Nhạc trẻ phản ánh đời sống

Với giai điệu sôi động pha trộn nhiều thể loại âm nhạc, ca khúc của nhóm Lộn Xộn cảnh tỉnh 'người yêu tôi không có gì để mặc, dẫu một bao tải quần áo đầy trong kho'. Nguyên nhân nào dẫn đến nghịch lý ấy? Rất đơn giản là 'đôi giày đi qua Bà Triệu - Phố Huế phải khác đôi giày đi qua Cầu Giấy'...

Tập đầu tiên của "Sing My Song - Bài hát hay nhất" năm 2018 vừa lên sóng truyền hình VTV3 đã gây xôn xao các diễn đàn âm nhạc bởi ca khúc "Người yêu tôi không có gì để mặc" của nhóm Lộn Xộn. Hai chàng trai và một cô gái thế hệ 9X đến từ Hà Nội, dù đặt tên nhóm Lộn Xộn rất khó nghe, nhưng lại khiến khán phòng bùng nổ vì ca khúc của họ phản ánh lối sống đua đòi vật chất đáng lo ngại ở một bộ phận giới trẻ.

Với giai điệu sôi động pha trộn nhiều thể loại âm nhạc, ca khúc của nhóm Lộn Xộn cảnh tỉnh "người yêu tôi không có gì để mặc, dẫu một bao tải quần áo đầy trong kho". Nguyên nhân nào dẫn đến nghịch lý ấy? Rất đơn giản là "đôi giày đi qua Bà Triệu - Phố Huế phải khác đôi giày đi qua Cầu Giấy".

Tiếp theo cơn sốt "Người yêu tôi không có gì để mặc", thí sinh 23 Đinh Tuấn Anh lại tạo được ấn tượng với công chúng qua ca khúc "Bão" nói về đau khổ, mất mát con người phải gánh chịu thiên tai. Được cả bốn huấn luyện viên "Sing My Song - Bài hát hay nhất" gạt cần tán thưởng, Đinh Tuấn Anh chia sẻ: "Ý tưởng nảy ra trong một dịp rất tình cờ, khi tôi cùng với em gái đang ăn uống và trò chuyện, lúc đó em gái có nói với tôi về cơn bão Damrey đã đi qua tỉnh Khánh Hòa quay một clip và sau đó tôi có lên mạng tìm hiểu thêm về cơn bão này, thì thấy nó thật khủng khiếp và với rất nhiều cảm xúc, tôi đã viết nên bài hát".

Mùa giải "Sing My Song - Bài hát hay nhất" năm ngoái, chàng trai chuyển giới Lê Thiện Hiếu đã được hoan nghênh nồng nhiệt với hai ca khúc "Ông bà anh" và "1+1". Với tư cách một nghệ sĩ vừa sáng tác vừa biểu diễn, Lê Thiện Hiếu khẳng định việc đưa những vấn đề của đời thường vào ca khúc là một sự chọn lựa mà bản thân theo đuổi. Ngay cả một ca khúc ngỡ rất trữ tình như "Người ta và anh" thì Lê Thiện Hiếu cũng không ngần ngại gửi gắm tâm sự: "Người ta chạy theo tình tiền, còn anh chạy theo tình duyên…".

Nhạc sĩ Thế Hiển cho rằng những nhạc sĩ trẻ nếu chỉ quẩn quanh những bài tình ca sướt mướt thì sẽ nhanh chóng bị sáo mòn. Vì vậy, ông ủng hộ nhạc trẻ phản ánh đề tài xã hội. Bản thân nhạc sĩ Thế Hiển cũng bày tỏ thái độ mong muốn đồng hành dòng nhạc này: "Tôi có dịp đi đến các mái ấm, các trường mồ côi, những trung tâm nuôi dưỡng trẻ em là nạn nhân chất độc da cam để tiếp xúc với những mảnh đời kém may mắn.

Âm nhạc vang lên trong những cảm xúc của tôi và tôi viết bằng sự rung cảm và thấu hiểu. Chính những điều tôi đã nhìn thấy trong cuộc đời phản ánh trong tác phẩm của tôi. Nhạc sĩ phải đi thực tế vùng sâu cùng tuổi trẻ thì mới có những tác phẩm viết về thanh niên tình nguyện. Người sáng tác về đề tài bộ đội cũng phải tham gia vào đời sống của chiến sĩ mới viết được.

Không phải nhạc sĩ nào cũng viết được về đề tài xã hội, phải có sự quan tâm, vốn sống và sự trải nghiệm thì mới cảm được đề tài ấy… Những tác phẩm này làm đẹp hơn cho đời bởi khi trái tim chúng ta còn biết yêu thương thì chúng ta sẽ làm những điều tốt đẹp để giúp đỡ cho những người kém may mắn và những mảnh đời bất hạnh".
Tuy Hòa

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhac-tre-phan-anh-doi-song-484064/