Nhận diện nghề môi giới bất động sản

Môi giới bất động sản (MGBĐS) là một nghề được coi trọng trên thế giới, nhưng ở Việt Nam còn khá non trẻ. Trong khi có người làm nghề đang ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn thì một bộ phận không nhỏ lại làm ăn kiểu chụp giật, việc quản lý cũng chưa được chặt chẽ, bài bản khiến thực trạng còn lộn xộn, mất uy tín…

MGBĐS, khái niệm nghề đã có từ lâu, khoảng thế kỷ thứ 17, 18 họ chính là cầu nối, kết nối người mua và người bán BĐS, làm gia tăng sự phát triển của thị trường và gia tăng lợi ích của các bên tham gia và cũng là người “gác cửa” góp phần giữ cán cân cung – cầu BĐS cân bằng hơn. MGBĐS được xem như là một chuyên gia, nghề này được pháp luật công nhận và có chứng chỉ hành nghề.

Nhà môi giới bất động sản giới thiệu và đưa bảng giá dự án đến tận tay khách hàng

Nhà môi giới bất động sản giới thiệu và đưa bảng giá dự án đến tận tay khách hàng

Tại Việt Nam, MGBĐS đã được định nghĩa và công nhận theo khoản 2, điều 3 Luật Kinh doanh BĐS 2014. Người muốn hành nghề phải được cơ quan có thẩm quyền (thường là Sở Xây dựng các địa phương) cấp chứng chỉ hành nghề thông qua thi sát hạch (theo thông tư 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng). Tuy nhiên, người ta chỉ biết nhiều đến MGBĐS thông qua những đợt “sốt” đất, và không ít người bị gắn với cái tên “cò đất”. Điều này khó tránh bởi giai đoạn đầu, nghề MGBĐS tại Việt Nam phần lớn là tự phát. Ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) - Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Thế Kỷ (CENGROUP) - cho rằng, nghề MGBĐS phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” và là một nghề khốc liệt với tỷ lệ đào thải rất cao.

Nhìn từ TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cơn “sốt” giá BĐS sau thời điểm Tết Kỷ Hợi đến nay là một điển hình để phân biệt “cò đất” và người MGBĐS chuyên nghiệp. “Người người buôn đất, nhà nhà cò đất” đó là hình ảnh dễ nhận thấy nhất tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong thời gian gần đây.

Công tác đào tạo MGBĐS ở Việt Nam còn khá bất cập. Hầu hết người làm nghề tự mày mò, tự học hỏi. Và nếu có, thì cũng còn trên mặt lý thuyết và theo kiểu truyền kinh nghiệm chứ chưa thực sự chuyên nghiệp. Người MGBĐS chuyên nghiệp thực sự phải là một chuyên gia BĐS có năng lực phân tích và nhận diện BĐS và phải có chứng chỉ hành nghề thì ở Việt Nam con số này còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc cấp các chứng chỉ hành nghề môi giới thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, nhưng việc người môi giới có đăng ký để thi và được cấp chứng chỉ hay không thì còn tùy.

Tại Đà Nẵng, theo Sở Xây dựng thành phố, tính đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn thành phố có 23 sàn giao dịch BĐS được đăng ký quản lý, trong lúc đó thực tế có hàng trăm sàn BĐS. TP. Đà Nẵng mới cấp 870 chứng chỉ hành nghề MGBĐS, còn thực tế lượng người đi làm nghề MGBĐS thì khó kiểm đếm hết…

Bà Mai Thị Thùy Linh - Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường BĐ (Sở Xây dựng Đà Nẵng) - cho biết, hiện các sàn giao dịch BĐS đang “lách luật” giữa khái niệm sàn giao dịch BĐS và hoạt động tư vấn để không bị điều chỉnh bởi Luật kinh doanh BĐS và các quy định nhà nước có liên quan, gây khó khăn trong quá trình quản lý của cơ quan nhà nước cũng như khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý các sai phạm (nếu có).

“Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ một biện pháp, chế tài nào để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những sai phạm của lực lượng môi giới này gây ra. Điều này cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến sự lành mạnh của giao dịch BĐS và người làm nghề MGBĐS chân chính” - bà Linh chia sẻ.

Cần sớm xây dựng hành lang pháp lý và có chế tài kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực MGBĐS bao gồm cả sàn giao dịch và người môi giới để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các sàn giao dịch và người MGBĐS chân chính.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-dien-nghe-moi-gioi-bat-dong-san-118527.html