Nhận diện hành vi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Pháp luật quy định các thành viên trong gia đình bình đẳng nhau về mọi mặt nên người nào có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Các luật gia và luật sư Chi nhánh Tư vấn pháp luật Hội Luật gia TP.Biên Hòa tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: Đ.Phú

Các luật gia và luật sư Chi nhánh Tư vấn pháp luật Hội Luật gia TP.Biên Hòa tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, hành vi bạo lực gia đình bao gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng...

* Đừng để “giận mất khôn”

Chị N.K.H. (ngụ xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) kể, 2 năm trước chị thường bị chồng đánh đập sau khi chồng đi nhậu say về. Lúc đầu chị cam chịu vì không muốn mọi người biết chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” trong nhà. Nhưng do bị chồng đánh đập thường xuyên, chị H. đã quyết định tìm đến nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành ở địa phương để nhờ giúp đỡ. Sau đó, chồng của chị H. đã được cán bộ xã khuyên can, giáo dục, răn đe nên hiểu hành vi đánh đập vợ là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự nên không còn đánh chị H. nữa.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình là kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên trên thực tế, khi bị bạo lực gia đình, không phải nạn nhân nào cũng biết cách tự bảo vệ hoặc can đảm nhờ các tổ chức, cơ quan chức năng can thiệp như chị H. mà thường cam chịu, lâu ngày dễ dẫn đến phản kháng bằng những hành vi tiêu cực. Điển hình như, vì quá bức xúc chuyện cha dượng thường xuyên chửi bới, đánh đập 2 mẹ con nên N.Đ.H. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đã ra tay sát hại cha dượng. Hậu quả, H. bị TAND tỉnh tuyên phạt 10 năm tù giam về tội giết người.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nghiêm cấm các hành vi sau: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ...

Do đó, luật sư Khanh hướng dẫn, khi bị bạo lực gia đình, các nạn nhân phải biết mình có các quyền sau đây: yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật. Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của pháp luật.

* Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Để phòng, chống bạo lực gia đình, luật gia Phạm Đình Đức (Giám đốc Chi nhánh Tư vấn pháp luật Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho rằng, cần phải tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến nhận biết các hành vi bạo lực gia đình; các quy định xử phạt khi có hành vi bạo lực gia đình.

Tại Điều 49, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Đồng thời, còn bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ yếu tố cấu thành các tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hành hạ người khác, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Theo Sở VH-TTDL, để ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình, năm 2020, Sở tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; can thiệp, xử lý các trường hợp vi phạm… Đồng thời, Sở VH-TTDL tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để trực tiếp giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình.

Những việc làm trên góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn và phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi toàn tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của các mô hình trong việc tuyên truyền ngăn ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình và góp phần xây dựng gia đình bền vững, ấm no, hạnh phúc.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202008/nhan-dien-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-3018961/