Nhạc thính phòng tìm cách tiếp cận khán giả

Livestream là một trong những con đường tiếp cận công chúng tốt nhất của nhạc thính phòng - không chỉ ở thời điểm mọi chương trình biểu diễn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Buổi diễn trực tuyến (livestream) của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với chủ đề "VNSO Season opening concert", diễn ra lúc 20 giờ ngày 26-8 trên trang Facebook và kênh YouTube của dàn nhạc này, thu hút nhiều người theo dõi. Chương trình do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy, nghệ sĩ độc tấu piano là Lưu Đức Anh với những tác phẩm: "Holberg suite" (Edvard Grieg), "La Valse" (Maurice Ravel), Bản giao hưởng số 9 "From The New World" (Antonin Dvorak)... thực sự tạo ấn tượng với khán giả.

Sau những chương trình biểu diễn trực tuyến để lại ít nhiều ấn tượng với người yêu nhạc, khán giả Việt Nam đã bắt đầu quen với hình thức biểu diễn này. Livestream là một trong những con đường tiếp cận công chúng tốt nhất của nhạc thính phòng - không chỉ ở thời điểm mọi chương trình biểu diễn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tất nhiên, một chương trình biểu diễn, lại là nhạc thính phòng, chỉ có thể hoàn hảo khi diễn ra ở sân khấu hoàn chỉnh cùng với hiệu ứng tương tác với khán giả. Thế nhưng, trong khi ngồi một chỗ đợi dịch đi qua để chương trình có thể ra sân khấu, việc tiếp cận khán giả bằng livestream rõ ràng là một phương án hữu hiệu.

Buổi livestream của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)

Buổi livestream của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)

So với "Điều còn mãi", dự kiến diễn ra vào ngày 2-9 nhưng đã thông báo hoãn, thì những chương trình biểu diễn trực tuyến như "VNSO Season opening concert" vẹn cả đôi đường. Nghệ sĩ có thể biểu diễn, chương trình vẫn ra mắt và khán giả vẫn có thể thưởng thức được chương trình nghệ thuật giá trị.

Vốn được xem là nghệ thuật hàn lâm nên nhạc giao hưởng, thính phòng ở Việt Nam luôn gặp khó khăn khi muốn tiếp cận số đông khán giả. Thực tế, nhiều giải pháp đã từng được áp dụng như: tổ chức những buổi diễn miễn phí, biểu diễn định kỳ với giá vé "hạt dẻ" (gần như miễn phí) cho khán giả sinh viên, học sinh hay tổ chức những buổi biểu diễn, giao lưu trò chuyện ở trung tâm văn hóa, thậm chí trình diễn nơi công cộng để tiếp cận khán giả trẻ. Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM đã thực hiện những dự án đó với mục đích tiếp cận công chúng, đưa nhạc hàn lâm đến gần hơn với khán giả. Dù vậy, kết quả gặt hái được chưa như mong đợi.

Cho đến nay, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM gần như tạm ngưng lịch biểu diễn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhà hát vẫn có tác phẩm nhưng phải chờ ngày ra mắt, còn nghệ sĩ nghỉ ngơi dài hạn, đó cũng là điều đáng tiếc. Trong khi đó, bài toán tiếp cận đông đảo khán giả vẫn chưa tìm được lời giải.

Vậy nên, việc biểu diễn livestream như cách mà Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã và đang thực hiện được xem là một giải pháp thích hợp, ít nhất là với những tác phẩm cần quảng bá.

Thùy Trang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/nhac-thinh-phong-tim-cach-tiep-can-khan-gia-202008302247356.htm