Nhận diện pháo phản lực mạnh nhất của Quân đội Campuchia

Hiện tại pháo phản lực phóng loạt tốt nhất của Lục quân Việt Nam vẫn là BM-21 Grad khi các tổ hợp EXTRA và AccuLAR đang thuộc biên chế Hải quân. Trong khi đó Quân đội Campuchia được trang bị pháo RM-70 đầy uy lực

Trong quá trình hiện đại hóa đưa Lục quân tiến lên hiện đại, việc Việt Nam đầu tư thêm pháo phản lực phóng loạt tối tân là yêu cầu cấp thiết, nhất là khi so sánh với ngay cả quốc gia láng giềng là Campuchia thì chúng ta cũng không có ưu thế. Nguồn ảnh: wordpress.com.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI cho biết, Quân đội Campuchia đã nhập khẩu từ Cộng hòa Séc một lượng khá lớn các hệ thống pháo phản lực phóng loạt RM-70, đây là biến thể cải tiến từ BM-21 Grad do Liên Xô chế tạo với hiệu suất chiến đấu được đánh giá cao hơn đáng kể. Nguồn ảnh: defence.pk.

RM-70 - còn được gọi bằng cái tên Raketomet vz.70 chính là biến thể hạng nặng của BM-21 Grad. Hệ thống MLRS này bắt đầu phục vụ trong Quân đội Tiệp Khắc từ năm 1972 và đã được xuất khẩu tới Phần Lan, Ba Lan, Hy Lạp... cùng nhiều quốc gia khác. Nguồn ảnh: Forum Valka.cz.

Kết cấu của RM-70 gồm giàn 40 ống phóng rocket cỡ 122 mm đặt trên khung gầm xe tải bọc thép Tatra 813 (8x8), kíp chiến đấu 6 người được vỏ giáp bảo vệ an toàn trước vũ khí bộ binh nhẹ lẫn mảnh bom, pháo. Nguồn ảnh: Military Science.

Trọng lượng chiến đấu của toàn hệ thống RM-70 là 33,7 tấn. Xe mang phóng lắp động cơ diesel Tatra T-930-3 công suất 270 mã lực cho tốc độ tối đa 80 km/h; tầm hoạt động 600 km; leo được dốc 60%; đi trên mái taluy nghiêng 40%; vượt vật cản cao 0,6 m; vượt hào rộng 1,5 m và lội nước sâu 1,4 m. Nguồn ảnh: Ministerstvo obrany.

Pháo phản lực phóng loạt RM-70 của Lục quân Hoàng gia Campuchia khai hỏa trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Nguồn ảnh: Asian Defence.

Đạn tiêu chuẩn của pháo phản lực phóng loạt RM-70 là loại nổ phá mảnh tương tự 9M22U/ M-21OF có chiều dài 2,87 m; trọng lượng 66,6 kg; tầm bắn lớn nhất 20,5 km. RM-70 tương thích cả đạn rocket của Liên Xô lẫn đạn do Tiệp Khắc sản xuất, nó cũng đồng thời bắn được mọi loại đạn mới nhất phát triển cho Grad. Nguồn ảnh: Fiveprime.

Ưu điểm lớn nhất của RM-70 so với BM-21 Grad là được bổ sung thêm một giá chứa sẵn 40 đạn rocket lắp đặt giữa cabin và giàn phóng, cho tốc độ tái nạp nhanh (ít hơn 2 phút) nhằm rút ngắn thời gian giữa hai loạt bắn. Bên cạnh đó là hệ thống điều khiển hỏa lực cùng thiết bị định hướng thế hệ mới. Nguồn ảnh: islamtimes.org.

Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị 1 súng máy cỡ 7,62 mm lắp trên nóc cabin phục vụ cho mục đích tự vệ trước bộ binh đối phương. Nguồn ảnh: Wikipedia.

Được biết ngoài biến thể RM-70 sử dụng khung xe tải bọc thép chống mìn thì Lục quân Campuchia còn có cả biến thể hạng nhẹ RM-70/85 đặt trên khung gầm xe tải Tatra T815 VPR9 8x8.1R không được bọc thép với tính năng kỹ chiến thuật tương tự BM-21 Grad. Nguồn ảnh: Wikipedia.

So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì trang bị của Pháo binh Campuchia, nhất là về pháo phản lực phóng loạt là không thể coi thường. Nguồn ảnh: egloos.com.

Mời độc giả xem video: Uy lực của pháo phản lực BM-21 khi khai hỏa. (Nguồn tvzvezda.ru)

Chí Linh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/nhan-dien-phao-phan-luc-manh-nhat-cua-quan-doi-campuchia-1000542.html