Nhận diện cơ hội và thách thức với nông sản Việt khi tham gia CPTPP

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao, không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam luôn đứng ở mức cao. Nhiều mặt hàng trong số đó hiện xếp vị trí tốp đầu thế giới.

Song ở chiều ngược lại, việc hội nhập sâu với thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho các sản phẩm của Việt Nam khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng khắt khe hơn.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do Bộ Công Thương phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 2/7, tại Hà Nội.

Xuất khẩu thô còn cao

Theo ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào.

Đơn cử trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam ra thế giới đạt 26,59 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đã đạt 10,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do.

Tuy vậy, nhiều hạn chế, bất cập của ngành nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho rằng, chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung và việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.

Điều dễ thấy nhất chính là tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao, không ít ngành hàng nông sản có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị còn sơ sài, liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới còn nhiều rào cản.

“Thực tế đó đang cản trở sự gia tăng về số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao,” Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu luôn là một trong những nhóm mặt hàng quan trọng trong tổng thể cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản chính của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ số 1 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 27,3%, trong khi thị trường Mỹ chiếm 13,8% và EU chiếm 15,4%.

- Một số thị trường xuất khẩu chính về nông sản, thủy sản của Việt Nam:

Tuy nhiên, ngay cả các bạn hàng truyền thống và khá dễ tính như Trung Quốc cũng đã siết chặt các quy định về nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Chính vì vậy, theo bà Oanh, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc chỉ đạt 2,78 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam có lợi thế về rất nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của phía đối tác Hàn Quốc nếu muốn hợp tác làm ăn.

Cụ thể, những bất cập đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, các đối tác cũng rất khó do phía Việt Nam chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp.

“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu dài hơn,” Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói.

Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực phát triển

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 và là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay.

Chính vì vậy, để tận dụng được tối đa các lợi thế do hiệp định mang lại, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

“CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng,” bà Mai lưu ý.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc thay đổi mô hình về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ sẽ là vấn đề then chốt giúp ngành nông nghiệp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cao theo hàng rào kỹ thuật của thị trường trong CPTPP.

- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói về cơ hội và thách thức của nông sản Việt khi tham gia CPTPP:

Từ thực tiễn trong lĩnh vực nông nghiệp, câu chuyện của New Zealand là những bài học điển hình cho Việt Nam trên con đường trở thành nước xuất khẩu nông sản, sản phẩm chăn nuôi thành công trên thế giới.

Mặc dù là quốc gia nhỏ, dân số chỉ 5 triệu dân và diện tích bằng 2/3 Việt Nam, ở vị trí cô lập so với các thị trường xuất khẩu, song ngành nông nghiệp hiện chiếm 80% sản lượng xuất khẩu và 15% lực lượng lao động của New Zealand.

Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, bà Lisa, Tham tán nông nghiệp New Zealand đã nhấn mạnh đến 4 yếu tố để New Zealand tận dụng lợi thế của CPTPP trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đầu tiên là nắm bắt chặt chẽ luật chơi trên sân chơi thương mại toàn cầu. Tiếp đến là thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông sản nói riêng và sản phẩm xuất khẩu nói chung trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ với những hành động quyết liệt trong việc liên kết chặt chẽ giữa các bên, thúc đẩy chuyên môn hóa và hợp tác trong nước, tạo nên chuỗi sản xuất - xuất khẩu và cuối cùng đó là sự ưu tiên hóa một số ngành xuất khẩu nhất định để tận dụng thích hợp và khai thác tối đa những tài nguyên, nguồn lực trong nước./.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhan-dien-co-hoi-va-thach-thuc-voi-nong-san-viet-khi-tham-gia-cptpp/580022.vnp