Nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố. Phải khẳng định đây là quy định phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và không ảnh hưởng đến quyền công dân.

Phù hợp với nghĩa vụ công dân

Trao đổi với báo chí về quy định trên, ông Lê Đình Cung, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tiếp công dân thành phố Hà Nội cho biết, nội quy được ban hành dựa trên Điều 12, Luật Tiếp công dân, theo đó cho phép Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội dung, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Nội quy không ảnh hưởng đến 6 quyền theo quy định của Điều 7, Luật Tiếp công dân. Nội quy này phù hợp với nghĩa vụ của công dân.

Đại biểu HĐND TP tiếp công dân tại quận Thanh Xuân. (ảnh: Thái San)

Đại biểu HĐND TP tiếp công dân tại quận Thanh Xuân. (ảnh: Thái San)

Cũng theo Khoản 2, Điều 7, Luật Liếp công dân quy định nghĩa vụ của công dân là đến bất kỳ cơ quan Nhà nước nào phải chấp hành nghiêm túc quy định của cơ quan đó.Nếu sợ không ghi âm, ghi hình sẽ mất bằng chứng thì có thể yên tâm sau buổi tiếp, công dân được nhận phiếu nhận đơn của cán bộ tiếp công dân hoặc biên bản xác nhận nội dung buổi tiếp giữa người tiếp và công dân.

“Trên phiếu nhận đơn sẽ ghi ngày, giờ làm việc và nội dung làm việc, ghi nhận đã nhận đơn của công dân. Trong nhiều trường hợp khác, ví dụ công dân đi thành đoàn có nhiều nội dung khác nhau thì chúng tôi sẽ lập biên bản. Cán bộ lập biên bản có sự đồng thuận của cả hai bên thể hiện bằng chữ ký. Sau đó, biên bản sẽ được đóng dấu. Đây là một quy trình chặt chẽ. Vì thế, không thể nói không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân”- ông Lê Đình Cung khẳng định.

Ông Lê Đình Cung cũng cho biết thêm, trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội cũng đã bố trí camera ghi hình, có lưu hình ảnh với mục đích để kiểm soát an ninh trật tự trong cơ quan hành chính, giám sát cán bộ tiếp công dân trong thực thi công vụ của mình. Ngoài hệ thống camera giám sát còn có cả hộp thư tiếp nhận góp ý của công dân sau buổi tiếp. Nội quy này có mục đích tạo ra một môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực cho cả công dân và cả người tiếp công dân; cùng nhau hoàn thành buổi tiếp với không khí nghiêm túc, văn minh, lịch sự, hiệu quả. Công dân được nói hết yêu cầu của mình, được tư vấn để thực hiện đúng luật khiếu nại, tố cáo. Cán bộ ghi nhận hết ý kiến công dân và có phương án xử lý sau buổi tiếp và thời gian tiếp phù hợp nhất để còn tiếp người khác.

Trước một số ý kiến lo ngại về việc không cho ghi âm, ghi hình sẽ cản trở việc người dân thu thập chứng cứ nếu họ phải khởi kiện hành vi thực thi công vụ của cán bộ tiếp dân, ông Lê Đình Cung cho rằng, thực ra đối tượng để người dân khởi kiện không phải thái độ của người tiếp dân. Người dân chủ yếu muốn biết lời nói của họ có được cán bộ tiếp ghi đầy đủ không; cán bộ có báo cáo với cấp trên để xử lý không...

“Chúng tôi sẽ làm được việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo... của người dân đến cấp có thẩm quyền. Một trường hợp cụ thể nào đó, người dân chưa hài lòng về thái độ cán bộ tiếp dân thì có thể phản ánh trực tiếp tới lãnh đạo hoặc thông qua nhiều phương tiện giám sát khác như hộp thư, camera... để cấp trên chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời”, ông Lê Đình Cung bày tỏ.

Nhằm thể hiện sự tôn nghiêm

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên về vấn đề nêu trên, Luật sư Phùng Văn Hiếu, Công ty Luật TNHH HARVARD (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, quy định này không mới, bởi thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả những nước như Mỹ, Pháp, Nhật Bản,… cũng có quy định không quay phim, chụp hình nơi công sở. Vì vậy, mọi người không nên vội phản ứng đối với việc ban hành nội quy này của thành phố Hà Nội mà cần hiểu rõ, không phải khi cán bộ tiếp công dân sẽ cấm hoàn toàn việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Cụ thể, nếu cán bộ tiếp công dân đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.

“Quy định này không vi phạm Hiến pháp, pháp luật mà cần thiết vì trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy để đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền. Do đó, công chức tiếp người dân cũng phải ăn mặc lịch sự, thể hiện thái độ văn minh, đúng mực, không được quát tháo, tỏ thái độ mất lịch sự với người đến làm việc. Ngược lại, công dân đến kiến nghị, đến làm việc ở cơ quan công quyền phải có thái độ rất nghiêm túc, tuân thủ luật pháp”- Luật sư Hiếu phân tích.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Đỗ Xuân Đang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Trước hết, theo Bộ luật Dân sự, người cán bộ tiếp công dân cũng có quyền bảo vệ hình ảnh riêng tư của mình. Khi bạn muốn quay phim, chụp hình hay ghi âm đối với bất kỳ ai cũng phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Do vậy, việc đặt ra quy định này là hoàn toàn có cơ sở, từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng khi vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết thì công dân đã chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng xã hội. Thậm chí với công nghệ hiện nay, nội dung quay phim, ghi âm còn có thể dễ dàng bị cắt cúp cho phù hợp với mục đích của người đăng tải. Khi đó, một số người chưa hiểu hết nội dung vụ việc có thể sẽ đưa ra những bình luận phiến diện, gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân và gây mất an ninh trật tự.

Theo Luật sư Đỗ Xuân Đang, việc ghi âm, ghi hình và sử dụng như thế nào phải tuân theo những quy định của pháp luật tương ứng. Thực tế, tại tất cả các trụ sở tiếp công dân của thành phố Hà Nội đều có đặt sẵn các máy quay phim và máy ghi âm để lưu lại các thông tin tại các buổi tiếp công dân. Người dân nào, khi tới gặp cán bộ tiếp dân xong, nếu có nhu cầu cần trích xuất các thông tin này thì đăng ký để sao lưu lại. Công dân có thể sử dụng dữ liệu đó để đảm bảo quyền của mình, ví dụ làm căn cứ xác định cán bộ tiếp dân đã tiếp nhận đơn thư chưa, trả lời dân như thế nào... nhưng không được sử dụng để đăng lên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ. Quy trình sử dụng các đoạn phim, hình ảnh đó sẽ căn cứ theo trình tự tố tụng tại tòa án hoặc khiếu nại, kiến nghị theo thủ tục hành chính.

Nếu người dân cố ý quay phim, ghi âm với mục đích đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp. Tùy vào mức độ, tính chất vụ việc mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt, nhiều trường hợp có thể bị xử lý hình sự.

Được biết, trong nội quy tiếp công dân tại trụ sở của Ban tiếp dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cũng có quy định tương tự. Trao đổi với báo chí, đại diện của đơn vị này cho biết, việc công dân quay phim, ghi âm để giám sát cũng tốt nhưng có một số người dùng biện pháp đó với dụng ý khác; thậm chí nhiều người livestream truyền trực tiếp các buổi tiếp công dân trên mạng xã hội kèm theo bình luận thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng đến người tiếp dân. Do đó, quy định trên là cần thiết để đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nham-bao-dam-thuc-hien-dung-quy-dinh-phap-luat-85909.html