Nhận diện một thế giới mới

Sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy cực hữu và những hoạt động ám sát xuyên biên giới trong thời gian qua đang đặt hàng loạt câu hỏi về một thế giới mới đang manh nha hình thành trong một trật tự chính trị và thách thức mới.

"Bão" dân túy

Nếu Tổng thống Philippines Duterte được ví như một "Donald Trump của châu Á", thì Bolsonaro được ví như một "Donald Trump ở xứ sở nhiệt đới".

Một số chuyên gia coi việc ông Jair Bolsonaro lên cầm quyền là chương mới nhất trong sự hồi sinh của chủ nghĩa dân túy trong khu vực. "Chiến thắng của Bolsonaro đánh dấu sự chuyển dịch sang chủ nghĩa dân túy ở Mỹ Latinh", bà Jana Nelson, chuyên gia về Brazil từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ, viện dẫn thêm chiến thắng của người theo đường lối dân túy, ông Andres Manuel Lopez Obrador, trong kỳ bầu cử Tổng thống ở Mexico hồi tháng 7.

Brexit đã gây ra những xáo trộn lớn trong tâm lý xã hội châu Âu.

Hướng sang châu Âu, nếu như lâu nay những ai cho rằng nền chính trị Đức là tẻ nhạt thì cũng bất ngờ và hoảng hốt khi Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 29/10 tuyên bố bà sẽ từ chức Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo CDU và sẽ không tái tranh cử chức Thủ tướng Đức khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021.

Kết quả bầu cử bang Hessen diễn ra hồi cuối tháng 10 cho thấy hai đảng chủ chốt CDU và SPD đều rớt phiếu, nhường "phần" cho đảng Xanh và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức AfD theo đường lối chống nhập cư và Hồi giáo. Nếu như chỉ vài năm trước đây, AfD chỉ được coi là một nhóm "ngoài rìa" không có tầm ảnh hưởng thì giờ đảng này lại giành được tính hợp pháp chính trị ở mức độ đáng kể. Đức không đơn lẻ trong xu hướng này. Các nước Pháp, Hungary, Italy, Ba Lan, Áo,... cũng đang chứng kiến sự lớn mạnh này.

Những diễn biến trên cho thấy các đảng phái theo đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa đã và đang tận dụng được những vấn đề nội tại nổi lên trong EU để gây tầm ảnh hưởng mạnh mẽ ở châu Âu. Tạp chí Project-syndicate hồi tháng 2 dẫn lời Giáo sư Zaki Laidi, nguyên cố vấn của cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls, cho rằng nhiều người châu Âu bất bình trước sự tập trung quyền lực vào giới lãnh đạo ở Brussels, áp đặt ý chí của họ lên dân thường. Còn ở cấp độ quốc gia, tồn tại hai quan điểm xung đột gây chia rẽ EU.

Quan điểm thứ nhất chỉ trích EU thiếu đoàn kết nội khối, làm nảy sinh sự phản đối EU, nhất là một số nước thành viên cho rằng bị EU "bỏ rơi" hay "phản bội". Quan điểm thứ hai đến từ một số nước cho rằng họ đang phải chịu hậu quả từ "sự đoàn kết trong EU" dù đã làm việc vất vả nhằm đảm bảo sự thịnh vượng. Trong khi đó, chính sách quản lý kinh tế yếu kém ở một số nước thành viên, cùng sự thất vọng của người dân đối với các đảng phái truyền thống không phải là nhân tố duy nhất thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa dân túy trong EU.

Ba nguyên nhân khác là khủng hoảng nhập cư gây nỗi lo sợ bị hạ thấp đẳng cấp xã hội và sự xáo trộn bản sắc xã hội, Brexit (Anh rời khỏi EU) gây tâm trạng "thất vọng" trong EU và chính sách "thiếu thân thiện" của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Vậy đây có phải hiện tượng mới? Bình luận trên tờ Guardian, Matthew Goodwin cho rằng chủ nghĩa dân túy thực ra đã xuất hiện từ hàng chục năm trước ở một vài nền kinh tế ổn định và thịnh vượng. Ngày nay, chủ nghĩa dân túy đang lớn mạnh do những rạn nứt gia tăng trong lòng xã hội. Song làn sóng hiện nay đang tạo ra các thách thức chính trị mới và "thời kỳ bất ổn gia tăng sẽ kéo dài nhiều năm tới", Goodwin nhận định.

Đồng quan điểm này, Alina Polyakova, chuyên gia về phong trào cực hữu tại Viện nghiên cứu Brookings chia sẻ trên Vox.com: "Chủ nghĩa dân túy không phải là một hiện tượng mới song dường như đang ở thời kỳ bùng nổ đầy bất ngờ". Các đảng phái chính trị nhỏ ở châu Âu có thể không bị gạt ra ngoài rìa lâu hơn nữa. "Đây là một cơn bão hoàn hảo cho cuộc tái cấu trúc toàn bộ nền chính trị thế giới", nữ chuyên gia nói.

Trong một bài viết trên trang mạng Viện nghiên cứu Lowy, chuyên gia David Ritchie nhận định các đảng dân túy, dân tộc chủ nghĩa đang tái định hình lại môi trường chính trị châu Âu, buộc các đảng phái truyền thống phải đối mặt với các vấn đề trong chương trình nghị sự của các đảng này, cũng như tìm kiếm các liên minh mới nhằm củng cố và tăng cường ảnh hưởng.

Ám sát xuyên biên giới

Khi những người theo chủ nghĩa dân túy muốn đóng cửa biên giới để ngăn cản dòng người di cư, tị nạn tìm kiếm một nơi trú ngụ an toàn, thì một loại hình vượt biên khác lại dễ dàng xảy ra: đó là ám sát xuyên biên giới.

Người dân xuống đường bày tỏ quan điểm trong vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại.

Sự việc "dậy sóng" nhất diễn ra ở khu vực Trung Đông. Nhà báo Jamal Khashoggi "mất tích vĩnh viễn" sau khi đi vào lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sự việc làm chao đảo mối quan hệ các nước Trung Đông, cũng như giữa Riyadh với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Tại châu Âu, người ta chưa quên vụ ám sát bất thành điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ở Salisbury, Anh. Ở châu Á, vụ "đình đám" nhất xảy ra hồi năm 2017, tại Malaysia, liên quan cái chết của Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Các sự vụ có điểm chung: Sẵn sàng thách thức luật lệ quốc tế; Không có quá trình duyệt xét chứng cứ công bằng; Không tuân thủ chuẩn mực tố tụng, Global and Mail bình luận.

Những vụ sát hại xuyên biên giới nói trên không chỉ làm chao đảo các mối quan hệ quốc tế mà còn làm trỗi dậy mối lo về an toàn tính mạng và bất an về đạo lý, văn hóa.

Tình trạng ám sát xuyên biên giới ám ảnh an ninh toàn cầu.

Chuyên gia John Feffer thuộc Viện nghiên cứu chính sách Mỹ cho rằng tình trạng "vô luật lệ" ngày càng trở nên phổ biến và lan rộng trên thế giới. Trong khi đó, tờ Global and Mail cho rằng môi trường chính trị quốc tế hiện nay là một nhân tố góp phần gây ra các vụ ám sát như vậy.

Peter Apps, cây bút bình luận của Reuters cho rằng, trước đây, các hoạt động gián điệp quốc tế và đôi khi là ám sát quốc tế được kiểm soát chặt chẽ, với những thỏa thuận "ngầm" về việc duy trì các vụ ám sát ở mức tối thiểu, nhất là ở nước ngoài. Thế nhưng, chỉ sau 1 tuần chứng kiến vụ ám sát nhà báo Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì các quy luật "ngầm" trên đang thay đổi nhanh chóng. Global and Mail bình luận những vụ ám sát xuyên biên giới đã trở thành hành động biểu tượng của âm mưu ngầm quốc tế trong thời đại này.

Thách thức

Theo Vox.com, giới lãnh đạo chính trị ôn hòa, vốn nắm vai trò chủ đạo trong nền chính trị quốc tế trong 70 năm qua, đang sụp đổ trên quy mô toàn cầu và những phong trào chính trị nhỏ lẻ có nguy cơ gây bất ổn đang định hình. "Đó là sự sụp đổ của phe ôn hòa, hay chính xác hơn là các thể chế chính trị không thể giải quyết được những quan ngại của cử tri," Mathew Burrows, cựu tình báo hàng đầu của Mỹ nhận định.

Câu hỏi hiện nay là liệu đảng nhỏ có nắm vai trò chủ đạo nền chính trị toàn cầu hay không và liệu còn phá hủy các quy tắc và luật lệ áp dụng toàn cầu trong hàng chục năm qua hay không? Cựu trưởng chiến lược gia của ông Donald Trump, Steve Bannon đáp rằng chắc chắn điều này sẽ xảy ra. "Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy như đang bùng cháy như cánh đồng lửa lan từ châu Âu đến Bắc Mỹ và Mỹ Latinh", ông chia sẻ trên National Interest. Ngược lại, Kori Schake, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh cho rằng "trật tự tự do chỉ đang trải qua thời kỳ căng thẳng nghiêm trọng".

Viết trên trang mạng của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một nhóm tác giả cho rằng sự thụt lùi của các đảng chính trị theo đường lối dân chủ và bị "lấp đầy" bởi chủ nghĩa dân túy hiện nay là mối đe dọa với an ninh toàn cầu. Xung đột, đối đầu và khủng hoảng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Trong nhiều trường hợp, bước thụt lùi này còn đại diện cho sự phản đối gay gắt đối với những nỗ lực toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu và làn sóng di cư. Thay vào đó là sự sợ hãi, thù địch và khước từ bất kỳ hình thức hợp tác toàn cầu nào và chỉ giương cao khẩu hiệu nước mình trên hết.

Về ám sát xuyên biên giới, Reuters cho rằng điều lo ngại là các nước "nhúng chàm" lại không cần quan tâm phản ứng của cộng đồng quốc tế mà chỉ quan tâm là đã phát tán được thông điệp rằng không ai, nhất là công dân của họ, có thể "lọt lưới". Ngay cả quyền lực và uy tín cá nhân cũng chỉ có thể đem lại sự đảm bảo an toàn tính mạng hạn hẹp. "Trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới II đang phai mờ và những sự kiện trên sẽ chỉ góp phần thúc đẩy diễn biến đáng buồn này", Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế bình luận.

Hà Ngọc (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhan-dien-mot-the-gioi-moi-528202/