Nhận diện cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp 'đón sóng' chuyển đổi số

Nếu muốn cạnh tranh, tồn tại và phát triển thì chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu. Đây cũng chính là nhu cầu của thị trường và sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CMC.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CMC.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, TGĐ CMC về nhận diện cơ hội, thách thức và kinh nghiệm của doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển của thị trường chuyển đổi số.

- Là một doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số, ông đánh giá như thế nào nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Hiện nay, cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên số và kinh tế số là một yếu tố rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia cũng như là các doanh nghiệp với mong muốn phấn đấu để chiếm lĩnh nền kinh tế này.

Mặc dù ở giai đoạn hiện tại, một trong những rào cản của quá trình chuyển đổi số đó chính là nhận thức của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp vẫn chưa thấy sự cần thiết của việc chuyển đổi số hoặc có biết những vẫn chưa sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số. Thậm chí, số lượng doanh nghiệp sẵn sàng, đủ điều kiện để chuyển đổi số tính đến thời điểm hiện nay cũng chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, điều này sẽ được thay đổi trong tương lai.

Theo đó, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai rất gần, các doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh, muốn tồn tại và phát triển chắc chắn phải chuyển đổi số. Đây cũng chính là nhu cầu của thị trường và nhu cầu này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Thực tiễn ở Việt Nam, đã có rất nhiều các doanh nghiệp lớn như là Vingroup, Masan, Vietcombank... đã và đang làm thực hiện quá trình chuyển đổi số.

- Bên cạnh khó khăn về nhận thức của doanh nghiệp, đâu là những rào cản khiến doanh nghiệp chưa thể bắt nhịp xu hướng, thưa ông?

Trước tiên, thể chế, chính sách tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển chưa hoàn thiện. Trong khi các quốc gia khác trên thế giới, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, chuyển đổi số thì đây là yếu tố tiên quyết.

Tôi nghĩ rằng, hiện nay ở Việt Nam những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế số đã có những thay đổi tuy nhiên vẫn còn tương đối chậm và chưa đáp ứng được các yêu cầu về sự thay đổi, phát triển của kinh tế mới này.

Ngoài ra, trong sự phát triển của nền kinh tế số sẽ làm xuất hiện những mô hình kinh doanh mới, mối tương tác quan hệ trao đổi, giao dịch mới, đòi hỏi những quy định phải điều chỉnh các mô hình, mối quan hệ này một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, điều này cũng đòi hỏi người dùng phải có những ứng xử trong không gian mạng sao cho phù hợp; tránh bị đánh cắp thông tin, sàng lọc thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin...

- Ứng dụng vào hoạt động của chính doanh nghiệp, CMC đã tận dụng cơ hội như thế nào thưa ông?

Nhận thức được những cơ hội và thách thức từ kinh tế số mang lại và xu hướng chuyển đổi số là tất yếu, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ cách đây 10 năm với chiến lược rõ ràng là hướng tới tương lai số hóa. Ngay vào thời điểm đó CMC đã tin rằng số hóa là tương lai của sự cạnh tranh. Theo đó, từ 2-3 năm trờ lại đây, doanh nghiệp đã đưa ra chiến lược chuyển đổi số mang tên "lột xác".

Cụ thể, đó là cho ra đời hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp mang tên c.open. C.open là hệ sinh thái với 5 tầng nhu cầu ứng dụng khác nhau, ví dụ như tầng ứng dụng hạ tầng cơ sở, tầng dữ liệu lớn... tầng cao nhất là ứng dụng cho người dùng.

Việc nghiên cứu và triển khai thành công ứng dụng này góp phần giảm thời gian, nhân lực mà còn tiết kiệm đến 30% chi phí so với phương pháp chuyển đổi số thông thường.

- Xin cám ơn ông!

Ngọc Hà ghi

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/chuyen-doi-so-doanh-nghiep-da-chuan-bi-gi-149696.html