Nhận chìm vật chất nạo vét ở cảng biển Dung Quất ở vị trí nào?

Tỉnh Quảng Ngãi và Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn tất các thủ tục và kiến nghị Bộ TN&MT cho phép nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất là cát nhiễm mặn, bùn trong quá trình thi công, nạo vét cảng Dung Quất.

Một góc cảng biển Hòa Phát Dung Quất.

Một góc cảng biển Hòa Phát Dung Quất.

Vật chất xin nhận chìm xuống biển là loại gì?

Thời quan qua, dư luận đang quan tâm đến việc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) xin nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất xuống biển đang được các bộ ngành chức năng kiểm tra, thẩm định.

Trước đề xuất này, dư luận của cán bộ và nhân dân trong tỉnh không khởi băn khoăn, thắc mắc về khối lượng có tên gọi là vật chất mà Hòa Phát xin nhất chìm xuống biển là gì, có ảnh hưởng xấu đến khu vực vùng biển Dung Quất cũng như các vùng biển lân cận?

Để làm rõ thắc mắc trên của dư luận, chúng tôi đã tìm hiểu, trao đổi với chủ đầu tư là Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và cấp ngành chuyên môn.

Theo đó, để thi công xây dựng hạng mục cảng chuyên dùng của dự án (trong khu cảng Dung Quất) cho tàu vận có tải trọng 200.000DWT ra vào cảng khi dự án “Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất” hoàn thành, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất phải tiến hành nạo vét khu vực biển tại đây. Theo đó, tổng lượng vật chất trong quá trình nạo vét dư thừa, cần xử lý khoảng 15 triệu m3.

Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Cty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, giải thích: Hiện nay, cảng chuyên dụng của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chỉ có khả năng đón được tàu có tải trọng 150.000DWT nên chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của vùng biển nước sâu. Nhằm phát triển kinh tế biển miền Trung, Công ty mong muốn được nâng công suất cảng biển chuyên dùng từ 150.000DWT lên 200.000DWT và đã được Bộ GTVT chấp thuận. Việc tăng công suất sẽ làm tăng khối lượng vật chất nạo vét tại bến cảng lên tới trên 19 triệu m3. Trong đó, có 3,8 triệu m3 được tận dụng để san lấp mặt bằng khu đất dự án. Số vật chất nạo vét dư thừa không đơn vị nào trong nước tiếp nhận và chính sách của Chính phủ cũng cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn (cát biển) ra nước ngoài. Vì vậy, Công ty đã đề xuất phương án nhận chìm vật chất nạo vét ra ngoài khơi.

Để tàu vận có tải trọng 200.000DWT ra vào cảng khi dự án “Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất” hoàn thành, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất phải tiến hành nạo vét khu vực biển tại đây

“Vật chất nạo vét dư thừa cần phải nhận chìm xuống biển có thành phần chủ yếu là cát nhiễm mặn (86,4%), cấp phối kém, màu xám xanh, xám vàng, lẫn vỏ sò hến kẹp cát trạng thái dẻo và bùn sét pha (13,6%). Qua phân tích thấy, các loại vật chất nạo vét ở khu vực cảng và luồng cảng đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của QCVN 43:2012/BTNMT đối với trầm tích nước mặn. Loại vật chất nạo vét này có các chỉ tiêu cơ lý đảm bảo sử dụng cho nhận chìm ở biển. Các chỉ tiêu kim loại nặng và thuốc BVTV họ Clo hữu cơ đều thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép. Kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường phóng xạ cũng thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng giá trị nồng độ phóng xạ tự nhiên theo IAEA. Nói một cách dễ hiểu là, vật chất xin nhận chìm là cát, tạp chất ở khu vực biển gần bờ, được đưa ra đổ ở vùng biển xa bờ hơn. Không có m3 vật chất nào dư thừa ở trên bờ được đưa ra để nhận chìm xuống biển”, ông Chung chia sẻ.

Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất

Xin nhận chìm ở vị trí nào?

UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý với phương án trên và đã lựa chọn, thống nhất vị trí nhận chìm nằm ở ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất – Quảng Nam 10km. Diện tích khu nhận chìm khoảng 1,8km2, có độ sâu từ - 51 đến - 55m, độ dốc khoảng 2%.

Để nạo vét và nhận chìm số vật chất này, Hòa Phát Dung Quất không sử dụng hình thức dùng máy hút, sau đó phun lên tàu và chở đi đổ như vẫn thường thấy, mà dùng tàu hút bụng xả đáy tự hành, có công suất từ 7.000-35.000m3/chiếc. Phương pháp hoạt động của loại tàu này sẽ nạo vét đưa hỗn hợp của nước và cát thông qua các đầu hút, các ống hút và bơm hỗn hợp này vào bụng chứa. Sau khi bụng chứa đã đầy, tàu sẽ vận chuyển đến vị trí nhận chìm ở biển và xả vật chất nạo vét khỏi khoang chứa; khoảng cách tính từ cửa xả đáy tới đáy biển còn khoảng từ 34-38m vì bụng tàu chìm sâu dưới mặt nước biển 17m nên đảm bảo vật chất nhận chìm phát tán không xa.

Trên cơ sở đánh giá của các cơ quan khoa học, Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất cũng như tỉnh Quảng Ngãi đã khẳng định, tại vị trí nhận chìm không có hệ sinh thái cần quan tâm đặc biệt như san hô, cỏ biển; tính đa dạng các sinh vật đáy thấp. Phạm vi phát tán lan truyền vật chất xa nhất là 4,62km về phía Tây Bắc và 2,96 km về phía Đông Nam, không phát tán rộng ra các vùng xung quanh. Mặt khác, sự phát tán lan truyền bùn cát chỉ xảy ra tức thời trong thời gian thực hiện nhận chìm, công nghệ, biện pháp nạo vét và nhận chìm đảm bảo tính hiện đại, do công ty nước ngoài có kinh nghiệm thực hiện, do đó, không ảnh hưởng đến Khu Bảo tồn biển Lý Sơn cũng không ảnh hưởng đến khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi.

Để có thêm cơ sở trước khi phê duyệt báo cáo ĐTM, Đoàn công tác của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã đến kiểm tra hiện trường vị trí dự kiến nhận chìm vật chất nạo vét ở cảng biển chuyên dụng của Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Đồng thời, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các huyện Lý Sơn, Bình Sơn cùng các tổ chức, sở, ban ngành liên quan của tỉnh Quảng Ngãi về đề nghị cho nhận chìm vật, chất nạo vét trong quá trình thi công cảng biển của chủ đầu tư là Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Tại buổi làm việc, các ý kiến đều đồng thuận với phương án, vị trí nhận chìm và cho rằng Chính phủ đã có chính sách cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn ra nước ngoài trong khi đó trong nước nhu cầu sử dụng không nhiều nên việc nhận chìm là phương án khả thi, phù hợp.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án do Bộ TN&MT thành lập gồm 22 thành viên là đại diện các Bộ TN&MT, KH&CN, Xây dựng, Công Thương và các chuyên gia về môi trường, gang thép, xây dựng, cảng biển… đã thẩm định báo cáo ĐTM này.

Nhận chìm là phương án khả thi

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn - nơi diễn ra dự án nạo vét cho biết, huyện đã tổ chức tham vấn cộng đồng về dự án này, người dân nơi đây hoàn toàn ủng hộ, thống nhất về chủ trương, vị trí nhận chìm. Tuy nhiên, đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật, có biện pháp bảo đảm không gây ô nhiễm.

Cảng vụ Dung Quất và Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi… cũng mong muốn Bộ TN&MT sớm phê duyệt hồ sơ ĐTM và cấp giấy phép nhận chìm cho chủ đầu tư; tránh việc gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án đi vào hoạt động.

Đại diện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Vị trí tỉnh đề nghị nhận chìm đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng; lấy ý kiến, tham mưu của các Sở, ngành chuyên môn; đã xin ý kiến của các Bộ có liên quan. Việc lựa chọn vị trí này để nhận chìm vật chất nạo vét cảng là phương án khả thi và phù hợp nhất hiện nay. Biện pháp thi công nạo vét, nhận chìm như chủ đầu tư báo cáo là tốt. Vì vậy, đề nghị Bộ TN&MT cần sớm phê duyệt hồ sơ ĐTM và cấp giấy phép nhận chìm cho chủ đầu tư.

Hải Yến

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nhan-chim-vat-chat-nao-vet-o-cang-bien-dung-quat-o-vi-tri-nao-post23642.html