Nhân chứng cứu rỗi

Tôi ôm chặt lấy em tôi. Em gắng dìu tôi lần theo dấu vết một cuộc vật lộn. Cháu rất khỏe, linh tính của tôi đã không nhầm, cháu nằm ngửa kia, cứng đơ dưới một tấm chăn mỏng phủ qua quýt. Tên làm nhục cháu hẳn rất vội. Hóa ra, cháu đã bị hắn đánh mạnh, môi trên mép phải bị giập máu đỏ.

Cháu là một cô gái xinh xắn, hiếu học, chạy bộ đều đặn sáng sớm hằng ngày. Cứ năm giờ, cháu thức dậy, mặc quần áo thể thao, đi giày bát kết, chào bố mẹ, ra khỏi nhà và bắt đầu chạy. Chừng bốn lăm phút sau, cháu trở về, tắm nước lạnh, ăn sáng, rồi lái xe đến Trường Đại học Mỹ thuật.

Hôm ấy, tôi để ý, gần bảy giờ rồi, cháu vẫn chưa về. Tôi bèn gọi điện cho em gái tôi và chúng tôi đến đồn báo cảnh sát, rồi cùng vào rừng. Chúng tôi cho xe chạy chậm trên con đường chính khá rộng xuyên rừng từ bên này sang bên kia. Song không thấy cháu đâu cả. Tôi chợt nhớ, có lần tôi chạy theo và nhìn rõ cháu rẽ trái. Tôi bảo em tôi xuống đi bộ.

Chừng hai mươi mét, chúng tôi cùng “À!” lên một tiếng. Một nẻo mòn nhỏ hiện ra, hoa dại thấp thoáng hai bên, rung rinh trong gió nhẹ. Cháu vốn thích hoa, nhất là hoa đồng nội, và những chuyện cổ tích ly kỳ. Chúng tôi bỗng quên mất là đang tìm cháu. Nhìn về bên phải, mấy khóm cây nhỏ bị giẫm đạp, cỏ dưới chân bị xéo nát một vùng rộng.

Tôi ôm chặt lấy em tôi. Em gắng dìu tôi lần theo dấu vết một cuộc vật lộn. Cháu rất khỏe, linh tính của tôi đã không nhầm, cháu nằm ngửa kia, cứng đơ dưới một tấm chăn mỏng phủ qua quýt. Tên làm nhục cháu hẳn rất vội. Hóa ra, cháu đã bị hắn đánh mạnh, môi trên mép phải bị giập máu đỏ.

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Tại bệnh viện thành phố, cháu dần hồi tỉnh hẳn, nhưng cứ thất thần như người mất hồn. Chúng tôi biết ý, tránh hỏi han cháu về chuyện đã xảy ra. Cháu cũng nằm im suốt, có lúc hình như xấu hổ. Em gái tôi không dám nhìn vào mắt cháu. Em nhẹ nhàng và trìu mến cầm lấy bàn tay phải của cháu, vết trói cổ tay vẫn còn. Hai dì cháu xiết tay nhau, khi mạnh khi khẽ.

Một đôi lần, cháu quay mặt vào tường, và tôi thót tim, những giọt nước mắt cay đắng tuôn trào trên khuôn mặt hầu như chưa bao giờ nhăn nhó vì đau khổ. Cháu vốn theo nền nếp truyền thống của dân thường chúng tôi. Cháu không a dua vào ăn chơi bừa bãi. Đôi lần, tôi nghe cháu tâm sự với các bạn thân rằng con gái không nên dễ dãi trong tình yêu, sự trinh trắng phải là điểm khởi đầu cho toàn bộ nhân phẩm. Tôi lấy khăn mùi xoa sạch, lau nước mắt cho cháu, lòng như bị cứa ghê rợn.

Bạn bè, thầy cô tới thăm nhiều, song cái hồn nhiên thánh thiện ai cũng quý trọng của một cô gái giàu nghị lực và tự tin hình như đã tan biến mất trong khu rừng ngoại ô đẹp nức tiếng của chúng tôi rồi. Bố cháu cũng bị sốc mạnh. Anh đã lặng đi trước đứa con gái đang nằm co quắp như hiện thân của một nỗi ô nhục. Anh ngửa mặt lên trời, cố kìm lệ chảy.

Đêm đêm, anh thường ngồi thừ bên giường cháu khá lâu. Hai bố con hầu như chẳng nói gì với nhau cả. Tôi thì, một mối sợ mơ hồ cứ dấy lên, mỗi khi bắt gặp ánh mắt bẽ bàng của cháu.

Về nhà đã tám ngày, cháu vẫn có vẻ mệt mỏi và không muốn đi học lại. Hai bạn gái thân nhất của cháu hầu như tối nào cũng đến. Một vài lần, ba đứa ôm lấy nhau mà thổn thức thỏa lòng. Cháu bắt đầu đi lại trong nhà, thỉnh thoảng ra ngoài một lúc. Tôi thật bất ngờ, khi cháu tắm, cháu kỳ cọ chỗ kín rất lâu. Cháu vừa kỳ cọ vừa nhăn mặt.

Một bận, cháu chuyện trò với cậu bé con bảy tuổi hàng xóm đi ngang qua cổng. Tôi tò mò gợi hỏi, cháu chỉ ậm ừ. Tôi nhờ chồng tôi tạt qua chợ mua những thức ăn cần thiết, để rảnh rang theo dõi thằng bé và con tôi. Đầu giờ chiều, thằng bé tới, gọi con gái tôi, và trao cho nó một gói nhỏ. Cháu cầm chặt cái gói hồi lâu, mở ra rồi đậy lại như cũ. Cháu để gói ấy xuống dưới gối.

Tôi chờ mãi mới có dịp xem đó là cái gì. Hai trăm viên thuốc ngủ! Tôi gọi cháu vào, song không cất lời nổi. Tôi bèn mở một đĩa nhạc ABBA, ban nhạc mà cháu hâm mộ nhất. Hai mẹ con ôm nhau ngồi nghe mê mải. Cháu không vui lên mà có vẻ buồn hơn. Nụ cười thấp thoáng rồi vụt tắt trên đôi môi vết giập đã lành. Cháu ngả hẳn vào vai tôi. Lòng tôi dịu đi chút đỉnh.

Tôi hiểu, cháu ham chuyện cổ tích, nhất là chuyện Andersen. Một truyện cháu thích nhất là “Nàng công chúa và hạt đậu”. Nàng công chúa không chịu được mỗi khi vô tình nằm lên một hạt đậu. Phải, cháu nắm được điều mà văn hào Đan Mạch nhắn gửi: con người cần tế nhị và trong sạch về thể xác cũng như tâm hồn. Đây là hai điều kiện tiên quyết để sống yên bình và thanh thản.

Tôi không mê tín, nhưng tin theo lời nhà tôi, rằng những may mắn thần diệu mà ta không ngờ hay không tưởng tượng được bỗng dưng biến họa thành phúc, biến chết chóc thành sướng vui là nguồn gốc sâu xa của mê tín. Phần tiếp sau của chuyện về con gái tôi minh chứng hùng hồn.

Tôi loay hoay nghĩ cách làm sao không rời cháu nửa bước. Có lẽ phải nói thật ý định của cháu với chồng tôi, và bàn với anh cứu cháu bằng được. Nhưng đúng là tôi hoảng hốt ngay lúc toan khuyên cháu, bởi lẽ, khuyên cháu, vâng khuyên thôi cũng là xúc phạm một người giàu tự trọng. Tôi đang “tranh luận nội tâm” như thế thì chồng tôi về.

Hôm ấy, anh về đột xuất, chứ bình thường, phải tám giờ tối. Vừa xuống xe, anh xô đến chỗ hai mẹ con tôi, tay cầm mấy tờ báo, vẻ mặt hân hoan và nghiêm trang căng thẳng. Anh nói lớn: “Thằng vô luân hãm hại con bị tóm cổ rồi !”. Anh chỉ vào một bài ngắn trên tờ Rạng đông. Cháu có thoáng mỉm cười, nhưng không hí hửng như tôi.

Nhà tôi thần ra chút đỉnh. Anh vuốt tóc cháu, chờ tôi hết cơn tá hỏa. Rồi anh đưa cháu tờ Nhân đạo: “Mấu chốt ở chỗ này. Con đọc đi con!”. Đọc xong, cháu ôm riết lấy bố. “Cảm ơn ba, con cảm ơn ba, nhiều, nhiều lắm lắm!”. Rồi cháu xiết lấy tôi mà thơm lên khắp mặt. “Mẹ ơi, con được sống rồi, con được sống rồi mà!”. Tôi đọc bài báo trên tờ Nhân đạo.

Vậy là chú bé Oscar theo ông bà vốn ở thủ đô về chỗ chúng tôi nghỉ mát ít ngày. Chú si mê thiên nhiên, nên thường “dậy sớm vào rừng ngắm cỏ cây tỉnh thức”. Hôm cháu nhà tôi bị nạn, chú đang say sưa lần theo từng khóm hoa rừng, thì nghe một tiếng thét như từ âm phủ vọng về.

Linh tính chuyện chẳng lành, chú chạy tìm mọi nơi, mãi mới tới chỗ con gái tôi bị cưỡng đoạt. Mọi việc đã xong, tên tội phạm vừa phủ chiếc chăn mỏng lên mình nạn nhân, cảnh giác nhìn quanh, rồi rảo bước về phía chiếc xe con đỗ cách đó chừng trăm mét. Chú nép các gốc cây chạy theo, tới tận chiếc xe màu trắng sữa, nhớ số xe và đặc biệt một nốt ruồi trên mép phải tên tội phạm.

Đúng hôm ấy, ông bà chú về lại thủ đô. Tới nơi, chú vào đồn cảnh sát gần nhà, báo ngay vụ việc chú nhìn thấy. Trong quá trình điều tra, cảnh sát nhiều địa phương đã phải rà soát hàng trăm xe màu trắng sữa như Oscar miêu tả. Mãi sau, cảnh sát Italia mới tìm được chiếc xe cùng loại mang số mà chú cung cấp.

Hai lần mời lái xe vào trạm cảnh sát giao thông nhận dạng, các nhà chức trách đều không đạt kết quả mong chờ. Người điều khiển xe không có nốt ruồi trên mép phải. Lần thứ ba, tên xấu bị bắt ở Thụy Sỹ.

Hắn là một sinh viên hội họa, định chuyên về tranh phong cảnh và tĩnh vật. Hắn mới đến thành phố chúng tôi lần đầu, sau khi xem một phim tài liệu về khu rừng ngoại ô tuyệt đẹp của chúng tôi. Hắn cũng hay dậy sớm, lang thang ngắm cảnh và ký họa. Hôm hắn vào rừng chào cây cối cỏ hoa để về nhà ở Serbia, tình cờ con gái tôi chạy qua chỗ hắn ngồi.

Đáng lẽ tìm cách tiếp cận làm quen rồi “chinh phục”, hắn quyết định quay lại ngay sáng hôm sau. Hắn chặn đường, bị chống trả mạnh mẽ, phải đánh cháu như tôi đã nói. Từ một rung động nhân văn cao cả, hắn do nóng vội và mất tự chủ, đã rơi xuống vũng bùn tội ác tầm thường.

Chuyện tôi vừa kể ít nhất cũng cải chính một định kiến dai dẳng từ phương Đông, rằng người phương Tây thực dụng và vô liêm sỷ trong tình yêu và tình dục. Xin bổ sung vào câu chuyện. Một giáo sư mà con tôi sùng kính đã đến gặp cháu, trước bài báo về bé Oscar, tâm sự với cháu rằng ai sinh ra cũng muốn mình mãi mãi nguyên vẹn cả thể xác lẫn tâm hồn. Song suy cho cùng, người nào cũng bị hoen ố, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Vấn đề là không để những tổn thương ấy làm mình chững lại. Trên đời này vẫn còn nhiều Oscar.

Con tôi đã lấy lại niềm tin yêu cuộc sống từ chú bé mà về sau, cả nhà tôi đã tới gặp. Giờ đây, chú được con tôi nhận làm em kết nghĩa. Vợ chồng tôi sẽ không bao giờ quên được phút giây cháu quỳ xuống, giơ lên cho tôi gói thuốc ngủ, nói nghẹn ngào: “Con suýt phụ lòng ba mẹ và bao người. Con xin lỗi ba mẹ ”.

Trương Ái Thi (dịch)

Eric Neto (Na Uy)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/nhan-chung-cuu-roi-631996/