Nhân dân không biết “đa số thực phẩm của chúng ta an toàn”

“Trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói trước Quốc hội chiều 1/4.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Cùng BizLIVE điểm lại các phát ngôn ấn tượng trong nghị trường Quốc hội tuần qua:

“Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”

“Trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói trước Quốc hội chiều 1/4.

Trước đó, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga nhận định: “Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan', không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.

Cùng chung mối lo như bà Nga, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) lại trăn trở vì “mỗi người hàng ngày thay vì bổ sung dinh dưỡng thì phải bổ sung độc tố vào cơ thể. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, hàng trăm căn bệnh hiểm nghèo luôn rình rập, đe dọa cư dân vùng ô nhiễm”. (Xem tiếp)

“ Biển Đông bị xâm phạm, không thể nói đã đảm bảo chủ quyền”

“Tôi ngạc nhiên khi trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về Biển Đông đều cho rằng “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”. Đánh giá “đảm bảo chủ quyền quốc gia” trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm khích, o ép dân, cướp bóc dân...” - đại biểu Lê Văn Lai nói trước Quốc hội.

Dù đã cố “ép” suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là “đảm bảo chủ quyền quốc gia”, nhưng ông Lai thừa nhận: “Tôi xin nói thật là “ép” không nổi”.

“Không thể nào, những hành vi đó không thể nào được coi là bình thường, bởi nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của chúng ta. Còn khi nào chúng ta mới đánh giá những hành vi nào, hệ lụy nào mới là xâm phạm chủ quyền quốc gia?. Trong khi đó họ xâm phạm chủ quyền của chúng ta tần suất 20 năm 1 lần: Năm 1956 chiếm Đông Hoàng Sa; năm 1974 lấy Tây Hoàng Sa; năm 1988 lấy đảo Gạc Ma, năm 2014 kéo giàn khoan vào Biển Đông và sau đó tần suất dày hơn để xâm lấn chủ quyền chúng ta. Trong khi đó chúng ta ngồi đây và yên bình đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng không ?. Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, đối kháng đã đủ chưa ? Phù hợp không ?”, đại biểu Lai nói. (Xem tiếp)

“Ở Việt Nam, dừng đèn đỏ khi không có công an thì bị coi là hâm!”

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã nói như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 29/3.

Ông Cường cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua, dù đã làm được rất nhiều điều như báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã nêu, nhưng Chính phủ nói chung, các bộ ngành nói riêng vẫn còn nhiều món nợ với người dân như bội chi, nợ công, năng suất lao động thấp, tham nhũng lãng phí, chủ quyền biển đảo...

Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Cường trăn trở nhất đó là ý thức chấp hành pháp luật của người dân đang đi xuống, thậm chí ở mức báo động.

“Hãy nhìn lại chúng ta, ý thức chấp hành pháp luật đã ở mức báo động. Bán hàng giả, làm ăn chộp giật diễn ra phổ biến. Dừng đèn đỏ khi không có công an thường bị gọi là thằng hâm...”. (Xem tiếp)

“Chạy chức chạy quyền sinh tham nhũng, bỏ ra rồi thì phải vơ vét chứ!”

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã dành phần lớn phần phát biểu của mình trước Quốc hội sáng 29/3 để đề cập đến vấn đề chạy chức, chạy quyền.

Theo đại biểu Đương, dư luận lâu nay vẫn râm ran có chuyện chạy chức chạy quyền, nhưng vì sao phải chạy và vì sao người ta có thể chạy được, cử tri chỉ có trau mày thôi.

“Nạn chạy chức, chạy quyền này tạo ra nhiều bất công lắm. Vì cuộc đời vẫn còn nhiều cô Tấm trong sáng. Cho nên, tôi cho rằng phải có nhìn nhận đánh giá thẳng thắn, xem có chạy chức chạy quyền không.

Nó không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn nảy sinh tham nhũng. Bỏ ra rồi thì phải đi vơ vét chứ. Cứ nói đây là vấn đề nhạy cảm nhưng mà nó nguy hiểm qua thì phải nói chứ”, ông Đương nêu quan điểm. (Xem tiếp)

“Con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến việc làm”

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) đã nói như tại phiên thảo luận trước Quốc hội ngày 1/4.

Ông Lộc chia sẻ: Có cử tri của Thái Bình đã nói với tôi rằng, chúng tôi phải chờ lâu quá, con đường dài nhất về Việt Nam không phải là từ Mục Năm Quan đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức.

“Cử tri kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ khóa XIV sẽ là Quốc hội và Chính phủ của hành động để con đường dài nhất Việt Nam mãi vẫn là con đường từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau”... (Xem tiếp)

“Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu”

Trong ít phút đề cập đến vấn đề biển đảo ngày 1/4, cuối bài phát biểu, đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa nhắc lại câu thơ của Tố Hữu nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” (câu thơ gốc trong bài thơ “Tâm sự” được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1967 là “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).

“Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ ra nhập đội ngũ những quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng, mà còn vì là một dân tộc biết cách trở thành văn minh, thịnh vượng”- ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu. (Xem tiếp)

Việt Nam mời gọi đầu tư, nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh”

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 5 năm 2011-2016 ngày 1/4, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, chúng ta tha thiết tạo lập môi trường cho các nhà đầu tư nhưng chính sách tốt đẹp này đã bị cách hành xử xấu xí làm rào cản, vô hiệu hóa.

“Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện cắt nước, dựng rào chắn cổng. Một số người thi hành công vụ đã vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng”, ông phát biểu.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng dẫn lại hình ảnh so sánh “đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết chim” để bình luận về mặt hạn chế của môi trường đầu tư kinh doanh nước ta hiện nay.

“Chúng ta đang tích cực kêu gọi đầu tư nhưng vẫn còn tình trạng kêu gọi đầu tư theo kiểu 'trên trải thảm, dưới rải đinh', khiến cho các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”, ông Tiến nói. (Xem tiếp)

MẠNH NGUYỄN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhan-dan-khong-biet-da-so-thuc-pham-cua-chung-ta-an-toan-1659962.html