Nhàn cư là một phép thử

Điều đáng nguy hiểm là, nhàn cư không chỉ là câu chuyện giãn cách thời Covid-19, không chỉ là giai đoạn thất nghiệp, chờ việc, nhàn cư có thể đến từ việc lựa chọn cách sống ngay cả với sinh viên đang đi học, hay người vẫn đang có việc làm...

Đợt giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 thực sự đã đem lại nhiều vấn đề lớn đối với đời sống của mỗi người. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có hơn một triệu lao động mất việc, hơn 17 triệu người bị giảm lương, dịch bệnh tác động tiêu cực đến đời sống của ít nhất 30 triệu người. Nhưng đấy chỉ là những con số. Đằng sau những con số vô cảm, như lẽ thường của bản chất đời sống, còn có nhiều câu chuyện phức tạp hơn.

Tôi cho rằng, không chỉ dừng ở việc biến động/ khó khăn tài chính, công việc như thay đổi cách thức làm việc, làm việc tại nhà, bị cắt giảm lương, mất việc, cơ cấu kinh doanh riêng không thể duy trì, mà COVID-19 còn đem đến một trong những thử thách lớn nhất và sâu sắc nhất đời người: chính bản thân mình.

Buộc phải đối diện với chính bản thân mình trong thời gian dài, tách bản thân khỏi nhịp đều, tính kỷ luật bắt buộc của công việc, hay mục tiêu sống ngắn hạn, tạm tách rời khỏi vị trí xã hội, sống quanh quẩn trong bốn bức tường là một dạng thử thách. Giống như một guồng quay miệt mài đã vận hành nhiều năm đột ngột bị đánh cho một cú mạnh, buộc phải dừng kít lại.

Nhàn cư sinh ra nhiều suy nghĩ và việc làm nhiều khi không đúng chuẩn mực (ảnh minh họa).

Nhàn cư sinh ra nhiều suy nghĩ và việc làm nhiều khi không đúng chuẩn mực (ảnh minh họa).

Trong cú tạm dừng bất thường, bí ẩn ấy của toàn nhân loại, như một lời nhắc nhở cụ thể, rõ ràng, quyết liệt của quy luật vận hành sự sống trong vũ trụ, rất nhiều người lâm vào tình trạng không biết làm gì cho hết ngày, trở nên bối rối tột độ khi buộc phải đối diện với chính mình. Quanh quẩn ra vào từ giường tới bếp, từ sáng tới tối, cái vòng tuần hoàn lặp lại của ngày đêm quanh quẩn việc ăn, ngủ, tương tác với người thân trong không gian hẹp có thể bào mòn cảm xúc của con người ta. Cho dù có thể làm việc ở nhà, thì việc giữ được nếp kỷ luật của đời sống hàng ngày, ăn ngủ làm việc đúng giờ, cố gắng vận động cơ thể đều đặn cũng biến thành một nhiệm vụ mới của ý chí.

Khi ấy, nếu đủ hoài nghi và đi sâu vào suy tưởng, nếu đủ ý thức sống cuộc đời đang có và trăn trở về việc sống như thế nào, những câu hỏi lớn của kiếp người như: ta là ai, mục đích cuộc đời ta là gì, nếu không có nghề nghiệp, địa vị, ta định danh ta như thế nào, ta thực sự muốn gì, cần gì, tiền bạc có ý nghĩa đến đâu, ta nên sống mỗi ngày như thế nào với sự thật cái chết và sự bất toàn của cuộc đời trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết... có thể lần lượt xuất hiện. Đối diện với chính mình, trong lúc ngoài kia, dịch bệnh hoành hành, số liệu về người mắc bệnh và tử vong hàng ngày có thể khiến người ta sống chậm lại, sâu sắc hơn, định vị lại được hành trình sống của mình.

Khi ấy, nếu đủ ý chí, người ta cũng có thể ngay lập tức thích nghi, thiết lập được một nếp sinh hoạt mới, một kỷ luật đời sống mới cho chính mình.

Nhưng khi ấy, cũng có không ít cạm bẫy được sinh ra từ trong nhàn rỗi. Nhàn cư vi bất thiện quả thật chẳng sai khi con người ta không vượt qua được chính mình.

"Nhàn cư vi bất thiện" vốn là một cụm từ được tách ra từ mục 6 Thành Ý thuộc thiên "Đại học" trong sách Lễ Ký. Nguyên văn đầy đủ là "Tiểu nhân nhàn cư vi bất thiện, vô sở bất chí, kiến quân tử nhi hậu yếm nhiên, yểm kì bất thiện, nhi trứ kì thiện. Nhân chi thị kỷ, như kiến kì phế can nhiên, tắc hà ích hĩ! thử vị thành ư trung, hình ư ngoại, cố quân tử tất thận kì độc dã". Có nghĩa là "Kẻ tiểu nhân nhàn rỗi thì làm điều bất thiện, không gì không làm. Khi nhìn thấy người quân tử thì cố gắng che đậy, giấu cái ác mà trưng điều thiện ra, nhưng vẫn bị nhìn thấu rõ cả gan ruột, đâu có ích lợi gì! Cho nên nói: sự thật bên trong tất sẽ thể hiện ra ngoài hình dáng. Bởi vậy, người quân tử cần phải cẩn trọng khi chỉ có một mình".

Quan điểm phức tạp về tiểu nhân và quân tử của Nho giáo cũng có thể hiểu ngắn gọn là: kẻ tiểu nhân hễ mà ở không, nhàn rỗi quá sẽ sinh tật hư hỏng và hay làm những điều xằng bậy, không những làm điều xằng bậy mà còn tự lừa dối bản thân, che đậy điều xấu xa, chỉ có người quân tử mới có đủ định lực để không sa ngã, không tự lừa dối chính mình để làm điều bất thiện.

Khoan bàn sâu về quan điểm phức tạp của Nho giáo, nhưng ta không thể không thừa nhận, "nhàn cư" đúng là một hoàn cảnh, một phép thử để cho thấy nghị lực, nhận thức của con người, phân biệt được tiểu nhân hay quân tử thông qua cách ứng xử khi "nhàn cư". Con người ta quả thật, khi "nhàn cư", tạm hiểu là quá nhàn rỗi, không có việc gì làm, không có mục đích sống, lại phải đối diện với chính mình, nếu không đủ ý chí, không đủ nhận thức, hoàn toàn có thể mất phương hướng, sa ngã theo dục vọng, mà làm ra những điều "bất thiện".

Bất thiện hiểu là không thiện, là bất chính, sai trái, đi ngược lại quan niệm đạo đức, đi ngược lại con đường phát triển bản thân, trở nên tha hóa, tự làm hại mình hại người.

Bất thiện có nhiều cấp độ. Trước hết là bất thiện với chính bản thân mình. Nhàn cư sinh ra lười biếng, đầu óc ì trệ, mụ mẫm, tự giam mình trong cái vòng ăn ngủ, sống mà như không sống. Nhàn cư mà chìm vào những thú vui riêng có hại, đắm chìm trong dục vọng, sinh ra nghiện, phụ thuộc vào thú vui độc hại để kiếm tìm nguồn vui giả tạm, từ nghiện ngủ, nghiện phim, nghiện chơi.., sinh ra nếp sống bệ rạc, bê tha, thiếu nghị lực sống, sống mòn sống mỏi. Tất cả đều có khả năng dìm chết sự tỉnh táo của con người trong guồng dục vọng tham lam, đẩy cuộc đời vào chuỗi ngày mờ mịt vô nghĩa. Chẳng còn gì đáng buồn chán hơn những kẻ không có mục đích sống nào để sống cho ra sống.

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com).

Như thế, con người ta bất thiện với chính mình, với sự tồn tại của mình, với cuộc đời mình đang có. Giống như đạo lý "người không vì mình trời chu đất diệt", có nghĩa là người mà không biết tu thân, thì sẽ đem tới hậu quả xấu, trời tru đất diệt. Người làm điều bất thiện với chính mình, là không vì mình vậy.

Nhưng con người ta chẳng tồn tại một mình, khi bất thiện với bản thân, là lúc người ta bất thiện cả với kẻ khác. Trước hết là gia đình, sau đó là xã hội. Xưa nay những kẻ biếng nhác đã là gánh nặng, kẻ nhàn cư thiếu định lực có thể sinh ra nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè, sinh ra trộm cắp để thỏa mãn tâm lý hưởng thụ biếng nhác, sinh ra những hành vi bệnh hoạn, biến thái... Đó là quá trình suy đồi, tự hại mà không mấy người kịp nhận ra, bởi trên đời này, vượt qua chính mình, vượt qua dục vọng, toan tính, lòng tham của bản thân, thẳng thắn nhìn nhận chính bản thân mình đang là, chẳng phải là một điều khó khăn hay sao?

Điều đáng nguy hiểm là, nhàn cư không chỉ là câu chuyện giãn cách thời Covid-19, không chỉ là giai đoạn thất nghiệp, chờ việc, nhàn cư có thể đến từ việc lựa chọn cách sống ngay cả với sinh viên đang đi học, hay người vẫn đang có việc làm. Trong thế giới tôn sùng vật chất, người ta đặc biệt thích nhàn, thích nghỉ, thích được chơi, thích được làm như chơi, thích lướt mạng xã hội, túm năm tụm ba buôn chuyện, thích nhậu nhẹt, chén chú chén anh, thậm chí thích cả phiêu lưu tình ái bất chính.. Người ta nghĩ đấy là sướng, đấy là nhàn, đấy là đích hạnh phúc, nhưng không tự nhận ra đấy là "bất thiện".

Xem ra chẳng sai khi nhà Phật nhận định: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Ta luôn có xu hướng bao dung với bản thân, bao che, tự lừa dối, chiều chuộng bản thân tới hư hỏng, và ngụy biện đấy là "vì mình". Thế nên, không phải ai cũng có đủ định lực để sống một đời "nhàn" như những bậc đại trí. Người ta vẫn cần một cái cương để hãm dục vọng, cần một nhịp kỷ luật đều mang tính bắt buộc của công việc, cần được bận rộn, bởi "nhàn cư vi bất thiện".

An Hạ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhan-cu-la-mot-phep-thu-614533/