Nhận diện những loại cây có thể gây chết người khi ngâm rượu

Trong y học cổ truyền, củ ấu tẩu, anh túc, mật gấu... có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống vì chúng có khả năng chứa độc tính, có thể dẫn đến tử vong.

Củ ấu tẩu (ấu tàu): Thành phần hóa học của ấu tẩu chủ yếu là aconitin, có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Chỉ cần một liều 0,02 – 0,05 mg cho 1 kg thể trọng là có thể gây chết người. Được sử dụng nhiều trong các vị thuốc Nam, thuốc Bắc, củ ấu tẩu có hai loại là củ ô đầu (thường gọi là củ mẹ) và củ phụ tử (củ con). Trong đông y, củ ô đầu ít được sử dụng so với phụ tử vì nó có tính độc hơn. Ảnh: Internet

Củ ấu tẩu (ấu tàu): Thành phần hóa học của ấu tẩu chủ yếu là aconitin, có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Chỉ cần một liều 0,02 – 0,05 mg cho 1 kg thể trọng là có thể gây chết người. Được sử dụng nhiều trong các vị thuốc Nam, thuốc Bắc, củ ấu tẩu có hai loại là củ ô đầu (thường gọi là củ mẹ) và củ phụ tử (củ con). Trong đông y, củ ô đầu ít được sử dụng so với phụ tử vì nó có tính độc hơn. Ảnh: Internet

Kinh nghiệm dân gian, củ ấu tẩu ngâm rượu dùng để xoa bóp chữa bệnh đau cơ, xương khớp. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng có thể uống một tí rượu ngâm ấu tẩu. Quan niệm này là sai lầm, vì ấu tẩu có độc tính cao, sau khi uống sẽ gây co thắt đường hô hấp, suy hô hấp có thể dẫn đến chết người. Vụ ngộ độc do uống rượu ngâm ấu tẩu xảy ra tại xã Yên Hoa (Nà Hang, Tuyên Quang) năm 2014 khiến 2 người tử vong là lời cảnh báo người dân cẩn trọng khi sử dụng củ ấu tẩu. Ảnh: Internet

Cây lá ngón (còn gọi là cây co ngón, rút ruột, hoàng đằng, hồ mạn đắng, đoạn trường thảo) khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta. Thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Chỉ cần ăn ba lá ngón hoặc dùng với một chút rượu, bạn sẽ mất mạng ngay lập tức. Ảnh: Internet

Theo các tài liệu cổ, lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận. Chuyên gia lưu ý lá ngón không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người. Ảnh: Internet

Cây anh túc (hay còn gọi là a phiến, thẩu, trẩu , người Tày gọi là cây nàng tiên), là loài thực vật có tên khoa học là Papaver somniferum L., thuộc họ Anh túc (Papaveraceae). Được xem là cây dược liệu quý. Trong y học dùng cho giảm đau tốt nhất trong các loại dược liệu cả Đông lẫn Tây y. Chiết suất của cây này làm gây nghiện nặng. Ảnh: Internet

Khi sử dụng rượu ngâm hoa, quả, cây thuốc phiện, người dùng có khả năng bị nghiện. Việc sử dụng loại rượu này liên tục, trong một thời gian dài sẽ khiến người sử dụng có khả năng bị tê liệt thần kinh, giảm trí nhớ. Với người sử dụng rượu có ngâm quả thuốc phiện, khi xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với ma túy. Bên cạnh đó, nếu dùng rượu ngâm cây thuốc phiện với nồng độ đậm đặc và quá liều có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người. Ảnh: Internet

Cây mật gấu: Cây mật gấu hay còn gọi là cây Hoàng liên ô rô hay cây mã rồ, nhiều nơi thường gọi là cây lá đắng. Nó có tên khoa học là Vernonia amygdalina Del. hoặc Gymnanthemum amygdalinum thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây mật gấu chứa rất nhiều thành phần với các tác dụng khác nhau. Các chất alkaloids, saponin, tannin, glycoside gây ra vị đắng của lá cây. Bên cạnh đó, nó cũng có các hợp chất có tác dụng kháng ung thư như terpene, steroid, coumarin, flavonoid, acid phenolic, lignan, xanthone… Tuy độc tính của cây mật gấu chưa được ghi nhận trên thực nghiệm nhưng việc sử dụng cây mật gấu trong thời gian kéo dài với liều cao cũng có thể gây ra các tác dụng ngoài ý muốn. Các tác dụng phụ thường gặp như hạ huyết áp, táo bón, ngộ độc... Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội dược liệu TPHCM: “Đó là cây thuốc chữa bệnh, nhưng không thể tùy tiện dùng nếu không muốn bị trụy mạch” - có thể hiểu một cách dân dã là huyết mạch sẽ bị đảo lộn, nhẹ thì liệt nửa người, nặng thì liệt toàn thân. Ảnh: Internet

Ngày 12/3, trên địa bàn xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) xảy ra vụ ngộ độc rượu đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người trong gia đình tử vong, 1 người nguy kịch. Nguyên nhân là những người này đã uống "rượu khỏe" tự ngâm bằng cây rừng. Hiện công an đang niêm phong chai rượu để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Hoa Lê

Tổng hợp

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nhan-dien-nhung-loai-cay-co-the-gay-chet-nguoi-khi-ngam-ruou-186461.html