'Nhàn cư…'

“Mỗi năm hoa đào nở”, cơ quan tôi lại tổ chức một buổi gặp mặt tất niên, mời cả cán bộ, nhân viên đã về hưu tới dự nhằm tri ân các thế hệ. Không khí đón xuân tưng bừng, ai nấy đều phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ trong một năm. Các cụ hưu còn vui hơn nữa, vì đây là dịp để các cụ được gặp lại những người cùng công tác với mình tại nơi đã từng gắn bó nhiều năm cho tới lúc về nghỉ theo chế độ, nói vui theo cách của các cụ là: “Cống hiến đến hơi thở cuối cùng”. Nên có những cụ dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn bảo con, cháu đưa đến dự.

Năm ấy, giữa cuộc vui tay bắt mặt mừng, tình cờ tôi nghe thấy hai cụ hỏi nhau:

- Ơ kìa, ông T vẫn đến à?

- Ừ nhỉ, ôi làm sao mà vẫn còn dám “vác mặt” đến nhỉ!

- Ừ, rõ thật là, chả hiểu sao từ dạo về hưu bỗng dưng lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thế…

Không tiện đứng nghe tiếp nên tôi lảng đi chỗ khác, song từ lúc đó tâm trí tôi cứ lởn vởn nghĩ về ông T, người mà hai cụ vừa nhắc đến.

Cũng như bao người khác, ông T công tác ở cơ quan tôi cho đến khi đủ tuổi về hưu. Song khác với đa phần các cụ hưu, vui vầy với con cháu, tham gia sinh hoạt đảng hoặc hội người cao tuổi tại khu dân cư, đóng góp theo sức mình những điều hữu ích cho địa phương, cho xã hội, thi thoảng hẹn gặp nhau ở nhà một cụ nào đấy để hàn huyên chuyện cũ…; thì ông T lại “chăm chỉ” lên mạng xã hội viết những bài có tính tiêu cực về chế độ.

Những bài viết của ông phần nhiều chỉ đưa thông tin về những mặt tiêu cực, phủ nhận những thành tựu to lớn mà đất nước và nhân dân đã đạt được. Đã vậy, ông rất ưa khoét sâu một số hạn chế, sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là những sai phạm trong quản lý; quy chụp và “vơ đũa cả nắm” về những biểu hiện suy thoái của một số cán bộ, đảng viên… Tệ hơn nữa, mọi hoạt động của cơ quan cũ đều được ông dõi theo để… châm biếm, rồi viết những bài đả kích một cách thô thiển và bịa đặt.

Kể ra, những hành vi này cũng không phải là cá biệt. Thực tế cuộc sống có những người lúc công tác thì “ngậm miệng ăn tiền”, dù có điều không hợp ý mình cũng không bao giờ phản biện, nhưng khi ra “khỏi vòng” rồi mới lộ hết sự bất đắc chí, và khi ấy họ nói mà chẳng cần nghĩ trước, sau, trái, phải. Với tâm lý “về vườn”, “không còn gì để mất”, họ sẵn sàng nói, viết những điều đi ngược lại quan điểm chính thống, đi ngược lại quyền lợi, lợi ích của tập thể, của đất nước. Lợi dụng sai lầm của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, họ bôi nhọ chính những lý tưởng cao đẹp đã từng theo đuổi, phấn đấu khi đang còn công tác.

Nực cười là, tuy thế, ông T vẫn qua lại cơ quan cũ, ghé phòng người này, qua “thăm” người kia để… xin quyển lịch, cuốn sổ; vẫn mượn danh “nguyên” cán bộ cơ quan để đi giao dịch chỗ này, chỗ nọ; vẫn đến dự các buổi gặp mặt và nhận chế độ đãi ngộ của cơ quan dành cho cán bộ hưu trí; vẫn “mắt cười, miệng nói” với những người từng “vinh dự” được là “nhân vật phản diện chính” trong các bài viết của ông trên mạng xã hội. Những người trong cơ quan tôi chỉ còn biết lắc đầu: “Thực sự là đã… cạn lời!”.

Chuyện về ông T là như vậy. Nên trong những buổi sinh hoạt chuyên môn hay những lúc hàn huyên, thư giãn sau giờ làm việc, thỉnh thoảng đề tài về ông T lại được nhắc đến, và mọi người thường bảo nhau:

- Thôi cũng chả mong làm to, làm nhỏ gì, chỉ cốt sao khi còn công tác thì hoàn thành tốt nhiệm vụ, lúc về hưu thì luôn nhớ về cơ quan với những kỷ niệm tốt đẹp. Sống làm sao để trước, sau đừng bất nhất, để mỗi khi có dịp về thăm lại cơ quan thì các em, các cháu thế hệ nối tiếp mình niềm nở thăm hỏi, tay bắt mặt mừng chứ không cố tình quay lưng, tránh mặt, rồi tặc lưỡi một câu: "Đúng là kiểu nhàn cư... vi bất thiện!”./.

Từ Mai

Nguồn Tạp chí cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/sinh-hoat-tu-tuong/-/2018/821619/%E2%80%9Cnhan-cu%E2%80%A6%E2%80%9D.aspx