Nhận biết một số bệnh lý và rối loạn tâm lý - thần kinh ở trẻ nhỏ

Giống người lớn, trẻ em cũng có thể gặp phải những rối loạn phát triển thần kinh - tâm lý gây ảnh hưởng đến hành vi, nhận thức và khả năng học tập. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có buổi trao đổi cùng bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Trưởng Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản nhi tỉnh để giúp bạn đọc nắm được các triệu chứng sớm của rối loạn tâm lý - thần kinh ở trẻ.

+ Xin bác sĩ cho biết biểu hiện của một số rối loạn tâm lý - thần kinh thường gặp ở trẻ em?

- Trẻ em đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện các cơ quan, trong đó có hệ thần kinh. Từ khi sinh, não của trẻ nặng khoảng 350g, đến 3 tuổi đạt 1.200g (gần bằng trọng lượng não người trưởng thành). Điều đó thể hiện tốc độ phát triển cấu trúc thần kinh của trẻ là rất lớn. Quá trình myelin hóa trong não trẻ kéo theo sự phát triển chức năng của não. Do quá trình phát triển nhanh, dễ bị ảnh hưởng do tác động lối sống, công nghệ, sự quan tâm chăm sóc đúng cách mà những rối loạn về phát triển thần kinh và tâm lý ở trẻ ngày càng gia tăng. Một số rối loạn thường gặp như:

+ Rối loạn tăng động giảm chú ý( ADHD): Các biểu hiện thường bắt đầu từ 4 tuổi. Theo một số thống kê, tỉ lệ trẻ mắc ADHD chiếm đến 20% trong lứa tuổi tiểu học. Lúc này, trẻ có một số biểu hiện: Tăng hoạt động, nói quá nhiều, hay mất đồ, khó kiềm chế, xung động.

Hỗ trợ trẻ bị rối loạn tâm lý - thần kinh trong vận động và hòa nhập tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.

+ Rối loạn tự kỷ (ASD): Thường khởi phát trước 3 tuổi với biểu hiện: Trẻ khiếm khuyết về giao tiếp xã hội, chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi, rối loạn cảm giác.

+ Rối loạn hành vi: Một số rối loạn hành vi hay gặp là trẻ có những cơn xung động, hung tính, rối loạn tự kích thích, rối loạn kéo tóc (trichotillomania), rối loạn chống đối trong ăn uống (biểu hiện trẻ xuất hiện nôn khi ăn, chống đối việc ăn uống)…

+ Rối loạn lo âu: Trẻ lo lắng, sợ hãi quá mức và dai dẳng với thứ gì đó. Trẻ sợ hãi quá mức khi đến môi trường không quen thuộc, tính cách nhút nhát. Biểu hiện là trẻ dễ kích thích, lo lắng, bồn chồn, có thể kèm theo than phiền đau các vị trí khác nhau nhưng không do bệnh thực thể.

+ Rối loạn tiểu dầm không tổn thực: Trẻ trên 6 tuổi còn biểu hiện tiểu dầm, trên xét nghiệm không thấy có bất thường hệ tiết niệu. Rối loạn tiểu dầm làm trẻ tự ti, lo lắng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự tự tin của trẻ.

+ Rối loạn Tic: Trẻ có biểu hiện nháy mắt, hắng giọng, so vai, giật một vài nhóm cơ, rối loạn này tăng lên và giảm theo đợt. Khi trẻ lo lắng, căng thẳng học tập, xem tivi nhiều làm tăng tần xuất biểu hiện của rối loạn Tic.

+ Rối loạn trầm cảm: Trẻ khí sắc giảm, giảm thích, không muốn tham gia các hoạt động với bạn, trẻ rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống…

Với trẻ lớn hơn, khi bị tâm lý - thần kinh, trẻ thường có biểu hiện: Tự thu mình lại, có cảm giác buồn bã kéo dài hơn 2 tuần hoặc thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, lo âu không rõ nguyên nhân. Trẻ đột ngột thay đổi hành vi một cách mạnh mẽ khó kiểm soát, khó tập trung hoặc ngồi yên một chỗ, kết quả học tập kém. Trẻ bỗng chán ăn, thường xuyên nôn ói, thường xuyên đau đầu và đau bụng. Tự làm tổn thương chính mình, tự tử hoặc cố gắng tìm cách tự tử; tự hành hạ bản thân hoặc mượn ma túy, rượu để giải tỏa cảm xúc.

+ Vậy nguyên nhân nào gây ra bệnh này, thưa bác sĩ?

- Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến những bệnh này, như: Di truyền, sinh học (sự bất thường chức năng ở vùng não), chấn thương tâm lý hoặc nguyên nhân căng thẳng do môi trường.

Một tiết dạy cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Tâm An, TP Uông Bí. Ảnh: Lan Anh

Trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tâm lý - thần kinh nếu bản thân có các yếu tố: Dậy thì sớm; tính cách tự ti, nhút nhát hoặc nổi loạn, luôn cảm thấy không an toàn; thiếu kỹ năng xã hội, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp và xử lý vấn đề; có vấn đề về cảm xúc lúc còn nhỏ; sớm tiếp xúc với các chất gây nghiện như ma túy; chấn thương đầu; lúc nhỏ tiếp xúc nhiều với chì hoặc thủy ngân.

Hoặc trẻ cũng có nguy cơ bị tâm lý - thần kinh khi sinh ra trong gia đình có bố hoặc mẹ bị trầm cảm hoặc trong gia đình có người bị tâm thần phân liệt; xung đột giữa bố, mẹ và con cái; nuôi dạy không tốt; môi trường gia đình tiêu cực (bố/mẹ làm dụng thuốc, nghiện thuốc…); bố, mẹ ly dị hoặc hay cãi nhau, hay lo âu; trẻ bị lạm dụng tình dục.

Môi trường xã hội cũng có thể tác động đến tâm lý trẻ dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh tâm thần, bao gồm: Bị bạn bè cô lập; trải qua những tình huống căng thẳng; thành tích học tập kém; nghèo khổ, cảm thấy thua kém bạn bè; bạo lực học đường; không quan tâm đến việc học hành; gây gổ, đánh nhau với bạn bè đồng trang lứa; chơi với những bạn bè sử dụng ma túy; sống ở khu đô thị; mất đi các mối quan hệ hoặc bạn bè.

+ Cách điều trị và can thiệp những rối loạn này, thưa bác sĩ?

- Bệnh lý và rối loạn tâm lý- thần kinh ở trẻ có thể được chữa khỏi nhưng cũng dễ tái phát. Phương pháp để điều trị thường phải đa trị liệu với sự phối hợp của đa ngành như y tế, tâm lý, giáo dục, công tác xã hội, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, trị liệu hành vi, trị liệu cảm giác v.v. Can thiệp sớm và cá nhân hóa từng trường hợp để có chiến lược điều trị hiệu quả nhất. Việc dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ. Cùng với đó, cần kết hợp các phương pháp khác. Một yếu tố vô cùng quan trọng là chính gia đình tham gia tích cực vào quá trình can thiệp và trị liệu sẽ mang đến những hiệu quả rõ rệt và bền vững. Sự quan tâm và hiểu biết của cộng đồng và môi trường xung quanh trẻ góp phần tích cực trong việc hòa nhập của trẻ.

+ Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201912/nhan-biet-mot-so-benh-ly-va-roi-loan-tam-ly-than-kinh-o-tre-nho-2464469/