Nhận diện để vượt qua thách thức

TechDemo 2019 - Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

(HNM) - Trước sự phát triển mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm thách thức cần vượt qua.

Theo ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhà nước như tăng hiệu quả hoạt động; nhất là về năng suất, quản trị.

Tuy nhiên, còn một số thách thức như, năng lực công nghệ cao hơn mức trung bình song vẫn thấp hơn một số doanh nghiệp thuộc thành phần khác; đặc biệt so với doanh nghiệp quốc tế. Cách thức quản trị tại doanh nghiệp nhà nước chưa hiện đại, thiếu lao động trình độ cao, phù hợp với công nghệ mới. Một số đơn vị chưa bỏ được tâm lý trông chờ, dựa vào khai thác tài nguyên hoặc vị thế độc quyền như trước đây...

Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của CIEM cho rằng, vốn đầu tư dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam vẫn thấp (chiếm 0,3-0,4% GDP), trong khi các mục tiêu đổi mới sáng tạo lại thiên về số lượng hơn là chất lượng.

Từ đó, vấn đề đặt ra là cần giải quyết hai yêu cầu. Đó là thay đổi từ cách nghĩ, cách làm của mỗi đơn vị bên cạnh sự hỗ trợ có chất lượng, phù hợp của Nhà nước để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, đúng hướng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần nhân lên những “cánh chim đầu đàn”. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) đang hiện thực hóa cam kết trở thành đơn vị tiên phong trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khi sẽ dành 1.000 tỷ đồng cho Quỹ Đầu tư mạo hiểm để hợp tác với các công ty công nghệ, chung tay kiến tạo xã hội số.

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, sự chuyển dịch này cũng xuất hiện khá toàn diện. Ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển EVN cho biết, đến nay các ứng dụng công nghệ mới được phân bổ ở tất cả các mảng hoạt động, như trong thu tiền, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tính toán tổn thất… Do đó, cần có cơ chế đãi ngộ đủ hấp dẫn để thu hút người tài, phù hợp với nhiệm vụ thời 4.0.

Bằng việc nhận diện rõ những thách thức và có giải pháp khắc phục kịp thời, phù hợp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển, định hướng cho nền kinh tế trong thời kỳ 4.0.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/951936/nhan-dien-de-vuot-qua-thach-thuc