Nhạc trưởng trẻ tài năng Singapore biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài năng người Singapore Wong Kah Chun, Chương trình Hòa nhạc đặt vé trước số 109 sẽ bắt đầu lúc 20g ngày 27/4 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Wong Kah Chun, nghệ sĩ độc tấu piano Henri Sigfridsson cùng Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Buổi hòa nhạc sẽ biểu diễn Bản Concerto cho piano số 2, op.83, cung Si giáng trưởng của nhà soạn nhạc J. Brahms và Bản giao hưởng số 1 cung Sol thứ của V. Kalinnikov.

Nhạc trưởng Wong Kah Chun chỉ huy dàn nhạc (ảnh Straitstimes)

Nhạc trưởng Wong Kah Chun (sinh năm 1986) tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Yong Siew Toh (Singapore), từng được mời chỉ huy các dàn nhạc lớn, tham gia các liên hoan âm nhạc quốc tế và đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi chỉ huy âm nhạc danh tiếng. Anh cũng là người sáng lập và làm Giám đốc nghệ thuật của Tổ chức Âm nhạc đương đại Châu Á.

Nghệ sĩ piano Henri Sigfridsson

Nghệ sĩ piano người Phần Lan Henri Sigfridsson là một nghệ sĩ gắn bó với thể loại nhạc thính phòng, anh đã giành nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi âm nhạc lớn trên thế giới, hợp tác với nhiều dàn nhạc giao hưởng uy tín ở châu Âu, cũng như biểu diễn tại các liên hoan âm nhạc lớn. Henri Sigfridsson (sinh năm 1974) bắt đầu theo học tại Nhạc viện tại Turku, sau đó là Học viện Sibelius ở Helsinki, và Đại học Âm nhạc Cologne; năm 1995-1997 anh cũng tham gia chương trình đào tạo tại Đại học Âm nhạc Franz Liszt ở Weimar. Từ năm 2008-2009, Sigfridsson là Giáo sư khách mời tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Sân khấu Graz, Áo. Từ năm 2010, anh là Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học âm nhạc của Đức. Năm 2013, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan Âm nhạc Korsholm. Henri Sigfridsson là một trong những nghệ sĩ hàng đầu về piano ở Đức hiện nay.

Trong phần đầu buổi biểu diễn là Bản Concerto cho piano số 2, op.83, cung Si giáng trưởng của nhà soạn nhạc J. Brahms.

Johannes Brahms (1833-1897) là nhà soạn nhạc và nghệ sỹ dương cầm người Đức, ông là một trong 3 thành viên "Bộ Tam B" của âm nhạc cổ điển (tên chữ cái đầu của ba chỉ huy Bach, Beethoven và Brahms) và được đông đảo thính giả hiện đại biết đến với những khúc nhạc ru trẻ du dương. Bản Concerto số 2 cung Si giáng Trưởng, Op. 83 dành cho đàn Piano của Johannes Brahms là tác phẩm dành cho biểu diễn độc tấu Piano với sự phối hợp của dàn nhạc. J. Brahms phải mất đến 22 năm (1878-1881) mới hoàn thiện tác phẩm này, để dành tặng một người thày của ông. Nhạc phẩm đã giành được thành công ngay sau lần công diễn đầu tiên ngày 9/11/1881 tại Budapest. Bản Concerto cho piano số 2, op.83 của Brahms có 4 chương thay vì 3 cho thể loại concerto ở giai đoạn cổ điển và lãng mạn. Đó là các chương: Allegro non troppo (B-flat major); Allegro appassionato (D minor); Andante (B-flat major); Allegretto grazioso (B-flat major). Vì có thêm một chương nên Piano Concerto No2 của Brahms dài hơn so với hầu hết concerto khác được viết vào thời kỳ đó với màn trình diễn điển hình kéo dài khoảng 50 phút.

Trong phần tiếp theo của chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức Bản giao hưởng số 1 cung Sol thứ của nhà soạn nhạc Vasily Kalinnikov.

Nhà soạn nhạc Vasily Sergeyevich Kalinnikov (1866-1901) là nhà soạn nhạc người Nga. Ông nổi tiếng với hai bản giao hưởng Symphony No. 1 và No. 2, là những tác phẩm mang đậm âm hưởng của âm nhạc dân tộc, hai bản giao hưởng, đặc biệt là bản Giao hưởng đầu tiên, thường xuyên được biểu diễn vào đầu thế kỷ 20. Danh tiếng của V. Kalinnikov được bắt đầu với Bản giao hưởng số 1, được viết vào năm 1894-1895, tác phẩm mang đến thành công cho Kalinnikov khi nó được biểu diễn tại buổi hòa nhạc của Nga tại Kiev vào ngày 20/2/1897. Ngay sau đó, bản giao hưởng đã được biểu diễn liên tiếp tại nhiều nước: Moscow (Nga); Vienna (Áo); Berlin (Đức) và Paris (Pháp). Trong buổi biểu diễn lần này, khán giả Việt Nam sẽ có dịp thưởng thức lại một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc không mấy may mắn này.

Võ Vân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nhac-truong-tre-tai-nang-singapore-bieu-dien-cung-dan-nhac-giao-huong-viet-nam-329938.html