Nhân dân cả nước tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Ðồng chí luôn quan tâm công tác chính sách quân đôịCuối năm 1993, tôi được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày giao nhiệm vụ cho tôi - đồng thời cũng là dịp giao nhiệm vụ cho tập thể Cục Chính sách, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu chỉ đạo: Thời gian tới, Nhà nước tiến hành cải cách sửa đổi toàn bộ hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách xã hội.

Ðồng chí luôn quan tâm công tác chính sách quân đội

Cuối năm 1993, tôi được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày giao nhiệm vụ cho tôi - đồng thời cũng là dịp giao nhiệm vụ cho tập thể Cục Chính sách, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu chỉ đạo: Thời gian tới, Nhà nước tiến hành cải cách sửa đổi toàn bộ hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách xã hội.

Những chính sách đó đều tác động trực tiếp đến quân đội và hậu phương quân đội. Theo tiến trình chung, Bộ Quốc phòng xúc tiến việc nghiên cứu đề nghị các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, cụ thể là: Chính sách tiền lương, phụ cấp; chính sách, chế độ đối với bộ đội làm nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn gian khổ, biên giới, hải đảo; chính sách, chế độ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng công tác trong các thành phần chuyên môn kỹ thuật trọng yếu của lực lượng không quân, hải quân; chính sách bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; chính sách đối với hậu phương quân đội trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, đồng chí nhấn mạnh, những tồn đọng về chính sách (thương binh, liệt sĩ, mất tin, mất tích, mộ liệt sĩ, khen thưởng,…) sau mấy chục năm chiến tranh với khối lượng lớn, tính chất càng về sau càng khó khăn, phức tạp, bức xúc. Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi Cục Chính sách phải là cơ quan tham mưu đắc lực giúp Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu đề nghị chính sách cũng như chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những chính sách đã được ban hành. Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị là cơ quan trung tâm giúp Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp nghiên cứu chính sách với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác ở Trung ương.

Suốt mấy chục năm qua, trên từng cương vị công tác, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện ở tầm vĩ mô, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; từ vai trò chỉ đạo vĩ mô ở tầm chiến lược đối với toàn quân, toàn quốc, đến những việc làm thiết thực, giải quyết các trường hợp cụ thể. Nhiều lần đồng chí Lê Khả Phiêu gọi tôi đến báo cáo tình hình và chỉ thị những vấn đề cần triển khai, nghiên cứu và những việc phải làm ngay. Ðồng chí đã chỉ đạo nhiều nội dung sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với quân đội mà đối với toàn Ðảng, toàn dân, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp...

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ÐẨU

Nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng),

nguyên Cục trưởngCục Chính sách Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam

Vị lãnh đạo giản dị và gần gũi với dân

Tôi được nghe danh tiếng của tướng Lê Khả Phiêu từ trong chiến trường, nhưng đến năm 1988 thì mới được gặp khi ông về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - nơi tôi công tác thời điểm đó. Từ hồi ấy, tôi đã thấy rõ những phẩm chất đáng quý của vị tướng tài ba, đó là sự xông xáo, quyết đoán nhưng vẫn rất giản dị và gần gũi. Trong mỗi công việc, ông đều rất sâu sát, quan tâm đến những vấn đề thiết thực ở cơ sở.

Khi tôi nghỉ hưu, về công tác tại Ðảng ủy phường Cửa Ðông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi lại vinh dự được gặp ông thường xuyên hơn, khi ông là công dân của phường. Dù đã nghỉ công tác, nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn bận rộn nhiều công việc, vẫn rất quan tâm tới các vấn đề thời cuộc, nhất là tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và góp nhiều ý kiến tâm huyết với Ðảng, Nhà nước và quân đội. Tết năm nào ông cũng dành thời gian tới gặp gỡ, chúc sức khỏe, động viên cán bộ, đảng viên phường Cửa Ðông; hỏi han, lắng nghe phản ánh tình hình đời sống người dân, cũng như các mặt công tác của phường, nhất là về công tác xây dựng Ðảng. Trong những cuộc gặp gỡ như thế, ông luôn chia sẻ nhiều suy nghĩ thể hiện sự trăn trở về công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng ở các địa phương, cơ sở. Tôi vẫn nhớ, khi nói về 27 biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất tâm đắc, cho rằng việc cụ thể hóa các biểu hiện như vậy giúp các cấp ủy nhận diện rõ và thực hiện hiệu quả hơn việc kiểm điểm, xử lý đảng viên vi phạm.

TRỊNH THANH PHI

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy phường Cửa Ðông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Người anh lớn trong cuộc đời tôi

Dẫu biết cuộc đời là ngắn ngủi, ai rồi cũng đến lúc phải về với tổ tiên, ông bà, nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi biết tin anh đã đi xa. Với tôi, ngoài tình đồng chí, đồng đội, đồng hương, anh còn là người bạn lớn. Trước chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tôi được điều vào chiến trường Quảng Trị. Những ngày tháng ấy, dù không cùng đơn vị nhưng là đồng hương (ở quê, nhà chúng tôi chỉ cách nhau chừng bảy, tám cây số), anh vẫn thường xuyên hỏi thăm, động viên, nhắc tôi phải luôn tâm niệm: Người lính là sẵn sàng xả thân vì đất nước, vì dân tộc, vì quê hương, phải phát huy truyền thống quê hương Thanh Hóa anh hùng. Cho đến khi thành lập Quân khu Trị Thiên, chúng tôi cùng một đơn vị, anh Lê Khả Phiêu lúc ấy là Thượng tá, Cục phó Cục Chính trị Quân khu, còn tôi ở bộ phận Tham mưu. Mỗi khi có dịp gặp, anh đều mang hết tiêu chuẩn sĩ quan chỉ huy ra mời. Bánh kẹo, thuốc lá, trà bắc ở mặt trận lúc ấy là quà quý, chiến sĩ như chúng tôi chẳng mấy khi có, cho nên phần còn lại, anh bảo tôi mang hết về chia cho anh em cùng đơn vị.

Anh Lê Khả Phiêu có biệt tài là trí nhớ rất tuyệt vời, chỉ cần một lần gặp là anh nhớ mặt, nhớ tên. Khi đi chiến đấu, chúng tôi mỗi người một chiến trường, hiếm có dịp gặp nhau, vậy mà đến năm 1992, khi nhóm đồng đội cũ chúng tôi từ Thanh Hóa ra Hà Nội thăm anh, vừa nhìn thấy tôi, anh đã nhận ra ngay khiến tôi xúc động không nói nên lời. Anh bình dị lắm, kể cả khi đã ở cương vị cao nhất của Ðảng. Năm 2007, tại Nghệ An diễn ra buổi gặp mặt những người trực tiếp chiến đấu ở Quân khu Trị Thiên, anh Lê Khả Phiêu lúc ấy rời chức vụ Tổng Bí thư đã mấy năm. Buổi trưa, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mời cơm, đồng chí Tư lệnh Quân khu mời các đồng chí sĩ quan cao cấp vào phòng riêng, nhưng anh Lê Khả Phiêu nói ngay: Không cần đâu, chúng ta đều là người lính, thì ăn cơm kiểu lính cho vui. Thế là tất cả mọi người cùng ngồi vào bàn ăn cơm tập thể với anh em sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ tại nhà ăn của Quân khu 4.

Những tình cảm chân tình ấy mãi mãi không thể nào quên được. Với chúng tôi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ là vị lãnh đạo tài năng của Ðảng, vị tướng quân đội uy phong mà là người đồng chí, đồng đội, người anh thân thương, gần gũi, đầy tình thương yêu.

CAO ÐỨC HẢI

(02 Phần Lăng 9, phường An Khê, quận Thanh Khê, Ðà Nẵng)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nhan-dan-ca-nuoc-tiec-thuong-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-612652/