Nhận diện gian lận thương mại trong ngành gỗ

Xuất khẩu gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội rộng mở trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, nhiều gian lận thương mại trong ngành gỗ đang trở thành nguy cơ lớn 'phá vỡ' các cơ hội này của ngành gỗ.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Giá trị tăng mạnh ở thị trường Mỹ

Theo báo cáo mới đây về “Rủi ro gian lận thương mại quốc tế các mặt hàng đồ gỗ: Trường hợp tủ bếp và ghế sofa” của nhóm nghiên cứu thuộc tổ chức Forest Trends và các hiệp hội gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho thấy, gỗ là một trong những nhóm mặt hàng có độ rủi ro rất lớn về gian lận thương mại.

Trong đó, tủ bếp, ghế sofa và các bộ phận của các mặt hàng này đang ẩn chứa các tín hiệu về rủi ro thương mại, đặc biệt trong khâu xuất xứ.

Phát biểu tại hội thảo “Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam” diễn ra sáng nay, 16/10, tại Hà Nội, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends cho biết, có một số biểu hiện rõ nét thể hiện rủi ro này.

Thứ nhất là, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu. Lý do chủ yếu là bởi các mức thuế mới được Chính phủ Mỹ áp cho các mặt hàng này từ Trung Quốc.

Thứ hai, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian vừa qua có thể một phần là do các công ty của Trung Quốc có các hành vi gian lận thương mại.

Thứ ba, giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, hoặc các bộ phận hình thành mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh. Thống kê nhập khẩu 2 nhóm mặt hàng này và/hoặc các bộ phận của 2 mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam cho thấy mức gia tăng rất nhanh.

“Nghiên cứu trường hợp của các công ty của Trung Quốc tham gia vào sản xuất tủ bếp và ghế sofa cho thấy hầu hết các hoạt động sản xuất trong nước (Việt Nam) là rất hạn chế, chủ yếu có mục tiêu che đậy cho các hành vi gian lận”, ông Phúc nói.

Thứ tư, các công ty tham gia vào sản xuất và xuất nhập khẩu các mặt hàng này chỉ tập trung vào 1 mặt hàng duy nhất hoặc các bộ phận của mặt hàng mà không đa dạng hóa đầu ra của sản phẩm.

Thứ năm, tại Việt Nam, hầu hết các công ty mới thành lập từ 2018 trở lại đây. Một số công ty được thành lập mới, một số công ty được tách ra từ công ty trước đó đã thành lập tại Việt Nam. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng toàn bộ các công ty mới được thành lập có liên quan trực tiếp tới công ty mẹ tại Trung Quốc.

Thứ sáu, toàn bộ các công ty hoặc nhà cung cấp chính tại Trung Quốc cung cấp mặt hàng cho công ty ở Việt Nam nằm trong danh sách bị thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức thuế cao. Công ty mới được thành lập tại Việt Nam nhập khẩu mặt hàng/bộ phận các mặt hàng này từ Trung Quốc để xuất khẩu vào Mỹ nhằm tránh các mức thuế mới của Mỹ.

Thứ bảy, hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Mỹ được kế thừa từ hệ thống mà công ty từ Trung Quốc xuất khẩu mặt hàng/bộ phận của mặt hàng cho Việt Nam đã thiết lập trước đó.

Phân loại sản phẩm rủi ro

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, kiểm soát hiệu quả gian lận thương mại là vấn đề sống còn của ngành gỗ nói riêng và tất cả các ngành kinh tế nói chung. Vấn đề quan trọng tiếp theo là làm thế nào để kiểm soát được các rủi ro này.

Một số chuyên gia kiến nghị, giải pháp quan trọng là từ nguồn dữ liệu thống kê xuất, nhập khẩu, cơ quan Hải quan phối hợp thông tin từ doanh nghiệp và các hội xác định các sản phẩm có dấu hiệu rủi ro.

Nguồn thông tin thống kê xuất nhập khẩu từ cơ quan Hải quan cho phép xác định được việc gia tăng bất thường trong khâu xuất khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam vào Mỹ và trong khâu nhập khẩu mặt hàng này, hoặc bộ phận của mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tuy nhiên, do số mặt hàng xuất nhập khẩu vô cùng lớn, cơ quan Hải quan cần dựa vào nguồn thông tin từ các hiệp hội gỗ và các doanh nghiệp trong ngành nhằm khoanh vùng được nhóm các mặt hàng có tín hiệu gian lận.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, hiệp hội mang tầm quốc gia và các hiệp hội địa phương cần xây dựng các liên kết với các công ty Trung Quốc làm ăn nghiêm túc tại Việt Nam, khai thác và tiếp nhận thông tin từ mạng lưới liên kết này nhằm định vị các công ty có hành vi gian lận.

Xung quanh câu chuyện ứng phó với rủi ro gian lận thương mại trong ngành gỗ, ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ quan điểm, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phải tập trung làm rõ hơn nữa vấn đề xuất xứ hàng hóa; thậm chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ doanh nghiệp nào có hành vi gian lận xuất xứ…

Từ góc độ đại diện Bộ Công Thương, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thời gian tới Cục cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)… thông tin cụ thể về các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/nhan-dien-gian-lan-thuong-mai-trong-nganh-go/410898.vgp