Nhân dân Hà Nội 'rất quan tâm' Chủ tịch thành phố là ai

'Việc lựa chọn, giới thiệu, kiện toàn Chủ tịch UBND thành phố trong thời gian tới là những vấn đề nhân dân rất quan tâm', báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hà Nội nêu.

Sáng 5/7, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 7. Trình bày báo cáo Kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2022 của Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, sự điều hành quyết liệt của chính quyền.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương

Thành phố đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

"Cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật", bà Hương nêu.

Theo bà Hương, bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề.

Đầu tiên là xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, nhân dân lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam, Thủ đô Hà Nội nói riêng, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Thứ hai là tình trạng chậm thực hiện các quy hoạch vùng, các dự án khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư công, dự án giảm ùn tắc giao thông, mở rộng các tuyến giao thông kết nối vùng trên địa bàn thành phố, dự án xây dựng trường học, bệnh viện (đặc biệt có dự án đã giao đất nhưng chưa triển khai) cần được quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Vấn đề nữa là việc chậm sửa đổi Luật Đất đai; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các xã, huyện được chuyển thành phường, quận tiến độ giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng... Các tiêu chí trong việc xây dựng huyện trở thành quận còn bất cập, có nội dung chưa phù hợp cần có giải pháp khắc phục.

Cử tri đề nghị HĐND, UBND thành phố tham mưu với Thành ủy kiến nghị với Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ quan tâm công tác cán bộ đối với Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là chức danh Chủ tịch UBND thành phố.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, xả thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra ở đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc thu gom, xử lý rác, chất thải rắn, hiện tượng xả thải, đổ trộm chất thải ra môi trường; tình trạng quá tải ở các bãi rác của thành phố; tình trạng ngập úng tại các quận nội thành làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân cần có biện pháp xử lý.

Nhân dân cũng quan tâm đến tiến độ giải ngân đầu tư công, việc triển khai đấu giá quyền sử dụng đất còn chậm; việc hỗ trợ ngân sách duy trì nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cần được quan tâm hơn. Tình hình giá cả thị trường tăng cao do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Hương cho biết, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhân dân mong muốn thành phố tiếp tục có nhiều giải pháp phòng, chống và kiểm soát; việc thiếu thiết bị, vật tư y tế tại một số bệnh viện, việc người dân còn thờ ơ đối với tiêm vắc xin mũi 4 và tiêm vắc xin cho trẻ em cần được quan tâm, có giải pháp tháo gỡ.

Cùng với đó, tình trạng mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao, cho vay nặng lãi (tín dụng đen), nạn bạo hành trẻ em, cháy nổ tại khu dân cư vẫn xảy ra làm cho nhân dân lo lắng, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, theo bà Hương, "việc lựa chọn, giới thiệu, kiện toàn Chủ tịch UBND thành phố trong thời gian tới là những vấn đề nhân dân rất quan tâm".

Theo kết luận của Bộ Chính trị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 Chu Ngọc Anh bị xác định suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Tại hội nghị bất thường chiều 6/6/2022, Ban Chấp hành T.Ư đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh. Sau đó một ngày, 100% đại biểu HĐND thành phố Hà Nội có mặt biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 và biểu quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Chu Ngọc Anh do vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND.

Sau khi ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội được giao phụ trách, điều hành hoạt động của UBND thành phố Hà Nội đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhan-dan-ha-noi-rat-quan-tam-chu-tich-thanh-pho-la-ai-post1451135.tpo