGS.TS. Vũ Văn Phúc

Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp, biện pháp về kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kiểm soát quyền lực vẫn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, thậm chí có lúc, có nơi chưa được kiểm soát, dẫn đến tha hóa quyền lực, nhất là lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, quan liêu,... vẫn thường diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, hầu hết những vụ vi phạm của một số cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao của Đảng bị thi hành kỷ luật (kể cả truy tố hình sự) từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đều có nguyên nhân sâu sa từ sự tha hóa quyền lực, nhất là trong lĩnh vực công tác cán bộ và đầu tư các dự án kinh tế... Sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra bằng nhiều phương thức rất đa dạng, tinh vi, phức tạp, dùng quyền hạn của mình để tác động không đúng, "ưu ái" đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích.

Thực tế, hầu hết các vụ việc xảy ra thời gian qua đều có liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức, quyền trong việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn. Điển hình như các vụ việc xảy ra ở Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cá nhân lãnh đạo, quản lý của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty viễn thông MobiFone.

Cùng với đó là sự tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ, như trường hợp quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ở Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011- 2016; Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ; Đảng ủy Sở Xây dựng Thanh Hóa nhiệm kỳ 2010 - 2015… Ngay cả một số đảng viên, công chức, viên chức cũng lợi dụng vị trí công tác để trục lợi cá nhân, phe nhóm và cả một số cán bộ tham mưu, giúp việc, một số trợ lý, thư ký riêng cũng có biểu hiện tha hóa quyền lực gây bức xúc trong xã hội.

Điều đáng lưu tâm là hiện nay, sự tha hóa quyền lực đã có nhiều dư luận, nhiều người biết, nhưng để kiểm soát được là không dễ dàng, vì sự đan xen trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ gắn với người có chức, có quyền. Hơn nữa, ranh giới giữa khuôn khổ quyền hạn được giao và sự năng động, sáng tạo rất mong manh và những tình huống trong thực tiễn cũng rất đa dạng, phong phú. Nếu không làm rõ được vấn đề này cộng với "cách nhìn" phiến diện rất dễ dẫn đến "chụp mũ" cho cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, làm lợi cho Đảng, cho dân nhưng nhiều khi lại bị cho là lộng quyền (bài học về khoán "chui" trong nông nghiệp và kế hoạch 3 trong công nghiệp thời kỳ kế hoạch tập trung bao cấp đã minh chứng điều này).

Do đó để kiểm soát quyền lực phải trên cơ sở kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính, chống phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy chống để xây. Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào. Nếu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, “lợi ích nhóm” đều phải được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và xử lý nghiêm hoặc truy tố theo pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời cần bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm minh những tổ chức, những cá nhân lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích vì lợi ích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”. Phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

Ngoài ra, để kiểm soát quyền lực thực sự có hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt lên chính mình, vượt lên ma lực cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền.

Xin cảm ơn ông!

“Để kiểm soát quyền lực thực sự có hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt lên chính mình, vượt lên ma lực cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền”.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc

Văn Kiên (Thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhan-dien-tha-hoa-quyen-luc-1714221.tpo