Nhận diện cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một trong những Hiệp định thế hệ mới lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia.

Dự kiến, Hiệp định sẽ sớm được ký kết để chính thức đi vào thực thi trong năm 2019. Việc doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới là rất cần thiết.

Xuất phát từ thực tế đó, triển khai kế hoạch hoạt động thuộc Đề án “Đẩy mạnh thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác chiến lược và quốc gia quan trọng” đã được Thủ tướng phê duyệt, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam (EU Delegation), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Trung tâm WTO và các đối tác tổ chức Hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sớm được thông qua” vào sáng 10-7, tại Hà Nội.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 1-12-2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1-2-2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Ngày 26-6-2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định là Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Tháng 8-2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.

Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được ký kết tại Hà Nội vào ngày 30-6-2019. Sau bước ký kết, hai Hiệp định sẽ phải trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ ở EU và Việt Nam để có thể chính thức có hiệu lực với hai bên.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao, nhưng năng lực hội nhập Việt Nam còn thấp. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 77 trên 140 nền kinh tế thế giới. Cho rằng, năng lực cạnh tranh quyết định năng lực hội nhập, Chủ tịch VCCI nhận định năng lực hội nhập của Việt Nam đang xếp ở mức trung bình, thậm chí dưới trung bình, trong khi độ mở nền kinh tế, quyết tâm hội nhập lại xếp ở tốp cao của thế giới.

Khẳng định việc ký kết EVFTA sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chìa khóa quyết định thành công của Việt Nam trong quá trình hội nhập, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu đến những thị trường chất lượng cao đồng thời nhập khẩu những thiết bị, nguyên liệu đầu vào cho kinh doanh với giá thấp, chất lượng cao; động lực để cải cách thể chế ở Việt Nam… Tuy nhiên để hiện thực hóa những cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về nhu cầu xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, quan hệ lao động, phát triển bền vững…

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những góc nhìn từ doanh nghiệp về tác động, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam từ EVFTA trong nhiều ngành kinh tế như: Dệt may, thủy sản, nông nghiệp…

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nhan-dien-co-hoi-tu-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-eu-582060