Nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân

Việc quy định 'không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp công dân khi chưa xin phép' sẽ giúp bảo đảm quyền lợi cho chính công dân khi việc ghi âm, ghi hình được diễn ra thuận lợi, thoải mái, minh bạch, công khai. Toàn bộ bối cảnh của cuộc làm việc sẽ được ghi lại dưới sự chứng kiến của nhiều người, chứ không phải là những 'lát cắt' thiếu công tâm, khách quan.

Cần có thái độ ứng xử, giao tiếp văn minh

Trao đổi với phóng viên về thông tin thành phố Hà Nội ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố, ông Võ Xuân Hảo (đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng quy định này là cần thiết để xây dựng môi trường giao tiếp văn minh, đúng mực, đúng luật pháp.

Ông Võ Xuân Hảo làm thủ tục hành chính tại quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh Nguyễn Công)

Ông Hảo bày tỏ: Nếu công dân nào cũng “lăm lăm” máy ghi âm, ghi hình trong buổi làm việc, dù tính chất buổi làm việc không cần thiết phải làm việc đó, thì sẽ dễ gây cảm giác ức chế cho người làm việc. Không chỉ nơi công sở, mà ở bất kỳ đâu, đó không phải là thái độ tôn trọng người đối diện. Những thiết bị ghi âm, ghi hình không phải là yếu tố quyết định hiệu quả việc tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo.

Bà Vũ Thị Tuyết (phố Nguyễn Cao, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bà không thấy bất cứ sự bất tiện nào với quy định mới của thành phố Hà Nội. Theo bà Tuyết, điều quan trọng nhất tại trụ sở tiếp dân là các bên phải có cách ứng xử văn hóa, đúng mực. Cán bộ tiếp dân phải tôn trọng người dân, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Người dân đến nơi công sở, không chỉ là trụ sở tiếp dân, cũng phải có thái độ ứng xử bình tĩnh, chú ý lắng nghe sự hướng dẫn của cán bộ tiếp dân.

“Hai bên cùng ứng xử văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì công việc sẽ trôi chảy. Việc sử dụng camera ghi hình, ghi âm, suy cho cùng cũng nhằm mục đích này mà thôi. Thiếu bình tĩnh, không tôn trọng nhau và không tuân thủ pháp luật thì sẽ gây tổn hại cho cả hai phía, bất kể người trong cuộc có ghi âm hay ghi hình. Và như vậy, quy định mới ban hành liên quan tới công tác tiếp dân không có mục tiêu nào khác ngoài xây dựng môi trường giao tiếp văn hóa giữa công dân và cán bộ, công chức - một trong nhiều phần việc cần thực hiện để tiếp tục triển khai các quy tắc ứng xử đã được ban hành nhằm xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, bà Tuyết nói.

Tạo ra môi trường làm việc công khai, minh bạch

Từ góc độ một cán bộ thường xuyên tiếp xúc với công dân, chị Nguyễn Thị Phương Thảo cán bộ quận Bắc Từ Liêm cho rằng, quy định mới của Thành phố sẽ giúp bảo đảm quyền lợi cho cả hai phía, đặc biệt là tạo ra môi trường làm việc công khai, minh bạch.

Xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm lắp camera để giám sát hoạt động của cán bộ. (Ảnh Nguyễn Công)

“Cán bộ như chúng tôi không hề ngại ngần, người dân có thể quay phim, ghi hình, ghi âm theo nhu cầu của họ. Tuy nhiên, có những trường hợp người ta lén lút hoặc cố tình quay phim, chụp ảnh để đe dọa, tạo áp lực. Thậm chí đã có người gí thẳng điện thoại quay mặt cán bộ tiếp dân hoặc cắt ghép âm thanh, hình ảnh... khiến bản chất sự việc không còn trung thực nữa để đưa lên mạng xã hội, lái dư luận hiểu theo hướng “cán bộ vô cảm”, “cán bộ hành dân”..., trong khi thực tế không phải vậy. Do đó, việc quay phim, ghi hình nên được tiến hành công khai, minh bạch, quay hình ảnh và ghi âm thanh rõ ràng, đầy đủ, từ cả hai phía để bảo đảm sự thật”, chị Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm cho rằng, với quy định này, công dân nên nhìn nhận ở góc độ tích cực là quy định như vậy sẽ giúp bảo đảm quyền lợi cho chính họ khi việc ghi âm, ghi hình được diễn ra thuận lợi, thoải mái, minh bạch, công khai. Toàn bộ bối cảnh của cuộc làm việc sẽ được ghi lại dưới sự chứng kiến của nhiều người, chứ không phải là những “lát cắt” thiếu công tâm, khách quan.

Ông Đoàn Văn Bắc cho biết, ở đơn vị mình cũng đã lắp đặt hệ thống camera để lãnh đạo xã trực tiếp giám sát hoạt động của cán bộ, nhân viên. Nếu công dân có yêu cầu xem lại nội dung ghi hình, xã hoàn toàn tạo điều kiện với mục tiêu cuối cùng là tạo không khí buổi làm việc được thoải mái, khách quan, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên.

Ngày 3/1/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân thành phố, trong đó có quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Liền sau đó, dư luận có một số ý kiến nhiều chiều xoay quanh quy định này. Dù vậy, Hà Nội không phải là nơi duy nhất có quy định hạn chế quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở nơi tiếp công dân.

Thực tế, từ năm 2015, nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành trên cả nước đã ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, trong đó có đưa ra yêu cầu tương tự về việc không cho phép quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nham-bao-dam-quyen-loi-cua-cong-dan-85938.html