Nhận diện, ngăn chặn hiện tượng 'trở cờ'

Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, thời gian qua không ít đối tượng nhân danh trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã có những bài viết trên mạng xã hội, trả lời đài báo nước ngoài… phủ nhận sạch trơn những công lao của Đảng đối với dân tộc; phê phán, suy diễn, nhìn nhận sai lệch về tình hình đất nước. Đáng tiếc, nhiều người trong số này là đảng viên, được đào tạo bài bản dưới môi trường học thuật xã hội chủ nghĩa nhưng nay 'trở cờ'. Nhận diện, cảnh báo và đấu tranh với hiện tượng nói trên luôn là đòi hỏi bức thiết trong công tác xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hiện tượng " trở cờ” trên có thể hiểu là những biểu hiện quay ngoắt 180 độ, phủ nhận sạch trơn toàn bộ sự nghiệp, thành quả cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ họa với những thế lực phản động và có hành vi gây hại cho đất nước. Từ hiện tượng “trở cờ” được nói, viết ra bởi một số đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vốn có chút ít công lao, uy tín trong xã hội có nguy cơ dẫn tới nghi kỵ trong quần chúng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ…

Như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đúc kết, hiện tượng “trở cờ” rõ nhất, phổ biến nhất hiện nay là cố tình nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu… Nhiều người không thể quên câu nói của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cách đây không lâu, rằng: “Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử”, khi ông này bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có hành vi nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật khi đang còn đương chức.

Đặc biệt, một số ít trí thức, văn nghệ sĩ có những đóng góp nhất định được khá nhiều người biết đến như C.H, N.N, N.Q.A… đã “trở cờ” thông qua mạng xã hội. Ngoài việc công khai “mặc cảm”, “hối hận” và cố ý chối bỏ quá khứ đáng quý của mình, những người này thường xuyên có ý kiến chủ quan, thiên lệch về tình hình đất nước. Một số cán bộ, đảng viên như Trần Đức Anh Sơn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), Lê Hữu Thuận (nguyên Trưởng khoa của Trường Chính trị Trần Phú, tỉnh Hà Tĩnh), Bùi Tiến Lợi (nguyên giảng viên Trường Sĩ quan công binh - Bộ Quốc phòng)… đã bị kỷ luật thời gian gần đây là những điển hình. Đáng nói hơn, có người đã liên lạc, kết nối với các phần tử thù địch ở hải ngoại để tạo thêm bệ đỡ cho các thế lực đó thường xuyên công kích, chống phá Đảng, Nhà nước.

Có thể thấy, quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi cá nhân, tổ chức thường bắt đầu từ mất niềm tin, mất phương hướng, từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, sẵn sàng “trở cờ” phản bội. Thực tế là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại trong cả nhận thức và hành động của một số người. Nhận thức đó có thể bắt nguồn từ những vấn đề còn chưa tỏ tường về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kết hợp với sự xuất hiện những thế mạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa. Những điều đó đã tác động tới một số người, làm cho nhận thức của họ như người “đứng giữa ngã ba đường”. Bên cạnh đó có cả cách tiếp cận vấn đề - một số người đã không xuất phát từ thực tế khách quan của lịch sử, mà phiến diện trong đánh giá, rồi quy chụp... dẫn tới sai lệch nhãn quan.

Do đó, để nhận diện, đấu tranh với các biểu hiện, đối tượng “trở cờ” từ trong trứng nước, phải kiên trì và tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của công tác tư tưởng chính trị hiện nay. Muốn vậy, trước hết các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tìm hiểu, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên để kịp thời ngăn ngừa, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc phát sinh ngay từ khi mới manh nha. Cùng với vạch trần, tẩy chay các loại chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, xét lại và những biểu hiện mơ hồ, dao động về tư tưởng chính trị, cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục, bồi đắp nâng cao niềm tin cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân vào những giá trị tốt đẹp của Đảng và chế độ mà chúng ta đang xây dựng.

Trong đó, phải thực hiện đồng bộ quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về những thành tựu của đất nước, của ngành, địa phương; những giá trị tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm quý từ thực tế cách mạng đất nước. Đồng thời, xử lý đúng đắn những mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, không để tích tụ, tạo tâm lý bất bình và các “điểm nóng” về an ninh trật tự trong xã hội để các phần tử “trở cờ” có điều kiện xuyên tạc tình hình.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng các cấp cần chú trọng công tác quản lý nội bộ, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên - nhất là những người làm ở những vị trí có quan hệ xã hội sâu rộng - phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được tự ý phát ngôn, bày tỏ ý kiến hay phát tán các tài liệu trên mạng xã hội có nội dung trái quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Điều tốt, cái đẹp trong xã hội nước ta đang hiện hữu, chiếm tuyệt đại đa số, bên cạnh số rất ít những tiêu cực. Hiện tượng “trở cờ” tưởng là cá biệt nhưng gây bức xúc khá lớn cho xã hội. Trên bước đường phát triển, cách mạng Việt Nam luôn gặp những khó khăn, trở ngại, đó là điều thông thường. Vì thế, yêu cầu đặt ra trong xây dựng Đảng hiện nay là tích cực hơn nữa trong phòng và chống chủ nghĩa cá nhân - nguyên nhân sâu xa của bệnh “trở cờ”. Trong cuộc đấu tranh này, cần bắt đầu từ sự tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi đảng viên, nhất là từ những người làm công tác quản lý.

Đảng có trong sạch, vững mạnh hay không, đội ngũ cán bộ, đảng viên có trong sạch, vững mạnh hay không phụ thuộc vào việc phòng và chống căn bệnh “trở cờ”...

Phúc Lợi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/988924/nhan-dien-ngan-chan-hien-tuong-tro-co