Nhận diện các vấn đề nổi cộm, đánh đúng và trúng các đầu nậu buôn lậu

Năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thu nộp ngân sách trên 352,15 tỷ đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường triển khai nhiệm vụ năm 2021. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lực lượng Quản lý thị trường triển khai nhiệm vụ năm 2021. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có sự móc nối từ bên ngoài để hợp thức hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Chính vì vậy, tại buổi họp “Triển khai nhiệm vụ năm 2021 của lực lượng Quản lý thị trường” chiều 21/1, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các cán bộ phải bám sát địa bàn, đấu tranh ngăn ngừa hiệu quả các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại.

Buôn lậu, hàng giả tiếp tục nóng dịp Tết

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, càng vào những tháng cuối năm tình hình buôn lậu có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ tiêu dùng.

Lo ngại hơn, phương thức, thủ đoạn cũng muôn hình vạn trạng, thậm chí có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với cơ quan chức năng.

Đơn cử, một số Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại Việt Nam nhưng không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu-nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Đối với việc kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông, khi lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, bắt giữ các phương tiện chở hàng hóa với số lượng lớn thì lái xe xuất trình một số hóa đơn chứng từ nhưng đa số không trùng khớp với số hàng hóa tại hiện trường, đáng nói là một số hóa đơn bán hàng có giá rẻ hơn giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 20 đến 30 lần.

Ông Linh đặc biệt lo ngại đến việc lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, với các thủ đoạn như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận nhắn tin riêng.

Không những vậy, một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Điển hình là vụ việc tại tổng kho buôn lậu 10.000m2 ở 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai mà Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá mới đây.

Mỗi ngày hàng chục nhân viên tại cơ sở ngồi để trực tiếp livestream và khi chốt được các đơn hàng trên Facebook sẽ đóng gói để gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát nhanh. Ước tính đến thời điểm phát hiện đã có hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu được cơ sở này đưa ra thị trường một cách trót lọt.

Trong khi đó, việc sản xuất và buôn bán hàng giả tiếp tục nóng. Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái tại thị trường nội địa có mặt từ các cửa hàng tạp hóa, các chợ truyền thống, đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những khu đô thị.

Hầu hết các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm nhãn hiệu như: Adidas, Dior, Gucci, Chanel, Hermes, Louis Vuitton… tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi ví, thắt lưng, đồng hồ...

“Vấn nạn này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi xâm hại cả vào lĩnh vực thực phẩm như: đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh... qua cả các con đường kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp và bất hợp pháp,” ông Trần Hữu Linh thông tin thêm.

- Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói về công tác đấu tranh chống buôn lậu:

Qua thực tiễn công tác địa bàn, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng chia sẻ về việc lợi dụng thương mại điện tử để sản xuất-kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật.

Theo ông, ngày nào đơn vị cũng nhận được thông tin khiếu kiện của người dân về mua hàng online (khi mua hàng tốt nhưng nhận hàng thì không đúng chất lượng).

Chính vì vậy, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng bên cạnh việc tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển thì mặt khác cũng cần tăng cường các giải pháp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.

Tăng cường bám sát địa bàn

Có thể thấy, trong năm 2020 vừa qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đã đạt được những kết quả rõ nét.

Riêng lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán (ước tính) trên 136 tỷ đồng. Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối với 157 vụ; đã xử lý 26 vụ...

Trong số đó, nhiều điểm nóng như: Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh); chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội)..., đã được lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh trái pháp luật.

Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường đã xác định khoảng 20.737 cơ sở tại các địa bàn và tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; trong số đó đã tuyên truyền ký và ký cam kết cho 17.375 cơ sở, chiếm tỷ lệ 84%.

Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đánh giá cao công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trong năm 2020 của lực lượng chức năng. Theo đó, ở biên giới đã kiểm soát được các đường mòn, lối mở và không phát sinh đường dây, ổ nhóm lớn, còn tại nội địa cũng đã cơ bản kiểm soát được thị trường.

Tuy vậy, ông Đàm Thanh Thế cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác chuyên môn, chủ động nắm tình hình cũng như nhận diện được phương thức thủ đoạn để xây dựng phương án đấu tranh có hiệu quả với hàng lậu, gian lận thương mại; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.

Ông cũng đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

"Tôi yêu cầu lực lượng quản lý thị trường xây dựng ngay các phương án, kế hoạch, giải pháp thật cụ thể và tổ chức triển khai có hiệu quả để bảo đảm trong năm 2021 tiếp tục tạo được sự chuyển biến rõ rệt về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả," lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhan-dien-cac-van-de-noi-com-danh-dung-va-trung-cac-dau-nau-buon-lau/690673.vnp