Nhận diện các loại tội phạm, vi phạm gian lận thương mại 'nóng'

Hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại đã bị các đơn vị thuộc Công an Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý những tháng đầu năm 2020, đã hé lộ nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó tinh vi của các đối tượng.

Lực lượng Công an - Quản lý thị trường Hà Nội xử lý trường hợp kinh doanh vi phạm trên địa bàn huyện Phúc Thọ

Lực lượng Công an - Quản lý thị trường Hà Nội xử lý trường hợp kinh doanh vi phạm trên địa bàn huyện Phúc Thọ

Đáng chú ý, nhiều đối tượng – vụ việc đã bị CQĐT ra quyết định khởi tố, thể hiện rõ quyết tâm, sự quyết liệt của các lực lượng chức năng trên mặt trận đấu tranh, xử lý hành vi gian lận thương mại.

“Sóng ngầm” ở thị trường khẩu trang

Theo một cán bộ Cục QLTT Hà Nội, trong số các vụ việc vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý thời gian qua, “nóng” nhất là mặt hàng khẩu trang. Thậm chí, có cả người nước ngoài cũng “nhảy vào” lĩnh vực này. Dẫn chứng là vụ việc bị Đội QLTT số 6 kiểm tra, phát hiện tại Công ty TNHH thương mại phát triển Việt Phú (địa chỉ số 28 BT6 KĐT Văn Phú, quận Hà Đông).

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 100.000 chiếc khẩu trang 3 lớp nhãn hiệu Face Mask đang được tập kết. Qua đấu tranh, xác minh, Đội QLTT số 6 xác định Gou Cailin - quốc tịch Trung Quốc, là chủ số hàng hóa này. Cục Quản lý thị trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Gou Cailin về hành vi hoạt động thương mại trái phép tại Việt Nam và tịch thu sung ngân sách Nhà nước toàn bộ tang vật vi phạm.

Dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng hơn, là cơ sở sản xuất - kinh doanh khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn (thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín). Trung tuần tháng 2, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 4 – Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc CATP Hà Nội, và Đội An ninh – CAQ Đống Đa tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã tạm giữ để xác minh, làm rõ 84.000 chiếc khẩu trang các loại đã đóng hộp (loại 50cái/hộp), trên vỏ hộp có chữ: Khẩu trang kháng khuẩn Tulips, Product/xs tại Viet Han Company (Công ty TNHH Việt Hàn), địa chỉ: Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội; 10.000 chiếc khẩu trang thành phẩm (chưa đóng hộp); 880 chiếc khẩu trang chưa thành phẩm; 310kg giấy nhãn có ghi: Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang - Nhà máy giấy Xương Giang; 100 túi khẩu trang nhãn có chữ Tulip, khẩu trang 3D Mask (02 chiếc/ 1 túi); 100 túi khẩu trang nhãn có chữ Tulip, khẩu trang 3D Mask (05 chiếc/ 1 túi).

Xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Đội QLTT số 1 chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến mặt hàng khẩu trang, có 2 vụ việc bị Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện trong ngày 31-3, và ra Quyết định khởi tố vụ án. Hai vụ việc này có tổng cộng hơn 450.000 chiếc khẩu trang được tập kết tại kho hàng của Công ty CP dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV), đang hoàn thiện thủ tục hàng không và chờ xếp hàng lên máy bay.

Chặn các lô tân dược lậu trị giá bạc tỷ

Tân dược cũng là mặt hàng “nóng” bị các lực lượng thuộc BCĐ 389 TP. Hà Nội phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Trung tuần tháng 3, Đội QLTT số 15 phối hợp với Phòng 11 - Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) kiểm tra địa điểm tập kết hàng hóa của nhà xe Như Ý tại số 1 phố Bùi Huy Bích, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; tạm giữ 900 vỏ hộp Maxman không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Lực lượng QLTT kiểm đếm số hàng hóa gian lận thương mại

Ngày 29-3, hai đơn vị này tiếp tục phối hợp kiểm tra địa điểm tập kết hàng hóa thuộc công ty TNHH TMDV Võ Minh Thiên (địa chỉ ngõ 17 phố Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân); tạm giữ 5.000 vỉ viên Viagra Pfier 100mg (4 viên/vỉ); 2.966 hộp viên Japan Tengsu 0.5g (đựng trong hộp nhựa) Made in Japan; 4.900 vỏ hộp giấy loại nhỏ Japan Tengsu; 315 vỏ hộp giấy loại to Japan Tengsu; 10 kg tờ hướng dẫn sử dụng Japan Tengsu (không có tiếng việt); 80 tờ tem phát quang, trên tem có chữ HONGKONG (63 tem/tờ). Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, tổng trị giá ước tính khoảng trên 5 tỷ đồng. Vụ việc đã được CQĐT Bộ Công an tiếp nhận để điều tra.

Chưa bớt nỗi lo an toàn thực phẩm

Trao đổi với PV ANTĐ, lãnh đạo Cục QLTT chia sẻ, dù các lực lượng chức năng đã rất cố gắng, nhưng quả thực, an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo…kéo dài.

Cuối tháng 4 vừa qua, Đội QLTT số 15 phối hợp với phòng chức năng CATP Hà Nội kiểm tra Công ty TNHH đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Phong Đại Phát; phát hiện công ty đang kinh doanh hơn 200 kg bánh các loại và gần 400 hộp miến, bún ăn liền. Toàn bộ số hàng trên do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, hàng hóa không cùng lô cùng loại, không có hóa đơn chứng từ.

Ngày 8-5, Đội QLTT số 17 phối hợp với phòng chức năng Công an TP. Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Kinh doanh thực phẩm Tiến Phát tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm; phát hiện số hàng hóa gồm nhiều thùng xốp chứa thực phẩm đông lạnh, gồm: 1.800 kg dạ dày lợn, 150 kg nầm lợn, 110 kg thịt lợn, 150 kg tim lợn, 3.800 kg chân gà… Toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không rõ chất lượng.

Hà Minh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/nhan-dien-cac-loai-toi-pham-vi-pham-gian-lan-thuong-mai-nong/857685.antd