Nhân chứng vụ gian lận thi cử ở Sơn La có muốn trốn cũng không thoát

Phiên tòa xét xử gian lận thi cử ở Sơn La vắng đến 31 nhân chứng do đó có thể dẫn giải đến tòa nếu sự có mặt của họ là quan trọng.

Ngày 16/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, theo điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo báo cáo của thư ký phiên tòa, các bị cáo và luật sư bào chữa đã có mặt. Trong số 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, có 4 người có mặt, trong đó có đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, 22 người có đơn xin vắng mặt, những người còn lại không có lý do.

Số người làm chứng có 12/43 người.

Những nhân chứng vắng mặt có thể bị dẫn giải đến tòa nếu thực sự quan trọng (ảnh Vũ Phương).

Những nhân chứng vắng mặt có thể bị dẫn giải đến tòa nếu thực sự quan trọng (ảnh Vũ Phương).

Việc có đến 31 người làm chứng không có mặt tại tòa khiến nhiều người băn khoăn. Liên quan đến tình huống pháp lý này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với tiến sĩ Vũ Gia Lâm, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo thầy Lâm, trường hợp phiên tòa có 43 nhân chứng mà chỉ có 12 nhân chứng có mặt thì theo luật người ta quy định tại Điều 66, Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Nếu vắng mặt không phải vì lý do bất khả kháng hay do trở ngại khách quan thì có thể dẫn giải đến tòa nếu sự có mặt của họ là quan trọng.

Nếu như vắng mặt có lý do thì tùy trường hợp. Nếu sự có mặt của họ là quan trọng thì hoãn phiên tòa.

Còn nếu không quan trọng mà lời khai của họ có rồi nếu không mâu thuẫn với lời khai của người khác thì vẫn xử.

Nhiều phụ huynh có con được nâng điểm ở Sơn La không đến tòa

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, theo điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể 8 bị cáo bị đưa ra xét xử đến tòa từ khá sớm.

Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.

Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).

Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).

Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trung học phổ thông Tô Hiệu (Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).

Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng chính trị - tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).

Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).

Đinh Hải Sơn; Đỗ Khắc Hưng đều là cán bộ Phòng bảo vệ chính trị nội bộ (PA 83 nay là PA 03) Công an tỉnh Sơn La.

Điều 66. Người làm chứng (Bộ Luật Tố tụng Hình sự).

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Người làm chứng có quyền:

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

5. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

6. Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

Trinh Phúc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhan-chung-vu-gian-lan-thi-cu-o-son-la-co-muon-tron-cung-khong-thoat-post202480.gd