Nhầm ho gà thành viêm phổi, bé 2 tháng tuổi nguy kịch

Bệnh nhi 2 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng cơn ho kéo dài, mặt đỏ chuyển dần sang tím tái, nguy kịch vì biến chứng của bệnh ho gà.

Cách đây 2 tuần, bệnh nhi Nguyễn Thu Hà (2 tháng tuổi, Bắc Quang, Hà Giang) vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương điều trị với chẩn đoán viêm phổi, tình trạng nguy kịch.

Bố mẹ bệnh nhi cho biết khi bé được 17 ngày tuổi xuất hiện ho nhiều, ho không dứt, khò khè. Gia đình đưa bé đến bệnh viện ở địa phương điều trị 14 ngày nhưng tình trạng ngày càng nặng. Gia đình lo lắng nên đã xin chuyển viện.

Với dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh ho gà như ho cơn kéo dài, ho liên tục kèm theo đỏ mặt dần chuyển sang tím tái và các kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy trên phổi phải trên bệnh ho gà.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ Lý Lan Hương cho biết bệnh nhi là trường hợp điển hình của bệnh ho gà với các biểu hiện đặc trưng, có biến chứng viêm phổi do thời gian điều trị không đúng phác đồ kéo dài. Hiện tại, trẻ được điều trị theo phác đồ đặc trị bệnh ho gà. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bé Hà đã ổn định hơn, cơn ho ngắn và tình trạng phổi tiến triển tốt.

Bác sĩ Lan Hương thăm khám cho bệnh nhi 2 tháng tuổi. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Hương, bệnh nhi nằm trong nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh ho gà cao do chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Bệnh ho gà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm phổi, tăng áp lực động mạch phổi, biến chứng tim mạch dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong.

Cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt các bé chưa được tiêm phòng và chưa hoàn thành chương trình tiêm phòng:

- Cha mẹ rửa tay, vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ.

- Tránh đưa trẻ đến nơi công cộng có đông người, vùng dịch.

- Đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ các mũi tiêm phòng theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia.

- Khi trẻ có những biểu hiện như ho kéo dài, ho gặng, không thể dứt cơn ho kèm theo mặt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, trẻ tím tái. Trẻ sơ sinh có thể kèm theo cơn ngưng thở khi ho, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng phác đồ, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

- Khi mang thai, sản phụ cũng phải đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván để phòng bệnh cho con trong thời gian trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Phương Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nham-ho-ga-thanh-viem-phoi-be-2-thang-tuoi-nguy-kich-post901122.html