Nhận biết trầm cảm và chăm sóc sức khỏe tâm thần

Với quan điểm sức khỏe tâm thần là một phần quan trọng của sức khỏe, hiện nay Bộ Y tế đã triển khai các chương trình hỗ trợ, cung cấp dịch vụ chăm sóc, chẩn đoán và điều trị các loại hình rối loạn tâm thần.

Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa cảm ơn các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến - Ảnh Ngọc Thắng

Hiện nay một số rối loạn thường gặp như: trầm cảm, lo âu, rối loạn sử dụng rượu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài (suy nhược); các vấn đề sức khỏe tâm thần do nghiện chất ma túy…

Vào lúc 14 giờ ngày 14.12.2018, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Báo Thanh Niên tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Nhận biết trầm cảm và chăm sóc sức khỏe tâm thần”. Trong chương trình này, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần sẽ cùng chia sẻ với bạn đọc về các vấn đề liên quan.

Mời bạn đọc quan tâm vui lòng đặt câu hỏi tại box bên cạnh.

giao lưu trực tuyến

Nguyễn Thị Nghiêm TP.HCM

Xin chào chương trình. Tôi xin hỏi một số câu hỏi sau đây:
1. Gia đình nên chăm sóc người bệnh như thế nào?
2. Xin cho biết những địa chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc đối với loại bệnh này.
3. Tôi từng nghe về tác dụng ức chế thần kinh của thuốc tây (ngoài tác dụng chữa bệnh) làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động tư duy của trí não nên rất lo lắng. Để giúp người bệnh bớt căng thẳng, không quậy phá và ngủ được thì uống thuốc, nhưng thuốc lại làm cho người quá "trầm" xuống, im lìm, không muốn tiếp xúc, nói chuyện, câu chữ nói không trọn vẹn,.. thì cũng đáng lo lắm.

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Với mỗi loại bệnh rối loạn tâm thần sẽ có cách thức chăm sóc cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung là: yêu cầu bệnh nhân phải tuân thủ các quy tắc sinh hoạt trong gia đình; hạn chế cho bệnh nhân sử dụng các chất kích thích; tuân thủ uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của các bác sĩ.

Với bệnh nhân, người nhà phải nghiêm khắc nhưng không thô bạo; thân mật nhưng không suồng sã. Gia đình nắm rõ tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân nhưng không chiều theo ý muốn không phù hợp của bệnh nhân. Ngoài ra, gia đình cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tránh những kích thích căng thẳng không cần thiết.

Đa số các thuốc hướng tâm thần đều có những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, với mỗi bệnh nhân thì các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể để tránh các tác dụng phụ đó.

Nếu người nhà chị xuất hiện các biểu hiện như chị vừa mô tả thì tốt nhất chị đưa bệnh nhân tái khám để bác sĩ đánh giá triệu chứng và tác dụng phụ; đồng thời, sẽ thay đổi các loại thuốc phù hợp, bảo đảm hiệu quả điều trị và không có tác dụng phụ.

My Pham TP.HCM

Tôi có bé cháu hiện đang học lớp 12 nội trú, do áp lực cuối cấp. Tôi thấy cháu học với tần suất rất cao, đi học cả tuần ở lại trường, cuối tuần về cháu ngồi học liên tục, ít trò chuyện với người nhà, cũng không xin đi chơi với bạn bè. Tôi rất sợ cháu sẽ mắc chứng bệnh trầm cảm, mong nhận được lời khuyên từ bác sĩ.

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Với trường hợp của con, chị bảo đảm chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin cần thiết, để con đủ sức khỏe học tập.

Chị nên hướng dẫn con có thời gian biểu bố trí việc học và nghỉ ngơi hợp lý, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời. Hàng ngày không nên thức quá khuya sau 12 giờ, bảo đảm mỗi ngày ngủ tối thiểu 7 tiếng.

Những ngày cuối tuần, thay vì con ở nhà thì gia đình nên đưa con đến các điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí...

Bạn đọc của báo Thanh Niên

Tôi có con trai năm tới sẽ thi vào lớp 10. Cháu vốn chăm học nhưng gần đây xao nhãng, tôi nhắc nhỏ thì cháu gắt và cãi lại “con biết phải học gì”, “bố mẹ hay đòi hỏi quá”… rồi bỏ vào phòng chốt cửa cả nửa ngày không nói chuyện với mọi người. Thực sự nếu cháu không học thì tôi rất lo không đỗ, nhưng cháu phản ứng như vậy thì tôi cũng không biết phải xử trí như thế nào? Như vậy có phải cháu có vấn đề về tâm lý hay triệu chứng bệnh về tinh thần không? Cảm ơn bác sĩ và mong được quan tâm trả lời!

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên thường xuất hiện do những nguyên nhân khác nhau như trong môi trường xã hội và trường học nổi bật lên tác động ảnh hưởng của một nhóm người hoặc học sinh xấu, nhất là những nơi tập trung đông dân cư.

Thiếu quan tâm của cha mẹ và giáo viên đối với các học sinh kém, dẫn đến tình trạng các em chán học, trốn học, rồi bỏ học hay bị đuổi học; cuối cùng bị lôi cuốn vào những nhóm học sinh xấu. Ảnh hưởng của cấu trúc gia đình không hoàn chỉnh trong môi trường gia đình sinh sống gồm các yếu tố: mồ côi cha mẹ, cha mẹ vắng nhà thường xuyên, cha mẹ ly hôn, cha mẹ không có nghề nghiệp ổn định...

Ảnh hưởng các chứng tật của cha mẹ và anh chị em gồm các hiện tượng: tính cách không bình thường, rối loạn hành vi nặng, nghiện rượu, nghiện ma túy, thường xuyên xung đột... Ảnh hưởng của các phương pháp giáo dục không hợp lý như hiện tượng đánh mắng thô bạo, quá nghiêm khắc, quá chiều chuộng, thiếu quan tâm...

Với trường hợp cụ thể của con trai chị, trước hết, chị nên tìm hiểu về quá trình học tập của con tại trường thông giáo viên, bạn bè của con… Bên cạnh đó, cha mẹ nên tăng cường trò chuyện để tìm hiểu những thay đổi về mặt tâm lý của con. Cha mẹ cố gắng trở thành người bạn của con để chia sẻ, động viên con, không nên tạo ra những áp lực hoặc đưa ra mục tiêu quá cao.

Gia đình có thể đưa con đến gặp các chuyên gia tâm lý để đánh giá trạng thái tâm lý của con và có những lời khuyên thích hợp.

Quỳnh Anh TP.HCM

Xin chào bác sĩ! Xin cho biết biểu hiện của trầm cảm ở lứa tuổi học sinh cấp 2 và cấp 3? Cha mẹ có thể nhận biết không và khi nào cần cho con đi khám? Cảm ơn bác sĩ!

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Giai đoạn từ 11 - 18 tuổi là giai đoạn tiềm ẩn, trẻ đã có ý thức trong việc học hành, quan hệ bè bạn, thể thao... Ở độ tuổi này, các em đã biết đau khổ vì những gì mà mình mong muốn, yêu thích không được thỏa mãn. Sự trầm cảm thể hiện qua sự cau có, mệt mỏi, nóng nảy, buồn rầu, kém ăn, giấc ngủ không sâu, người gầy yếu, kết quả học tập sút.

Các biểu hiện cơ bản của chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên tương tự như ở người lớn nhưng có liên quan đến những mối quan tâm điển hình của trẻ, chẳng hạn như học tập và vui chơi. Trẻ em có thể không giải thích được cảm xúc bên trong hoặc tâm trạng. Trầm cảm nên được xem xét khi những đứa trẻ hoạt động kém đi so với trước đó, không hòa nhập cộng đồng, rút khỏi xã hội hoặc có hành vi phạm pháp.

Ở một số trẻ có rối loạn trầm cảm, tâm trạng nổi trội là khó chịu, như cáu gắt, bực bội, kích thích, gây hấn hơn là nỗi buồn (một sự khác biệt quan trọng giữa tuổi thơ và người lớn). Sự khó chịu liên quan đến trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện như là hành vi hiếu chiến và bất hợp tác...

Chán nản, buồn bực là một trong những biểu hiện của chứng trầm cảm ở trẻ em.

Nhiều trẻ em cũng có những rối loạn khác, đặc biệt là chống đối, phản đối, hiếu động thái quá, tăng động, giảm chú ý hoặc rối loạn lo âu. Các biểu hiện bao gồm các cơn kích thích thường xuyên nghiêm trọng (ví dụ như giận dữ hoặc gây tổn thương đối với những người xung quanh...) có tần suất cao trên 3 lần/tuần; sự bùng nổ không phù hợp với hoàn cảnh; trạng thái cáu kỉnh, tức giận hiện diện hằng ngày.

Rối loạn trầm cảm chủ yếu lần đầu tiên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn là sau tuổi dậy thì với một số biểu hiện: cảm thấy buồn hoặc người khác quan sát thấy nỗi buồn (ví dụ như nước mắt) hoặc khó chịu; mất quan tâm hoặc thích thú trong hầu hết các hoạt động (thường được thể hiện như là chán nản); giảm cân (không tăng cân như dự kiến); giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn; mất ngủ hoặc chứng đau nửa đầu; sự kích động hoặc chậm phát triển tâm thần; mệt mỏi hoặc mất năng lượng; giảm khả năng suy nghĩ, tập trung và lựa chọn; những suy nghĩ liên tục về cái chết (không chỉ sợ chết) hoặc ý tưởng hay kế hoạch tự tử; cảm giác vô dụng (tức là cảm thấy bị từ chối và không được yêu thương)...

Nguy cơ tái phát cao ở những trẻ có giai đoạn trầm cảm nặng.

Thanh Mai Hà Nội

Xin bác sĩ cho biết biểu hiện của trầm cảm? Các yếu tố nào có thể khiến một người mắc trầm cảm? Bệnh này có thể chữa khỏi được không? Cảm ơn bác sĩ!

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Bệnh trầm cảm có những biểu hiện như sau: bệnh nhân thường có khí sắc trầm, mất mọi quan tâm và thích thú, giảm năng lượng dẫn đến tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động. Phổ biến là mệt mỏi rõ rệt chỉ sau một cố gắng nhỏ.

Ngoài ra, người bệnh còn có những triệu chứng phổ biến khác như giảm sút sự tập trung và sự chú ý; giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin; những ý tưởng bị tội và không xứng đáng (kể cả ở trong giai đoạn nhẹ); nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan; ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; ăn ít ngon miệng.

Khí sắc giảm thay đổi ít từ ngày này sang ngày khác và thường không tương ứng với hoàn cảnh, cơn có thể biến đổi đặc biệt trong ngày, càng về sau càng rõ. Cần phải có ít nhất 2 tuần để làm chẩn đoán, nhưng cũng có thể cần thời gian ngắn hơn nếu triệu chứng nặng bất thường và khởi phát nhanh.

Các yếu tố có thể khiến một người mắc bệnh trầm cảm gồm: tính cách (lòng tự trọng thấp, quá phụ thuộc, tự đổ lỗi, bi quan,...); gặp các sự kiện đau buồn hoặc gây ám ảnh (bị lạm dụng thể chất hoặc tinh thần, sự mất mát của người thân, khó khăn giữa các mối quan hệ, vấn đề về tài chính,...); người thân ruột thịt có tiền sử trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu hoặc từng tự sát; có tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần (rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau chấn thương,...); lạm dụng bia rượu hoặc chất kích thích; mắc những bệnh nghiêm trọng hoặc mãn tính (ung thư, đột quỵ, đau mãn tính, bệnh tim,...); tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc cao huyết áp, thuốc ngủ,...).

Bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, không sử dụng các chất kích thích; có chế độ lao động nghỉ ngơi hợp lý; thường xuyên luyện tập thể thao và có sự trợ giúp tâm lý của người thân và gia đình.

Nguyễn Thi Kim Dung Bình Định

Xin chào bác sĩ! Trầm cảm sau sinh con là bệnh thường gặp ở phụ nữ sau sinh, vậy thì triệu chứng khác với những người khác như thế nào? Khi bị bệnh trầm cảm thì đi khám và điều trị ở đâu? Bảo hiểm y tế có chi trả cho bệnh này hay không? Bệnh thường phổ biến ở lứa tuổi nào? Dấu hiệu nhận biết bệnh đối với lứa tuổi học sinh? Xin cảm ơn!

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Trầm cảm sau sinh là trầm cảm xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh từ một đến vài tuần với biểu hiện buồn chán, đau khổ, cáu kỉnh, tức giận... trong phần lớn thời gian trong ngày và phần lớn số ngày trong tuần.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cảm thấy mất kết nối với con, cảm giác tội lỗi và cho rằng người mẹ xấu, có thể có những suy nghĩ làm hại bản thân... Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ có biểu hiện trầm cảm sau sinh chiếm 10 - 15%.

Người nhà cần theo dõi để phát hiện sớm những biểu hiện trên ở phụ nữ sau sinh, nếu có một trong những dấu hiệu trên thì cần đưa đến các chuyên khoa tâm thần để khám và được tư vấn đầy đủ.

Nếu nhập viện điều trị nội trú, bạn sẽ được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định. Nếu chuyển đúng tuyến thì được hưởng 80%, nếu trái tuyến thì hưởng 30 - 40%.

Bạn đọc báo Thanh Niên

Bác sĩ ơi, xin tư vấn giúp cháu! Cháu dự kiến sẽ lập gia đình với bạn gái đã gắn bó hơn 2 năm qua, nhưng bố mẹ cháu cũng chưa thật ủng hộ do mẹ của bạn gái cháu phải điều trị tâm thần, bệnh mãn tính “lẩn thẩn”, và lo ngại nếu lấy nhau vợ cháu sau này cũng mắc bệnh. Vậy, bệnh tâm thần có di truyền không ạ? Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Vấn đề di truyền trong các bệnh lý tâm thần vẫn đang được nghiên cứu và hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy gen di truyền và phương thức di truyền của các bệnh lý tâm thần.

Các yếu tố di truyền trong nhiều bệnh lý cũng chỉ là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát sinh. Vì vậy, nếu bạn gái của bạn có chế độ sinh hoạt, lao động hợp lý, không sử dụng các chất kích thích, các loại ma túy thì hoàn toàn không lo ngại mắc bệnh tâm thần.

Thu Hà Hà Nội

Xin chào khách mời! Tôi sống tại Hà Nội nhiều năm, năm nay hơn 50 tuổi. Trong số bạn bè không ít người trục trặc sức khỏe như căng thẳng, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, hoặc tính khí thay đổi và họ đổ cho nguyên nhân: mệt mỏi, nhiều việc phải lo nghĩ, áp lực. Theo bác sĩ, như vậy có phải có vấn đề về sức khỏe tâm thần không? Tình trạng này không phải là bệnh nhưng thực sự ảnh hưởng chất lượng sống. Bác sĩ cho lời khuyên để khắc phục? Xin cảm ơn!

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Bước vào độ tuổi 50, do thay đổi về thể chất và sinh lý nên có rất nhiều biểu hiện bất thường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như cảm giác già nua, buồn chán có thể xâm chiếm tinh thần phụ nữ. Các chuyên gia tâm lý gọi đó là cơn "khủng hoảng tuổi trung niên", điều không dễ chịu nhưng sẽ sớm bình ổn nếu biết cách đối mặt với nó.

Dấu hiệu của khủng hoảng tuổi trung niên thường đi kèm những dấu hiệu sau (có phụ nữ chỉ xuất hiện một hoặc hai dấu hiệu chứ không phải là toàn bộ): cảm giác buồn chán, giận dữ hay lo lắng; thờ ơ với “chuyện ấy”; mất ngủ; uể oải với công việc; nhiều phụ nữ còn thấy trống trải, vô nghĩa, nhất là khi họ kiệt sức vì chăm sóc con cái và không hạnh phúc trong cuộc sống chung.

Với các biểu hiện của chị thì chưa phải là bệnh lý tâm thần, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý trầm cảm, bệnh lý sa sút tâm thần.

Vì vậy, chị nên đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, khám và điều trị sớm tránh các tiến triển xấu có thể xảy ra.

Xuân Lê Bắc Ninh

Thưa TS Vũ Thy Cầm! Xin bác sĩ cho biết, bệnh viện có tiếp nhận nhiều trường hợp nghiện game không?
Làm sao để tránh được nghiện game? Chồng em 24 tuổi, đi làm cả ngày, đến tối về lại chơi game, thậm chí không quan tâm đến vệ sinh cá nhân tối thiểu như tắm giặt và chơi với con. Có khi còn mải chơi liên miên nhiều giờ, ảnh hưởng đến đi làm hôm sau. Em cảm thấy rất chán nản nhưng không biết phải làm gì? Mong bác sĩ cho lời khuyên!

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Viện Sức khỏe tâm thần đã và đang điều trị cho khá nhiều trường hợp nghiện game. Trường hợp chồng của bạn thì có thể coi là nghiện game vì đã chơi game phần lớn thời gian trong ngày, chơi game không quan tâm đến bản thân, không quan tâm đến xung quanh và ảnh hưởng đến công việc.

Bạn nên đưa chồng đến khám tại chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn. Ở Bắc Ninh, bạn có thể đưa chồng đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Bắc Ninh.

Phan kim Liên Điện Biên

Xin chào bác sĩ! Bác sĩ cho biết, tôi luôn cảm thấy bực tức, hằn học khi mọi việc không đúng ý mình. Tôi rất dễ rơi vào trạng thái mất ngủ, và khóc, nhưng sáng mai tôi lại quên hết. Xin bác sĩ cho biết như vậy tôi có bệnh lý về trầm cảm không?

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Với trường hợp của bạn, hiện tại chưa chẩn đoán là trầm cảm. Vì để chẩn đoán được trầm cảm thì phải có đủ các tiêu chuẩn về triệu chứng học, tiêu chuẩn về thời gian và tiêu chuẩn loại trừ.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này đã kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn cần phải đến khám sớm ở chuyên khoa tâm thần.

Quốc Huy Hà Nội

Xin bác sĩ cho biết, khi nào được chẩn đoán là trầm cảm và có dấu hiệu nào thì nên đi khám sức khỏe tâm thần? Bệnh viện có nhận tư vấn qua điện thoại về sức khỏe tâm thần không? Xin cảm ơn!.

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Giai đoạn trầm cảm điển hình được mô tả như sau: Bệnh nhân thường có khí sắc trầm, mất mọi quan tâm và thích thú, giảm năng lượng dẫn đến tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động. Phổ biến là mệt mỏi rõ rệt chỉ sau một cố gắng nhỏ.

Ngoài ra, người bệnh còn có những triệu chứng phổ biến khác như giảm sút sự tập trung và sự chú ý; giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin; những ý tưởng bị tội và không xứng đáng (kể cả ở trong giai đoạn nhẹ); nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan; ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; ăn ít ngon miệng.

Khí sắc giảm thay đổi ít từ ngày này sang ngày khác và thường không tương ứng với hoàn cảnh, cơn có thể biến đổi đặc biệt trong ngày càng về sau càng rõ. Cần phải có ít nhất 2 tuần để làm chẩn đoán, nhưng cũng có thể cần thời gian ngắn hơn nếu triệu chứng nặng, bất thường và khởi phát nhanh.

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đang có kế hoạch triển khai dịch vụ tư vấn về sức khỏe tâm thần qua điện thoại trong năm 2019. Tuy nhiên, hiện mọi thắc mắc bạn có thể điện thoại theo số đường dây nóng: 0967301616 hoặc truy cập trang web của bệnh viện (www.benhvientamthanhanoi.com) để có thêm thông tin về sức khỏe thâm thần.

Phát Tài Đồng Nai

Vợ tôi sau khi sinh con rất hay cáu gắt. Mỗi khi cãi vã, cô ấy lao vào đánh tôi, tát tôi, có lần tôi say rượu, tôi đánh lại cô ấy, thế là cô ấy lấy dao dí tôi để chém, may mà tôi thoát được. Xin bác sĩ tư vấn tôi cần chữa bệnh này như thế nào? Có phải cô ấy trầm cảm hay tâm thần không?

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Bạn cần xem lại vợ mình từ trước đến nay có những hành vi, biểu hiện như trên không. Còn nếu gần đây mới có biểu hiện như vậy thì cần phải đưa đến chuyên khoa tâm thần để khám.

Ở đó, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ giúp làm chẩn đoán và điều trị.

Nguyễn Đinh Phú Đồng Tháp

Xin chào bác sĩ! Hiện đang vào mùa thi nên áp lực học của con tôi rất căng thẳng. Làm thế nào để giải tỏa tâm lý để bé không bị trầm cảm sau khi thi?

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Áp lực học tập là một trong những căn nguyên tâm lý dẫn đến trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, với các biểu hiện có thể gặp như sau:

Thứ nhất là trạng thái cảm xúc: buồn, lo âu, bất an; dễ cáu gắt, không tập trung chú ý, học tập kém hiệu quả, hay quên; cơn ngất, co giật chức năng, khó thở, đau ngực…

Thứ hai là trạng thái thể chất: mệt mỏi; gầy sút; khó ngủ, ăn kém, tim đập nhanh; chậm chạp hơn.

Nếu không được điều trị hợp lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ như học tập, sinh hoạt. Nặng hơn nữa, trẻ có thể có những hành vi tự sát do phản ứng tâm lý tiêu cực hoặc do trầm cảm nặng, có loạn thần.

Để giải tỏa tâm lý cho con trẻ khi bị áp lực về thi cử, các bậc cha mẹ cần xây dựng lịch, thời khóa biểu cho trẻ học tập, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, rèn luyện thể lực bằng chơi thể thao chứ không nên giải trí bằng trò chơi trên các thiết bị điện tử.

Đặc biệt, cha mẹ luôn gần gũi trẻ, biết lắng nghe trẻ, nhận thấy những thay đổi cảm xúc ở trẻ, sớm cho trẻ đi khám tại chuyên khoa tâm thần để được tư vấn lựa chọn điều trị thích hợp bằng liệu pháp tâm lý hay thuốc để tránh các rối loạn liên quan stress ở trẻ.

Minh Hùng Ninh Thuận

Xin bác sĩ cho biết, nếu muốn biết mình bị rối loạn sử dụng bia rượu thì tôi phải đi kiểm tra ở đâu là tin cậy nhất?

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Để đánh giá rối loạn tâm thần do sử dụng rượu bia, anh có thể đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần của tỉnh Ninh Thuận hoặc tại Bệnh viện tâm thần TP.HCM để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Huỳnh Văn Nam TP.HCM

Chào bác sĩ! Tôi bị chẩn đoán chứng loạn khí sắc, trầm cảm dai dẳng (trên 2 năm). Có uống thuốc thì tinh thần tương đối ổn, nhưng không có thuốc một thời gian thì tâm trạng thời gian sau đó rất tệ, thậm chí muốn chết. Xin hỏi bác sĩ, chứng bệnh này có thể chữa dứt không và trong thời gian bao lâu?

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Loạn khí sắc là dạng rối loạn điều trị được nên khi uống thuốc bạn thấy tốt lên. Tuy nhiên, về thời gian điều trị với mỗi bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào số giai đoạn tái phát. Với trường hợp như bạn nêu thì cần đến khám tại chuyên khoa tâm thần để được tư vấn chính xác về tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.

Ngoài ra, bạn cần phải được theo dõi, tái khám định kỳ ở chuyên khoa tâm thần để phòng tái phát.

Bạn ở khu vực TP.HCM thì có thể đến Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hoặc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để khám, chữa bệnh ở đó.

Hà Linh Bình dương

Chào chuyên gia! Tôi thấy có người thành đạt, gia đình hòa thuận nhưng bỗng nhiên tự tử chết và được cho là trầm cảm. Trầm cảm là gì? Có thể nhận biết để ngăn chặn hoặc điều trị không? Sau điều trị có thể tái phát không, xin được bác sĩ chia sẻ. Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Trầm cảm là rối loạn cảm xúc với tình trạng ức chế các mặt hoạt động tâm thần: tư duy, cảm xúc và hoạt động bị ức chế. Bạn có thể nhận biết trầm cảm bởi các dấu hiệu sau:

Thứ nhất là cảm xúc: buồn lan tỏa; dễ kích thích; trạng thái suy sụp…

Thứ hai là về thể chất: mệt mỏi, cảm giác không có năng lượng; thay đổi cân nặng, khẩu vị; khó ngủ, nhạy cảm hơn với đau khổ; chậm chạp.

Thứ ba là về xã hội: cách ly xã hội hoặc cố ý cô lập bản thân.

Thứ tư là về nhận thức: thiên về tiêu cực; suy giảm chức năng ra quyết định, lên kế hoạch.

Trầm cảm là rối loạn tâm thần hoàn toàn có thể chữa được, tuy nhiên, có tỷ lệ tái phát cao. Vì vậy, các bệnh nhân trầm cảm cần được khám, điều trị và theo dõi điều trị tại chuyên khoa tâm thần.

Bích Hằng Hà Nội

Xin chào khách mời của Báo Thanh Niên! Xin cho biết tình trạng mất trí ở tuổi già có thể điều trị được không, vì lâu nay mọi người thường chấp nhận đó là lão hóa không thể cải thiện? Bệnh này có thể dự phòng, ngăn chặn từ sớm không? Cảm ơn bác sĩ!

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Sa sút tâm thần là một bệnh không mong muốn (nhưng vẫn xảy ra) trong các bệnh phổ biến ở người lớn tuổi. Suy giảm trí nhớ có thể chỉ là tình trạng lão hóa bình thường nhưng có thể là “điềm báo trước” sa sút tâm thần.

Mất trí nhớ có thể chưa hẳn hoàn toàn do sa sút tâm thần và nếu là nguyên nhân liên quan khác thì có thể điều trị được, ví dụ như trong trầm cảm.

Khi cảm thấy bản thân có dấu hiệu quên hay mất trí nhớ, nên nhanh chóng trao đổi với người thân hay nhân viên y tế để có thể được khuyến cáo hay quyết định thăm khám chuyên khoa sớm. Không nên để các triệu chứng mất trí nhớ lộ rõ, có thể làm mất khả năng quyết định.

Chẩn đoán sa sút tâm thần Alzheimer sớm rất quan trọng vì hiện nay một số loại thuốc có thể mang lại hiệu quả cải thiện tình trạng bệnh dù không ngăn cản được tiến triển của bệnh.

Thay đổi lối sống, không hút thuốc lá, hạn chế dùng bia rượu, ngủ đủ giấc và điều độ, rèn tập duy trì hoạt động trí não và sức lực cơ thể là cách tốt nhất đối với người từ tuổi trung niên có thể làm giảm quá trình suy giảm trí nhớ.

Lời khuyên của các chuyên gia tâm thần - thần kinh là nên thăm khám sớm khi bắt đầu có biểu hiện mất trí nhớ. Vì có thể đó là quá trình lão hóa bình thường, có thể là biểu hiện kèm theo của một bệnh lý tâm thần khác, và cuối cùng là để có thể chẩn đoán sa sút Alzheimer sớm. Với các test chẩn đoán chuyên biệt và một số loại thuốc có thể cải thiện duy trì hoạt động hoặc ít ra cũng làm chậm lại tiến triển của tình trạng mất trí nhớ.

Một bạn đọc của báo Thanh niên

Chào bác sĩ! Tôi có cháu gái học cấp 3 rất hay tự nhổ tóc của mình, thậm chí hết cả mang tóc trên đầu, nhưng cháu vẫn giao tiếp bình thường, tuy có những lúc như “tự kỷ”, không giao tiếp với mọi người. Như vậy có cần kiểm tra sức khỏe tâm thần không? Làm thế nào để thuyết phục được cháu?

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Tật nhổ tóc là một sự rối loạn kiểm soát mạn tính, thôi thúc người bệnh nhổ lông, tóc lặp đi lặp lại, tạo thành một chứng mất tóc. (F63.3)

Tật nhổ tóc này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, tuổi thanh thiếu niên, và ở nữ giới nhiều hơn nam. Nhiều trẻ em mắc chứng này nhưng lành tính và tự khỏi. Tuổi khởi phát trung bình từ 9 - 13. Tần suất gia tăng ở những người lớn hay lo âu và dễ xúc động.

Biểu hiện lâm sàng: Người bệnh xoắn tóc vào ngón tay rồi nhổ hoặc chà xát cho đến khi nhổ được hay làm đứt sợi tóc đó. Vị trí thích hợp để nhổ là chỗ dễ với tay tới như vùng trán - thái dương; nhưng bất kỳ vùng nào ở đầu hoặc lông mi, mày đều bị tác động.

Những đám tóc bị nhổ có bờ không đều và mật độ tóc giảm đáng kể nhưng không bao giờ rụng nhẵn thín như trong bệnh rụng tóc vùng. Nhiều sợi tóc bị đứt với độ dài ngắn khác nhau, phân bố ngẫu nhiên ở vùng đầu bị ảnh hưởng. Những sợi tóc có độ dài từ 0,5 - 1 cm thường được người bệnh dùng ngón út cuộn lại và nhổ ra.

Tật nhổ tóc thường xảy ra trong giờ giải lao ở lớp học, lúc xem truyền hình hoặc lúc sắp chìm vào giấc ngủ. Bố mẹ ít khi để ý đến hành vi của trẻ.

Tật này ở nhiều trẻ bị kích hoạt trở lại khi nhập viện hoặc có can thiệp y tế, lúc gặp khó khăn, căng thẳng. Nhiều trường hợp cũng xảy ra do có sự bất hòa nghiêm trọng giữa anh chị em ruột trong nhà, hay mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái bị rạn nứt và có biểu hiện trì trệ trí tuệ. Thường có song hành bệnh tật về rối loạn tâm tính và lo âu trên người bệnh trầm cảm tiên phát làm gia tăng tỷ lệ mắc phải của chứng này. Tật nhổ tóc có thể xuất hiện ở tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành. Một số nhà tâm thần phân loại nó như một rối loạn ám ảnh cưỡng bức.

Bệnh tiến triển mạn tính, có nhiều đợt tăng và giảm. Người bệnh trung bình mỗi ngày tốn khoảng 1 - 3 giờ để nhổ tóc, dẫn đến tình trạng mất nhiều tóc. Bệnh nhân thường có cảm giác đau khổ và hổ thẹn, ảnh hưởng đến các mối quan hệ tình cảm và công việc. Người nhổ tóc luôn lo lắng bị phát hiện và ngại đi khám bệnh vì sợ bị chỉ trích về hành vi của mình.

Trường hợp cháu chị là đã có bất thường về tâm lý, gia đình nên đưa cháu đến bệnh viện tâm thần để được khám chuyên khoa và có hướng điều trị cụ thể.

Hoàng Hà Hà Nội

Xin chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho biết về tỷ lệ mắc bệnh lý tâm thần trong cộng đồng? Trong điều kiện công việc áp lực như hiện nay, mỗi người nên làm gì để giảm căng thẳng, để chất lượng sức khỏe tinh thần được hồi phục?

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh lý tâm thần chung trong cộng đồng khá đáng kể. Tuy nhiên, với mỗi rối loạn khác nhau sẽ có các nghiên cứu về tỷ lệ mắc là khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người bị bệnh tâm thần phân liệt tỷ lệ là 0,3 - 0,7% dân số và khoảng là 3 - 5% dân số trên thế giới có triệu chứng trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời…

Để giảm căng thẳng hay tránh stress, mỗi người cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

Theo như lời khuyên của GS Nguyễn Việt, chuyên gia nổi tiếng về tâm thần học, các bạn nên duy trì 5 quan điểm sống:

1. Nghiêm túc với mình, độ lượng với người.

2. Yêu công việc mình đang làm, yêu khía cạnh tốt của người khác.

3. Chấp nhận hoàn cảnh bất lợi đến với mình, tìm cách cải thiện nó.

4. Sống thanh đạm, chi tiêu tiết kiệm.

5. Có nhiều hơn những phút vui cười, bớt đi những phút buồn bực trong cuộc sống.

Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, các bạn nên quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, cần phát hiện sớm các biểu hiện của các rối loạn liên quan stress như căng thẳng, lo âu, mất ngủ... để đến khám và điều trị sớm tại chuyên khoa tâm thần.

Minh Minh Hải Phòng

Chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho biết, biểu hiện rối loạn tâm thần ở lứa tuổi trẻ? Làm sao để chủ động tránh được bệnh này? Em trai tôi vừa tốt nghiệp đại học, hiện công việc chưa ổn định và thỉnh thoảng dọa tự tử khi bố mẹ tôi có ý khuyên giải về công việc, khiến gia đình tôi rất lo lắng. Như vậy có phải điều trị không? Cảm ơn bác sĩ nhiều!

Ths BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc BV Tâm thần Hà nội

Bệnh tâm thần ở người trẻ tuổi có thể có những biểu hiện như sau:

Dần dần cách ly với xã hội, bạn bè: người trẻ tuổi tăng việc sử dụng thời gian ở trong phòng. Bệnh tiến triển làm họ sợ cả thức ăn và nước uống, vì cho rằng mình bị đầu độc bởi những kẻ khủng bố.

Suy giảm hiệu suất làm việc: Cảm thấy khó khăn trong việc tập trung chú ý; biểu hiện rõ ở những người lao động trí óc, họ thấy khó khăn trong học tập.

Bận tâm quá mức tới sự xuất hiện các triệu chứng cơ thể: Những người vị thành niên thường rất bận tâm tới những gì họ cảm thấy. Họ lo lắng về sự tăng cân, có trứng cá ở mặt, sự lôi cuốn ở người khác giới. Có thể đứng hàng giờ trước gương, kiểm tra mụn nhọt, tự hỏi về hình dáng mũi hoặc đường ngôi của họ.

ThS Trần Quyết Thắng (bìa phải), Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến của bạn đọc - Ảnh Ngọc Thắng

Trầm cảm: Biểu hiện có thể là sự mất quan tâm thích thú với mọi thứ, cảm thấy cuộc sống vô vị, ăn kém ngon miệng và rối loạn giấc ngủ.

Thay đổi trong hoạt động: Bệnh có thể bắt đầu bằng sự suy sụp trong hoạt động, người bệnh trở nên thờ ơ, luôn thấy mệt mỏi và hầu như suốt ngày nằm trên giường. Ngược lại, có người trở nên ít ở nhà, hay đi lang thang đâu đó, trở về với dáng vẻ lôi thôi, lếch thếch và kiệt sức.

Những ý nghĩ và hành vi kỳ lạ: Xuất hiện hoang tưởng, thường được giữ kín nhưng có thể bộc lộ trong hình thức buộc tội kỳ quái chung quanh người bệnh.

Hoang tưởng có thể chi phối hành vi người bệnh, như từ chối ăn một số thứ mà họ cho là có chất độc. Họ nghĩ căn phòng sắp bị nổ tung hoặc có bẫy, ô tô chạy trên đường là của bọn khủng bố.

Rối loạn tư duy: Thay đổi quan hệ với người thân, tự nhiên mất hết tình cảm với con cái hoặc vợ chồng. Người bệnh có thể nhận thức được điều này, họ thường phàn nàn không có tình cảm như trước đây.

Ảo giác: Thường gặp nhất là những ảo giác lời nói. Họ thật sự nghe được tiếng nói không có thật, và thường là chống lại chúng. Có lúc, lời nói làm người bệnh nghi ngờ và tăng dần sự xa lánh.

Cảm giác về những bệnh lý cơ thể: Người bệnh cảm thấy sự thay đổi tinh thần liên quan tới một bệnh trầm trọng nào đó. Họ thường tìm đến bác sĩ với những lời than phiền mơ hồ. Họ thường ăn không ngon miệng, dẫn đến sút cân.

Để phòng tránh rối loạn tâm thần, người trẻ phải có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…, tuyệt đối không sử dụng các chất ma túy. Khi có các bất thường về mặt tâm lý, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để tư vấn và thăm khám.

Với trường hợp của em trai bạn, đã có những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý tâm thần. Trong đó, hành vi dọa tự sát là một trong những triệu chứng quan trọng cần can thiệp và giải quyết.

Trường hợp em bạn cần đến ngay các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được các bác sĩ thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng bệnh và đưa ra các biện pháp điều trị và tư vấn tâm lý.

Bạn đọc báo Thanh Niên tại Hà Nội

Chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho biết, người bị tiếng nói trong đầu xui bỏ nhà đi, có lúc lại là tiếng chửi mắng…; tình trạng này bị nhiều năm nay, cứ điều trị một đợt đỡ nhưng sau thời gian lại lặp lại là bệnh gì? Vậy, gia đình cần đưa bệnh nhân đến khám ở đâu để điều trị khỏi? Cảm ơn bác sĩ!

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Theo thông tin bạn đọc mô tả, trường hợp người bị tiếng nói trong đầu xui bỏ nhà đi, có lúc lại là tiếng chửi mắng… thì đây có biểu hiện loạn thần.

Bệnh nhân nghe tiếng nói trong đầu xui khiến, chửi mắng nhiều năm nay, đây là triệu chứng ảo giác thính giác, hay còn gọi là ảo thanh.

Tuy nhiên, để biết là bệnh tâm thần gì, gia đình cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Bạn đọc ở Hà Nội có thể lựa chọn các địa chỉ sau để khám: Bệnh viện Tâm thần Hà Nội hoặc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, hoặc Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, hoặc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng.

Trần Nguyên Hải Phòng

Chào bác sĩ! Tại cơ sở điều trị có xu hướng gia tăng các bệnh nhân trẻ tuổi vào điều trị tâm thần? Xin bác sĩ cho biết những nguyên nhân gia tăng bệnh này? Bệnh tâm thần có thể điều trị khỏi không?

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Hiện nay, tại Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có khoảng 270 bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú và khoảng 250 - 300 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Những năm gần đây, bệnh nhân trẻ đến khám có xu hướng ngày càng gia tăng, có thể do những nguyên nhân:

Thứ nhất, xu hướng phát triển của xã hội hiện đại là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường,… con người ngày càng chịu nhiều áp lực của cuộc sống, vì vậy các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng, giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều.

TS Vũ Thi Cầm (bìa phải), Trưởng khoa Điều trị tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tinh thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, trả lời câu hỏi của bạn đọc - Ảnh Ngọc Thắng

Thứ hai là gia tăng sử dụng chất gây nghiện ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi nghiện chất theo xu hướng ngày càng gia tăng.

Thứ ba là nhóm các rối loạn tâm thần ở trẻ em ngày càng được gia đình quan tâm hơn, đến khám nhiều hơn.

Bệnh tâm thần có thể điều trị được, song cần phát hiện sớm và được điều trị sớm, tuân thủ điều trị tại chuyên khoa tâm thần.

Thu Hải TP.HCM

Xin chào khách mời! Tôi đọc báo thấy các bác sĩ có khuyến cáo về tình trạng nghiện mạng xã hội. Xin cho biết, khi nào thì được coi là “nghiện”? Bệnh này có điều trị khỏi được không? Có nguy cơ tái phát không?

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Nghiện mạng xã hội được hiểu đơn giản là chúng ta đang dành quá nhiều thời gian để sử dụng nó, gây ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống như làm việc, học tập.

Hiện nay, chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về nghiện mạng xã hội trong y văn tâm thần học, tuy nhiên, dựa vào các tiêu chí chẩn đoán nghiện nói chung thì nghiện mạng xã hội có thể có các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, quan tâm quá mức đến việc sử dụng mạng xã hội.

Thứ hai, sử dụng mạng xã hội ngày càng trở nên thường xuyên, liên tục và không kiểm soát được.

Thứ ba, không được sử dụng mạng xã hội thì trở nên lo lắng, bồn chồn, cáu kỉnh giận dữ.

Thứ tư, không chú ý đến xung quanh, bạn bè, người thân, giảm hoặc mất các mối quan hệ, chất lượng làm việc ngày càng giảm sút.

Nghiện mạng xã hội có khả năng điều trị được, song nguy cơ tái phát khá cao.

Quốc Anh Bạn đọc báo Thanh niên

Xin chào bác sĩ! Tôi thấy nói bóng cười được giới trẻ dùng để giải trí, vậy bóng này có gây nghiện không? Xin cảm ơn bác sĩ!

TS Vũ Thy Cầm Trưởng khoa điều trị tâm lý lâm sàng Viện SKTT quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai

Xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Khí gây cười tên hóa học là Đinitơ monoxit, là hợp chất hóa học với công thức N2O, khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười (funkyball). Sử dụng bóng cười là một trong những trào lưu đang được giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sử dụng, coi đây là một thú vui để xả stress.

Người sử dụng sẽ cầm bóng để hít khí cười từ bóng. Khí N2O ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác sảng khoái, tạo ảo giác và gây cười cho người sử dụng.

Hít khí cười ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh. Nếu sử dụng thường xuyên hoặc lạm dụng, có thể gây ra một số rối loạn như rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ... nguy cơ tái sử dụng và gây lệ thuộc.

Nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đến sử dụng chất gây nghiện khác (ma túy). Bởi vì, khi đã quen cảm giác ảo giác thì các bạn trẻ rất dễ tìm đến những chất tạo ra những ảo giác mạnh hơn.

Thanh Niên Online

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/giao-luu-truc-tuyen-nhan-biet-tram-cam-va-cham-soc-suc-khoe-tam-than-1032260.html