Nhận diện những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm hàng đầu ở Việt Nam

Tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đái tháo đường…) hiện đã chiếm 74% tổng số ca tử vong trong cả nước và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chuyên môn trong ngăn chặn sự gia tăng của các căn bệnh này thì mỗi người dân cần nâng cao sự hiểu biết về mức độ nguy hiểm và cách dự phòng đóng vai trò rất quan trọng.

Ảnh minh họa: Một ca mổ tại Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa: Một ca mổ tại Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Nguồn: TTXVN)

Bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, cùng với đó là chi phí chăm sóc, điều trị cho những người mắc bệnh tim mạch là rất lớn. Trong nhóm các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... tăng rất cao. Kết quả một số điều tra, khảo sát cho thấy, số người tử vong do bệnh tim mạch chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm.

Thế nhưng theo PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), hiện rất nhiều người dân còn chủ quan với sức khỏe tim mạch. Có tới 50% số người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không hề biết mình bị bệnh và cũng chỉ có 50% số người biết bị bệnh được điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.

Theo GS, TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, con số 25% dân số mắc bệnh tăng huyết áp là rất lớn, cứ 4 người trưởng thành lại có một người bị tăng huyết áp. Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi còn trong độ tuổi lao động. Dù vậy, đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Từ tăng huyết áp có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng khác, điển hình là đột quỵ.

Đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.

Nguyên nhân chính của việc gia tăng các bệnh lý tim mạch là do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh... dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng lớn. Chính điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi...

Ngày nay, đột quỵ não đã trở thành bệnh không lây nhiễm thường gặp khi mỗi năm cả nước có khoảng 200 nghìn ca đột quỵ. Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu, nhưng tỷ lệ người bị đột quỵ đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh lại vẫn thấp. Đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn giờ, không chọn không gian; di chứng để lại rất nặng nề... Do vậy, việc phát hiện sớm, điều trị sớm đóng vai trò quyết định giúp người bệnh hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn.

Kết quả nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại Việt Nam vừa được Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) phối hợp 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc thực hiện với 2.310 người bệnh đã cho thấy những con số "giật mình". Theo đó, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, trong đó độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%, thậm chí có những trường hợp chỉ trên dưới 20 tuổi; tỷ lệ nam giới gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài tỷ lệ nữ giới bị đột quỵ nhiều hơn nam giới). Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76%, chảy máu não là 24%.

Có 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp. PGS, TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, chỉ có 33% số người được nghiên cứu được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu, trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu được điều trị tái tưới máu hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sử dụng các dụng cụ cấy nối đường động mạch.

Theo đó, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, trong đó độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%, thậm chí có những trường hợp chỉ trên dưới 20 tuổi.

Cùng với tim mạch, ung thư cũng là căn bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư GLOBOCAN, năm 2020 tại Việt Nam, ước có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư; hiện cả nước có khoảng 354 nghìn người "sống chung" với ung thư; cứ 100 nghìn người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới và 106 người tử vong do ung thư... Gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp ba lần sau 30 năm. Trong 185 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư thì Việt Nam xếp thứ 91 về tỷ suất mắc mới và thứ 50 về tỷ suất tử vong trên 100 nghìn dân. Nếu so với hai năm trước, số người mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, ung thư không phải vấn đề đáng gây nên sợ hãi, lo lắng. Chúng ta có thể phát hiện sớm, kịp thời và chữa khỏi nhờ các công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị. Xu hướng e ngại, sợ sệt đang giảm dần, nhiều người bệnh đã lao động, học tập và chung sống với căn bệnh ung thư.

Theo số liệu của Bệnh viện K những năm gần đây, tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70%, ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Theo số liệu của Bệnh viện K những năm gần đây, tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70%, ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến cơ sở y tế ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Phương án điều trị ung thư cũng có sự phối hợp bởi nhiều phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý xã hội... Hiện một số bệnh ung thư có tỷ lệ đạt đến 90%, kéo dài thời gian sống hơn 5 năm, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng… Đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư được chữa trị ổn định và kéo dài thời gian sống đến 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm.

Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày nay việc chẩn đoán và ra quyết định điều trị cho bệnh nhân ung thư đã được cá thể hóa, chính xác hơn, mang lại kết quả tích cực trong điều trị. Các phương pháp điều trị mới không chỉ làm tăng hiệu quả điều trị mà còn hướng đến giảm độc tính, giảm di chứng do điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Có nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú có thể đạt tới 100% nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0), tỷ lệ này giảm xuống còn 95% ở giai đoạn 1, 80% ở giai đoạn 2, 72% ở giai đoạn 3 và chỉ còn 25% ở giai đoạn 4. Điều này cho thấy việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư là việc nên làm và cần thực hiện.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-dien-nhung-benh-khong-lay-nhiem-nguy-hiem-hang-dau-o-viet-nam-post733296.html