Nhạc trưởng Lê Phi Phi nói về 'Gộp Tết': Người Việt xa xứ vẫn chờ đợi Tết Việt

Nhiều năm nay, Nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai duy nhất của nhạc sĩ Hoàng Vân - thường không có cơ hội được đón Tết cổ truyền bên bố mẹ tại Hà Nội do đã định cư ở nước ngoài. Thế nhưng, trước vấn đề 'gộp Tết' Nguyên đán và Tết Dương lịch, đón Tết theo lịch Dương mà một số nhà nghiên cứu, chuyên gia đề xuất, Nhạc trưởng Lê Phi Phi tỏ ra rất băn khoăn dù có thể điều đó giúp anh dễ có cơ hội về đoàn tụ bên gia đình.

Gia đình Nhạc trưởng Lê Phi Phi. Ảnh: TL

Không thể nghèo đi chỉ vì Tết Âm lịch!

Mở đầu câu chuyện cùng chúng tôi, Nhạc trưởng Lê Phi Phi kể, căn nhà số 14 phố Hàng Thùng là nhà của ông nội anh, nơi bố anh đã sinh ra và lớn lên đồng thời gắn bó với tuổi thơ của Lê Phi Phi. Mỗi dịp Tết cổ truyền, ấn tượng nhất với anh là hình ảnh nồi bánh chưng mấy nhà luộc chung trong thùng phuy ám khói, mẹ đan cho anh chiếc áo len mới để mặc vào đêm Giao thừa. Khi giờ khắc Giao thừa đã điểm, nhạc sĩ Hoàng Vân - bố anh - bao giờ cũng xuống phố đi dạo rồi về nhà xông nhà. Khoảnh khắc ông bước vào với tư cách một người cha, người chồng - một trụ cột tin cậy của gia đình đầy xúc cảm. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, lập gia đình, tạo dựng sự nghiệp tại nước Cộng hòa Macedonia, hơn 20 năm nay, Nhạc trưởng Lê Phi Phi không có dịp đón Tết bên bố mẹ. Anh thừa nhận, có thể cha mẹ anh từng rất bận lòng bởi ai chẳng mong muốn sự có mặt của con cháu trong những ngày trọng đại nhưng tình yêu, tình thương con cái và gia đình của con đã lớn hơn cả niềm mong mỏi ấy. Đó là sự hy sinh vô điều kiện. Dù không đón Tết cổ truyền tại Việt Nam nhưng gia đình Nhạc trưởng Lê Phi Phi vẫn giữ phong tục ấy qua những món ăn đặc trưng của ngày Tết như: Bánh chưng, mứt, măng nấu chân giò, bóng miến, thịt gà...

Hỏi con trai nhạc sĩ Hoàng Vân về cảm nghĩ trước đề xuất gộp Tết Âm và Tết Dương, đón Tết theo lịch Dương để tiết kiệm thời gian, kinh phí… anh bày tỏ: “Ý kiến riêng của tôi thì không nên gộp hai cái Tết lại là một nếu lý do là tiết kiệm thời gian, kinh phí… Tết cổ truyền của dân tộc là một nét văn hóa có truyền thống từ bao đời nay. Trong sự phát triển và tiến hóa của một dân tộc thì những vẻ đẹp truyền thống nên bảo tồn. Nếu suy nghĩ theo hướng đề nghị trên thì tất cả các ngày lễ theo Âm lịch cũng không nên giữ gìn hoặc là gộp lại. Để tiết kiệm thời gian thì tôi không thấy thuyết phục lắm. Ví dụ, ở nước Cộng hòa Macedonia nơi tôi đang sinh sống, làm việc là một đất nước có hơn hai triệu dân với nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo khác nhau, họ vẫn lấy ngày Tết của đạo Chính thống giáo 14/1 là ngày lễ chính và được nghỉ dài ngày hơn, còn ngày Tết năm mới 1/1 thì họ cũng coi là ngày lễ, nhưng chỉ nghỉ có 1 ngày. Chưa kể là các ngày lễ riêng của các dân tộc, tôn giáo thì họ cũng coi là ngày nghỉ của cả nước. Họ làm ra làm, nghỉ ra nghỉ, nhưng hết Tết là hết nghỉ!”.

“Ở nước ta, dường như câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn rất hiệu nghiệm, những cuộc gặp gỡ, nhậu nhẹt triền miên sau những ngày nghỉ Tết mới thực sự là lãng phí thời gian! Còn vấn đề gộp Tết để tiết kiệm kinh phí thì đó là câu hỏi mà từ nhà nước đến mỗi gia đình, cơ quan, đoàn thể, công ty… phải tự đặt ra cho mình. Cốt lõi ở đây là chi tiêu sao cho phù hợp với nhu cầu chứ không phung phí. Đất nước, con người cũng không thể nghèo đi chỉ vì tổ chức đón Tết Âm lịch”, Nhạc trưởng Lê Phi Phi chia sẻ.

Vì sao Tết Việt áp lực?

Nhận định về Tết cổ truyền thời hiện đại, Nhạc trưởng Lê Phi Phi đánh giá, bây giờ cái gì cũng có, đặt mua là có tất cả, nhưng chính vì thế mà Tết mất đi không khí chuẩn bị. Theo anh, Tết chia ra làm ba thời điểm: Trước Tết, đêm Giao thừa và sau Tết. Trước Tết, công việc chuẩn bị cũng là một truyền thống văn hóa đẹp mà nhiều gia đình bây giờ không còn coi đó là một thủ tục cần thiết. Thời khắc Giao thừa cũng vô cùng thiêng liêng khi cả gia đình quây quần bên mâm cỗ, những người đi xa cũng cố về để có mặt, thời hiện đại lại có rất nhiều gia đình thay vì đón Tết ở nhà mình đã tổ chức đi du lịch… tránh Tết. Thời điểm những ngày tiếp theo là lúc gia đình họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… thăm hỏi chúc Tết, một nét đẹp rất nhân văn, song thời hiện đại nhiều người đã quá lạm dụng, làm sai lệch truyền thống này đồng thời kéo dài đến sau những ngày nghỉ Tết chính thức.

Con trai nhạc sĩ Hoàng Vân nói thêm về một thứ áp lực khác: “Tết đến đồng nghĩa với “cháy” người giúp việc 7 ngày. Có một người phụ nữ nào đó đã nói: 7 ngày x 3 bữa cơm = 21 bữa nấu nướng. Một điều quá sức! Chỉ khi đi làm trở lại sau 7 ngày nghỉ Tết thì cô ấy mới được “nghỉ”. Nên cười hay nên buồn khi nghe thấy điều này nhỉ? Vì ở xa nên những cảm xúc của tôi về Tết vẫn luôn giữ được một cách trọn vẹn và tôi luôn cố gắng tổ chức đón Tết cổ truyền ở Việt Nam hay Macedonia sao cho gần với truyền thống từ bao đời, không hoành tráng, xa hoa”.

Trước câu hỏi: “Giả sử gộp Tết âm lịch với Tết Dương lịch, đón Tết lịch Dương thì điều đó có tạo thuận lợi cho gia đình anh về Việt Nam không?”, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự: “Thường tôi và gia đình được nghỉ đông cả tháng 1 hàng năm, đón Tết Dương lịch ở đâu đối với tôi không quan trọng bằng Tết Âm lịch. Tuy nhiên, vì mỗi năm theo lịch ta thì Tết cũng thay đổi nên tôi chỉ có thể ăn Tết cổ truyền ở Việt nam nếu nó rơi vào khoảng cuối tháng 1 Dương lịch. Nếu không đón Tết ở quê nhà, tôi cũng cố gắng ăn Tết Âm lịch tại Macedonia với đủ đồ ăn thức uống cổ truyền và một cành đào hoa giấy! Tết Âm lịch là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng trong tâm hồn của một người con xa xứ đã 30 năm như tôi. Với tôi, Tổ quốc là điều mà con người ta không thể nào đánh mất. Đó là nơi ta sinh ra và cũng muốn nằm xuống. Tôi cũng muốn gia đình nhỏ của mình ở Macedonia cảm nhận, chia sẻ điều thiêng liêng ấy”.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc “gộp Tết”, đón Tết theo lịch Dương thì một số nhà nghiên cứu phản đối đã đưa ra nhận định: Xét về yếu tố thời gian, Tết Nguyên đán nếu được giữ nguyên thì cũng chỉ như một đợt nghỉ. Chúng ta đừng vội nghĩ phương Tây họ chỉ đón Tết Dương lịch xong là hết. Họ còn những đợt nghỉ khác, những sinh hoạt văn hóa cộng đồng phong phú khác nữa. Ví dụ, ở đất nước Hà Lan, cộng tổng ngày nghỉ một năm của một công chức có tới hơn 30 ngày. Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đang làm việc cho một tổ chức của nhà nước Hà Lan còn cho biết, những ngày nghỉ ấy, nếu người lao động nghỉ không hết là bị nhắc nhở. Người Việt có khoảng một tuần đón Tết, cộng tổng ngày nghỉ một năm chưa chắc đã bằng Hà Lan nhưng chúng ta vẫn chịu quá nhiều áp lực. Áp lực có nhiều lý do, nhưng nổi bật nhất là cách ứng xử với văn hóa Tết đang rườm rà vì những biến tướng từ việc biếu xén, quà cáp… để rồi con người tự thấy áp lực, sợ sệt Tết vì nỗi lo tiền bạc, thời gian, sức khỏe. Vì lẽ đó, Tết cổ truyền là mặc định thiêng liêng bỗng thành ra hủ tục, trở ngại khiến con người không còn trân trọng, hiểu đúng ý nghĩa.

Thành Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhac-truong-le-phi-phi-noi-ve-gop-tet-nguoi-viet-xa-xu-van-cho-doi-tet-viet-20180118083719225.htm