Nhận dạng chiến lược hậu chuyển dịch sang châu Á của Tổng thống Mỹ

Chuyến công du 5 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 11/2017 đánh dấu bước khởi đầu của chiến lược hậu chuyển dịch của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Patrick M. Cronin – Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CNAS) ở Washington – nhận định như vậy trên tờ The Diplomat. Trong đó, theo ông Cronin, trong bài phát biểu trước các CEO APEC tại Đà Nẵng – chặng dừng chân thứ 4 trong chuyến thăm châu Á, với việc đưa ra những nguyên tắc và lợi ích chung sẽ được bổ sung trong những năm tới, ông Trump đã phác họa “giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương” của ông – một khái niệm rõ ràng là sự thay thế cho “giấc mơ Trung Quốc” và Sáng kiến Vành đai và con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo ông Cronin, mấu chốt của bài phát biểu của ông Trump là tầm nhìn của ông về một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông nói rằng nước Mỹ không tìm cách thống trị mà muốn hợp tác với các quốc gia độc lập, hùng mạnh sẵn sàng chơi theo đúng luật. “Việc có những đối tác mạnh, thịnh vượng và không phụ thuộc vào bất cứ ai có cho lợi ích của nước Mỹ”, Tổng thống Mỹ nói, bóng gió về lo ngại trong khu vực về sự quyết đoán của một Trung Quốc đang ngày càng mạnh hơn.

Thực ra, cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phổ biến từ hơn 1 thập kỷ trước và ông Trump chỉ là người mượn những từ ngữ đó để tập hợp những nước có chung tư tưởng để duy trì các nguyên tắc tương hỗ cũng như an ninh kinh tế và quân sự. Cụm từ này được Nhà Trắng cố tình lựa chọn để nhấn mạnh mức độ liên tục của chính sách chứ không phải là sự chuyển hướng đột ngột, không phải nước Mỹ hôm nay tái cân bằng nhưng lại rút lui vào ngày mai.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định phong cách lãnh đạo của ông sẽ khác với những người tiền nhiệm. Ông nói rằng sự mất cân bằng thương mại hiện nay là không thể chấp nhận, và các nước sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở công bằng và bình đẳng. Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ không dung thứ cho việc ăn cắp sở hữu trí tuệ trơ tráo hay im lặng trước việc doanh nghiệp Mỹ bị ép tham gia vào liên doanh để đổi lấy tiếp cận thị trường.

Tổng thống Mỹ kết luận, giấc mơ Ấn Độ-Thái Bình Dương – nếu trở thành sự thật - phải bảo đảm rằng tất cả cuộc chơi đều phải theo luật lệ. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi hợp tác quốc tế trong cả an ninh truyền thống và phi truyền thống. Ông kêu gọi các nước duy trì pháp quyền, quyền cá nhân, tự do hàng hải và hàng không.

Ngược lại với kêu gọi của ông Tập về một “giấc mơ Trung Hoa” mà trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trên trường quốc tế vào giữa thế kỷ, ông Trump lại vẽ ra viễn cảnh về một thế giới của những nước độc lập chủ quyền và hùng mạnh, tuân thủ các quy định chung và hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh. Thay vì kết nối vào một con đường, ông Trump nhấn mạnh “chúng ta đừng quên thế giới có nhiều nơi, nhiều giấc mơ và nhiều con đường”.

Vẫn theo ông Cronin, trong những thay đổi đáng kể trong chính sách của Chính phủ của ông Trump có việc ông tìm cách thúc đẩy quan hệ với các đối tác mới. Khái niệm Ấn Độ trong vấn đề “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” cho thấy ông Trump sẽ đưa quan hệ Mỹ - Ấn lên tầm cao hơn. Ngoài ra, ông cũng hy vọng tăng cường quan hệ với các đối tác Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nói tóm lại, theo ông Cronin, trọng tâm của chính sách chính quyền của Tổng thống Trump sẽ là bảo toàn sức mạnh của Mỹ và đầu tư vào những lĩnh vực có thể giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng chiến lược trên khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn và năng động.

Tâm An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//quoc-te/nhan-dang-chien-luoc-hau-chuyen-dich-sang-chau-a-cua-tong-thong-my-366971.html