'Nhái' cả thương hiệu… xăng dầu

VH- Mới đây, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục gửi thư khuyến cáo đến các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu sử dụng trái phép nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ của Petrolimex. Những cửa hàng xăng dầu này đang 'đánh lận con đen', gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Qua kiểm tra, khảo sát ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, TP.HCM, Sơn La, Hòa Bình, Đắk Lắk, Quảng Nam... cho thấy, tình trạng cố tình sử dụng nhãn hiệu của Petrolimex diễn ra rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp tự ý sử dụng nhãn hiệu Petrolimex hoặc chữ "P" trên mái cửa hàng, dán nhãn hiệu chữ "P" ở cột bơm xăng hay sơn màu diềm mái cửa hàng (cam và xanh dương), giống hệt của Petrolimex. Hành vi này không chỉ làm ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn gây ngộ nhận đối với người tiêu dùng. Để ngăn ngừa, các đơn vị thành viên của Petrolimex đã nhiều lần gửi thư khuyến cáo, thậm chí là phản ánh tới các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, nhưng các vi phạm vẫn diễn ra công khai, suốt thời gian dài, đến nay chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.
Cụ thể, ngày 17.7 mới đây, Petrolimex Sài Gòn đã gửi thư khuyến cáo cho đơn vị chủ quản và hai cơ sở tại TP.HCM có hành vi xâm phạm nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ của Petrolimex gồm Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ (Cagico), Trạm xăng dầu Quang Trung CN 2 ( Phường 25, Quận Bình Thạnh), Cửa hàng xăng dầu Quang (Phường 8, Q. Gò Vấp). Trước đó, ngày 13.7, Petrolimex Quảng Ninh đã gửi thư khuyến cáo cho Công ty CP kỹ thuật thương mại Đại An ( Phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) do có hành vi sử dụng logo chữ "P" tại vị trí trên biển tên cửa hàng, bảng giá mặt hàng, cánh cột bơm, biển vẫy tại cửa hàng. Đặc biệt, để đánh lừa người tiêu dùng, Công ty TNHH xây dựng Nhật Quang, có địa chỉ tại Thôn 1, xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng xe bồn chở xăng có gắn nhãn hiệu Petrolimex lên xe, có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng và công chúng. Thậm chí, có những doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu như cửa hàng xăng dầu Quốc Tuấn của Công ty Cổ phần Thương mại vận tải Dầu khí Ngân Hà Oil – trading đã bị Petrolimex Hải Phòng đã gửi thư khuyến cáo đến 3 lần. Petrolimex cũng đã gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gửi Sở Công thương Hải Phòng, Sở Khoa học & Công nghệ Hải Phòng và Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng, nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cùng với đó, hàng trăm, hàng nghìn vụ việc tương tự đã bị phát hiện trong nhiều năm qua tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Những chiêu trò trên đã đánh lừa người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng không thể nhận biết được những cửa hàng xăng dầu này đảm bảo chất lượng và có uy tín. Do đó, khi có sự cố về chất lượng xăng dầu của các phương tiện do đổ xăng, dầu tại những cửa hàng “nhái” thương hiệu, người tiêu dùng bị thiệt thòi nhiều nhất. Đặc biệt là lòng tin với những thương hiệu uy tin và những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị giảm sút.
Có thể thấy, việc vi phạm về thương hiệu, nhãn hiệu diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng là do việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, những chế tài xử lý các vi phạm trên còn chưa đủ răn đe các doanh nghiệp sai phạm bởi mức xử phạt không thấm vào đâu so với những khoản lợi kếch xù do gian lận đem lại. Trong nhiều năm nay, các đơn vị bị vi phạm nhãn hiệu, thương hiệu đã gửi thư khuyến cáo nhiều cơ sở vi phạm, tuy nhiên, chỉ với doanh nghiệp thì không đủ. Đã đến lúc bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Mặt khác, cần có chế tài đủ mạnh, thậm chí truy tố những đối tượng vi phạm trước pháp luật. Đồng thời, nên công khai thông tin, hình ảnh các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu để người dân biết và phòng tránh.

Tại điều 28 Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí có quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về biển hiệu:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi không ghi tên hoặc ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với thương nhân phân phối xăng dầu có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với thương nhân đầu mối có hành vi không quy định thống nhất việc ghi tên thương nhân đầu mối trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình.
4. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng tên thương mại, biểu tượng (logo), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại bị xử phạt theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Ảnh: Cửa hàng xăng dầu Quốc Tuấn (Hải Phòng) đã bị Petrolimex Hải Phòng đã gửi thư khuyến cáo đến 3 lần

Hoàng Anh

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-t%E1%BA%BF/nh225i-160c%E1%BA%A3-th%C6%B0%C6%A1ng-hi%E1%BB%87u-x%C4%83ng-d%E1%BA%A7u