Nhận diện các thách thức phát triển điện gió

Sau quyết định điều chỉnh giá mua điện gió của Thủ tướng Chính phủ, điều kiện tiên quyết thúc đẩy các dự án phát triển nguồn năng lượng sạch nhất này đã đủ. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều thách thức để Việt Nam thực sự đón đầu phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổng sản lượng điện gió trên toàn thế giới đến năm 2020 sẽ đạt khoảng hơn 1.000GW. Sản lượng này chiếm khoảng 15,6% sản lượng điện toàn cầu và tương đương với thủy điện (khoảng 16,7%).

Các turbine điện gió thế hệ mới có độ bền cao và khả năng chống chọi lại bão cấp 12.

Các turbine điện gió thế hệ mới có độ bền cao và khả năng chống chọi lại bão cấp 12.

Việt Nam có lợi thế rất lớn về gió, với bờ biển dài hơn 3.000km, nhiều hải đảo và vận tốc gió thổi trung bình quanh năm từ 5m/s trở lên. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ điện gió vẫn chưa tương xứng với tiềm năng này. Hiện nay trên cả nước có khoảng trên dưới 250 dự án về điện gió. Các dự án tiêu biểu đang hoạt động như dự án Nhà máy điện gió Tuy Phong - Bình Thuận; Bạc Liêu; Phú Quý - Bình Thuận; Phương Mai; Phú Lạc…

Tuy nhiên, 5 dự án nêu trên là các dự án đã triển khai thành công. Số dự án còn lại triển khai rất chậm vì nhiều nguyên nhân nên chỉ được các tổ chức tài chính giải ngân một phần hoặc chưa được giải ngân hoặc có giấy phép nhưng chưa có nhà đầu tư.

Trước tiên phải nói rằng, Chính phủ và các địa phương đã dành cho các nhà đầu tư về điện gió rất nhiều ưu đãi. Trong đó đáng kể đến như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (còn lại 10% trong vòng 15 năm, có thể gia hạn trong 30 năm); miễn phí toàn bộ phí bảo vệ môi trường; miễn giảm tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đối với dự án và công trình đường dây, trạm biến áp đấu nối với lưới điện quốc gia…

Ngoài ra, Chính phủ quy định bên mua điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay các đơn vị được ủy quyền có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá điện có thể lên tới hơn 2.000 đồng/kWh đối với điện gió ngoài khơi (giá mua điện cao nhất trong các loại giá điện).

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong phát triển điện gió cần được tháo gỡ. Trước tiên, điện gió là một trong những ngành công nghiệp tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một dự án điện gió thông thường đòi hỏi phải đầu tư công suất khá lớn. Giá thành đầu tư vào điện gió hiện nay cũng còn khá cao (trung bình xấp xỉ khoảng 2.500 USD/kW, nghĩa là hơn 50 triệu đồng/kW).

Điển hình như Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng với tổng công suất khoảng 99,2 MW. Do đó, để thực hiện một dự án điện gió cần phải có sự hỗ trợ kịp thời về tài chính của các tổ chức tín dụng uy tín trong nước/quốc tế và của Chính phủ.

Về công nghệ và thiết bị, hầu hết các dự án điện gió tại Việt Nam đều nhập khẩu công nghệ turbine từ nước ngoài (Mỹ, châu Âu,…). Tại Việt Nam, chủ yếu thi công phần đế móng và các phần kết nối với turbine (đường xá, cống, hệ thống điện, cầu dẫn, thiết bị giao thông…). Do đó, chúng ta lệ thuộc vào nước ngoài hoàn toàn về mặt công nghệ, thiết bị điện gió.

Đặc biệt là tại Việt Nam hiện chưa có trường nào đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực năng lượng xanh nên sự thiếu hụt các chuyên gia đầu ngành là điều tất yếu. Vì vậy, Chính phủ cần chú trọng việc phát triển chương trình đào tạo lĩnh vực này trong các trường đại học và viện nghiên cứu.

Để công nghiệp điện gió phát triển mạnh cần có sự chung tay giữa Chính phủ và nhà đầu tư.

Một vấn đề lớn nữa là chúng ta đang thiếu trầm trọng dữ liệu về địa lý, hải triều, tốc độ gió tại các vùng, miền, dẫn đến khó khăn và sai lệch cho bước đánh giá ban đầu (tiền khả thi) của một dự án điện gió.

Do đó, Chính phủ cần sớm có cơ chế hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị liên quan, nhà đầu tư tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu có chất lượng, quy mô và khả năng ứng dụng cao. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để đề ra các Tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế, thi công, nghiệm thu chất lượng một công trình điện gió.

Trong Hội thảo về năng lượng tái tạo do Hiệp hội Năng lượng tổ chức vào cuối năm 2019, các nhà đầu tư đã thống nhất cho rằng, rào cản lớn nhất đối với các dự án điện gió là các thủ tục hành chính và pháp lý. Đại diện các nhà đầu tư cho rằng các chính sách về thủ tục đầu tư, hợp đồng/giá cả mua bán điện giữa chủ đầu tư dự án và EVN vẫn chưa được ban hành một cách đầy đủ.

Khi Chính phủ tạo được một cơ chế thông thoáng, có mục tiêu cụ thể thêm về thủ tục đầu tư, đào tạo và công nghiệp xây dựng và bảo dưỡng chuyên ngành..., điện gió Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhan-dien-cac-thach-thuc-phat-trien-dien-gio-569080.html